MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TGĐ Kinh Bắc (KBC) "úp mở" về 1 doanh nghiệp FDI lớn dự kiến thuê nốt phần còn lại của KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, đầu tư hàng tỷ USD

23-06-2023 - 14:51 PM | Doanh nghiệp

TGĐ Kinh Bắc (KBC) "úp mở" về 1 doanh nghiệp FDI lớn dự kiến thuê nốt phần còn lại của KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, đầu tư hàng tỷ USD

Bà Hương đã thông báo đến cổ đông rằng "Ngày 22/6, Kinh Bắc đã chính thức đưa nợ trái phiếu về 0".

Sáng ngày 23/6, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã KBC) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 với sự vắng mặt của Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm do mẹ của ông Tâm đã qua đời vào ngày hôm qua, Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT - bà Nguyễn Thị Thu Hương thay ông Tâm làm chủ trì đại hội.

Tại đây, bà Hương đã thông báo đến cổ đông rằng "Ngày 22/6, Kinh Bắc đã chính thức đưa nợ trái phiếu về 0".

Trước đó, HĐQT KBC đã nhất trí giao Ban Tổng giám đốc chủ động xây dựng các kế hoạch quản lý dòng tiền, thu xếp vốn phù hợp để ưu tiên thanh toán đúng hạn và mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu còn dư nợ tại thời điểm 31/12/2022 nhằm đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư, các đối tác, đặc biệt là các Ngân hàng và Trái chủ.

Ghi nhận trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022, dư nợ trái phiếu của KBC vào cuối năm ngoái còn 3.900 tỷ.

Gần đây, ông Đặng Thành Tâm cũng chia sẻ, “Sang quý I năm nay, cơ bản chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Quý II cho đến nay cơ bản cũng hoàn thành. KBC cũng tự tin trái phiếu sẽ trả được 3.900 tỷ đồng.”

Trong BCTC quý 1, Kinh Bắc cho biết, doanh nghiệp đã tiến hành các thủ tục trả nợ đúng hạn và mua lại trước hạn các trái phiếu phát hành riêng lẻ có tổng trị giá 2.400 tỷ đồng.

Như vậy, tổng dư nợ của KBC còn lại là 1.500 tỷ đồng, toàn bộ là trái phiếu phát hành ra công chúng với mã KBC121020, đáo hạn ngày 24/6/2023.

Sau đó, Kinh Bắc đã mua lại 342,72 tỷ đồng trong tổng đăng ký chào mua là 750 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45,7% tổng lượng đăng ký mua đối với lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng trên, giảm dư nợ trái phiếu còn 1.157,28 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2023, KBC đặt mục tiêu 9.000 tỷ doanh thu và 4.000 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng đột biến so với năm trước.

TGĐ Kinh Bắc (KBC) "úp mở" về 1 doanh nghiệp FDI lớn dự kiến thuê nốt phần còn lại của KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, đầu tư hàng tỷ USD - Ảnh 1.

Trong năm nay, KBC đang đẩy manh thủ tục phê duyệt và tiến độ thi công HTKT 1 số dự án KCN mới tại Hải Phòng (KCN Tràng duệ 3 và KĐT Tràng Cát), Hưng Yên (CCN Kim Động – Chính Nghĩa – Ân Thi), Quảng Ninh (CCN Đầm Nhà Mạc), Long An (KCN Phước Vĩnh Đông, KCN Lộc Giang, CCN Tân Tập)... và chuẩn bị cho các dự án KCN mới tại Hậu Giang (KCN Sông Hậu 2, ...)

Ước tính trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của KBC đạt 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 2.000 tỷ, hoàn thành 50% kế hoạch cả năm.
Chỉ tiêu kế hoạch diện tích cho thuê KCN 2023 là 250ha, hiện nay đã đạt được 70%.

Cập nhật về một số dự án, Tổng giám đốc cũng tiết lộ đang có 1 doanh nghiệp FDI lớn dự kiến thuê nốt phần còn lại của KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, dự kiến vốn đầu tư có thể lên đến hàng tỷ USD. KCN Quang Châu và Quang Châu mở rộng sắp tới sẽ thu hút hơn 1,3 tỷ USD hiện KBC đang làm thủ tục.

Tại thành phố Hải Phòng, Khu đô thị Tràng Duệ sắp tới bàn giao 83 căn biệt thự cuối cùng trong năm 2023. Hai dự án Khu đô thị Tràng Cát và Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 chưa chính thức được động thổ nhưng hơn 1 năm nay, KBC vẫn triển khai các công đoạn. Theo bà Hương, Khu đô thị Tràng Cát đã san lấp được 100ha còn Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 cũng đã đền bù được vài trăm ha.

Đối với KĐT Phúc Ninh (Bắc Ninh), lãnh đạo tỉnh và KBC đã họp và trong thời gian ngắn sắp tới sẽ xử lý xong một số vấn đề thủ tục để tiếp tục ký hợp đồng và thu tiền khách hàng đã mua nhà và mở bán giai doạn tiếp theo.

Dự án NOXH ở tỉnh Bắc Giang chuẩn bị bàn giao năm nay. Những dự án mới đang đẩy mạnh quá trình pháp lý.

Chia sẻ tại Đại hội, bà Hương cho biết, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp sản xuất thiết bị thông minh như điện tử của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đang quan tâm đến KCN Nam Sơn – Hạp Lĩnh và KCN Tràng Duệ 3.

“Nếu thu hút thành công hơn 20 doanh nghiệp này thì Kinh Bắc sẽ oải, chỉ cần thu hút được 50% trong số này đã là tốt lắm rồi”, Bà Hương nói.

Ngoài ra, khi được cổ đông hỏi vì sao Tổng giám đốc và Ban Tổng giám đốc gần không nắm cổ phiếu KBC, thay vì chia thưởng bằng tiền mặt sao không chia bằng cổ phiếu, bà Hương trả lời: “Ngày xưa Kinh Bắc nhỏ lắm. Và khi chúng tôi lên sàn năm 2007 lúc đó cũng chỉ tạm tính toán vậy thôi và từ đó đến giờ chưa điều chỉnh.

Chúng tôi đã đang bàn đến những chính sách như vậy nhưng do dịch Covid diễn ra rồi nền kinh tế biến động, cứ mải mê lo những việc như vậy thành ra chúng tôi đành để việc này chậm lại. Chúng tôi vẫn nỗ lực làm việc chứ không phải không có cổ phiếu mà chúng tôi không làm việc, còn làm tận tâm hơn vì đây là tâm huyết của chúng tôi và chúng tôi cũng được hưởng lương. Bản thân tôi sẽ đề nghị lại với HĐQT”.

Huyền Trang

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:
Trở lên trên