Chủ tịch Bình Định: 'Một mỏ đất giá 8-900 triệu, nhưng đấu giá đẩy lên mười mấy tỷ"
Tỉnh Bình Định thống nhất phải giới hạn, để không còn tình trạng đối tượng là cò mồi, không có công trình vẫn tham gia đấu giá, với mục đích kiếm tiền làm hồ sơ, có động cơ ăn chia.
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, liên quan công tác quản lý khoáng sản (đất, cát), ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, có những lúc còn chưa tốt.
Theo ông Tuấn, nhờ sự phán ảnh của báo chí, tỉnh đang tập trung xử lý kiên quyết.
Thời gian qua tỉnh đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thế nhưng lại xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp tham gia đấu giá "đánh nhau", đẩy giá lên quá cao.
"Một mỏ đất tính ra giá chỉ 800 - 900 triệu đồng, nhưng khi vào đấu giá lại bỏ giá lên đến mười mấy tỷ. Như vậy, giá đất tự dưng tăng lên, các công trình của người dân, doanh nghiệp sau này cần mua khoáng sản sẽ bị thiệt. Việc này rất bức xúc", ông Tuấn nói.
Chủ tịch tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho hay, nếu là quy định thì phải xem kỹ lại mặt pháp luật. Vừa rồi, lãnh đạo tỉnh đã làm việc, thống nhất phải giới hạn lại, để không còn tình trạng đối tượng là cò mồi , không có công trình vẫn tham gia đấu giá, với mục đích kiếm tiền làm hồ sơ, có động cơ ăn chia .
Cũng theo ông Tuấn, vừa rồi tỉnh quyết định tạm dừng đấu giá khoáng sản đã khiến nhiều người phản ứng nhưng phải chấp nhận. Vì nếu tiếp tục đấu giá, đây là việc không tốt cho tỉnh.
Bình Định đưa ra bộ tiêu chí mới trong việc đấu giá, gồm 3 nội dung chính, đó là: những người tham gia đấu giá phải có dự án trên địa bàn; mỏ thương mại khi nào tỉnh yêu cầu vẫn phải cấp cho dự án theo giá dự án; quy định thời hạn khai thác không quá dài, chỉ 2 năm từ ngày cấp phép, còn muốn làm tiếp phải đấu giá. Việc này theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định để tránh tình trạng xí phần để đấy, lợi dụng đẩy giá lên để bán tiếp.
Tiền phong