Chủ tịch DNSE Nguyễn Hoàng Giang: Từ Tổng Giám đốc CTCK trẻ nhất Việt Nam tới cột mốc đưa CTCK công nghệ đầu tiên IPO
“Những việc lần đầu tiên làm ở năm 24 tuổi mang tính chất liều lĩnh. Còn những “lần đầu tiên” ở tuổi 38, đó là sự khao khát để thực hiện điều tốt nhất có thể trong bản thân mình” – ông Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ về những mục tiêu tham vọng của DNSE trên hành trình vươn mình chinh phục thị trường.
Không giống như hình ảnh quen thuộc tại các công ty chứng khoán (CTCK) truyền thống, văn phòng của CTCK DNSE có thiết kế tương đồng với nơi làm việc của các startup: Một bàn bi-a lớn ở khu cộng đồng, không gian mở không giới hạn và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Giang không có phòng làm việc riêng. Đây là nơi mà CTCK công nghệ DNSE quản lý 23.700 tỷ đồng tài sản của hơn 550.000 tài khoản đầu tư, và tạo ra những mức tăng trưởng 2-3 con số trong doanh thu và lợi nhuận.
Sau hơn 3,5 năm tạo ra những điều mới mẻ trên thị trường, DNSE đánh dấu cột mốc mới bằng việc phát hành cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO). Đây là "cú nổ" khi đã 3 năm, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam không có thương vụ IPO nào và riêng ngành chứng khoán đã không có CTCK nào IPO trong 5 năm qua.
"DNSE có thể IPO được là nhờ sự ủng hộ và hỗ trợ rất nhiều từ các cơ quan quản lý và nhà đầu tư, cho nên trước cột mốc mới của công ty, tôi thực sự xúc động" – Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT của CTCK DNSE nói.
Khi mua lại CTCK Đại Nam, tiền thân của DNSE bây giờ, lúc ấy tài sản công ty để lại cho anh có những gì?
Tháng 7/2020, chúng tôi mua CTCK Đại Nam cũng là lúc bùng phát dịch Covid tại Việt Nam và thị trường chứng khoán lao dốc mạnh, ảnh hưởng nặng đến tâm lý nhà đầu tư. Đó có thể nói là một trong những thời điểm mà tôi cảm thấy khó khăn nhất trong cuộc đời. Công ty không có nhiều khách hàng. Tổng tài sản chứng khoán lưu ký khoảng dưới 2.000 tỷ. Server đặt trong một căn phòng bị dột, phải dùng áo mưa để che.
Khi rơi vào những khoảnh khắc như thế, tôi coi nó như một cuộc chạy bộ. Trong cuộc chạy bộ, có lúc mình thấy khó thở, có lúc mệt mỏi nhưng quan trọng nhất là mình giữ được tinh thần và niềm tin. Nếu mất hy vọng, mất đi sức chiến đấu thì sẽ không còn gì cả.
Với DNSE, niềm tin của tôi dựa trên nền tảng network đã xây dựng được, để sẵn sàng hỗ trợ mình trong lúc khó khăn, không chỉ về tinh thần mà cả về tiền bạc. Niềm tin của tôi cũng dựa trên sự hiểu biết cơ bản về thị trường chứng khoán. Chúng tôi tin rằng dần dần người Việt Nam sẽ có nhu cầu đầu tư chứng khoán nhiều hơn và thực tế sau đó đã chứng minh điều này.
Trong vòng 3 tháng, chúng tôi đã xây dựng xong phần mềm, chuyển đổi DNSE để cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho nhà đầu tư. Số lượng tài khoản mở tại DNSE có sự tăng trưởng vượt bậc.
Đến giờ, DNSE đã lưu ký 1,4 tỷ cổ phiếu với giá trị 26.000 tỷ đồng, tức là tăng gấp 13-14 lần so với những gì chúng tôi có ban đầu. Điều đó có nghĩa là khách hàng và đối tác đã tin tưởng vào nền tảng cũng như sản phẩm dịch vụ của DNSE trong 3,5 năm qua.
Biến 1 CTCK nhỏ thành CTCK 3.000 tỷ với nhiều thành tích, mọi việc có diễn ra theo đúng kế hoạch của anh hay đã vượt lên mong muốn tại thời điểm mua lại CK Đại Nam 3 năm trước?
Tăng vốn là điều nằm trong kế hoạch ban đầu, bởi vì chứng khoán là một ngành kinh doanh có điều kiện, các chỉ số hoạt động phải tuân theo tiêu chí của UBCK. Nghĩa là chí ít phải có đủ vốn, chúng ta mới có thể xây dựng được một nền tảng phục vụ cho khách hàng.
Chúng tôi đã làm được rất nhiều việc trong hơn 3 năm qua như đạt kế hoạch về lợi nhuận, lọt top 10 thị phần môi giới trên HNX vào quý 2/2022. Những gì chúng tôi đạt được có cái nhanh hơn, có cái chậm hơn so với kỳ vọng nhưng tôi nhìn nhận cho đến hiện tại, mọi con số về thị phần cũng như về số lượng khách hàng đều nằm trong kế hoạch kinh doanh chúng tôi đã đặt ra.
Chúng tôi vẫn tiếp tục có kế hoạch tăng vốn. Sau khi IPO, vốn điều lệ của DNSE tăng lên 3.300 tỷ, như thế mới đảm bảo có một nền tảng tài chính vững mạnh để cung cấp các dịch vụ tốt. Tôi tin rằng tiềm năng của TTCK còn rất lớn, số lượng tài khoản thậm chí sẽ phải tăng gấp đôi so với bây giờ.
Con số ấy tăng trưởng cùng với nhịp điệu tăng trưởng của GDP. Và khi mà trong vòng 5 năm tới, GDP bình quân đầu người có thể vượt 5.000 USD, đây là một cột mốc rất quan trọng vì theo quan sát của tôi trong lịch sử, rất nhiều quốc gia khi vượt qua mốc ấy sẽ thu hút một lượng đầu tư đột biến vào TTCK.
Một kỳ vọng nữa của chúng tôi là khi KRX đi vào hoạt động, các CTCK càng cần có một năng lực tài chính mạnh để triển khai các sản phẩm mới, để các nhà đầu tư tin tưởng, cũng như phục vụ được nhu cầu tài trợ vốn cho họ.
Trước những yếu tố mà anh đánh giá là cơ hội như vậy, mục tiêu của DNSE sau IPO là gì?
Chúng tôi có những kế hoạch tham vọng mà khi nói ra, nhiều người cho rằng không tưởng. Đó là tăng thị phần môi giới lên 5-8% từ con số 1,2% hiện nay. Nhưng nếu chúng ta không đưa ra được một kế hoạch tham vọng, thì cũng sẽ không có một thành công tương xứng.
Chúng tôi tin rằng, khi làm được điều mà mình đặt ra trong tầm nhìn là "Đơn giản hoá đầu tư cho người Việt" thì số lượng khách hàng sử dụng nền tảng của DNSE còn phải nhiều hơn nữa.
Nhìn vào các thị trường đi trước như Hàn Quốc, Ấn Độ thì với một CTCK công nghệ như DNSE, đạt được thị phần 5-8% là bình thường. Bởi vì nhu cầu của NĐT là một đơn vị có dịch vụ tốt hơn, dễ sử dụng hơn, hoàn toàn trực tuyến và rẻ hơn.
Từ thời điểm nào thì DNSE có những khoản doanh thu lớn đầu tiên và anh cảm thấy "Vậy là con đường mình đi đã chuẩn rồi?"
Thực ra, ngay từ giai đoạn đầu triển khai mô hình, chúng tôi cũng đã có những thành công nhất định bởi vì mình có những mối quan hệ và những khách hàng thân thiết từ quá trình làm việc trước đây.
Cùng với đó, ngay trong năm đầu tiên sau khi mua lại CK Đại Nam, chúng tôi đã xây dựng và tiếp quản được những khách hàng cũ. Cộng thêm một may mắn là sau đoạn lao dốc vì đại dịch Covid thì cũng do Covid mà thị trường chứng khoán tăng trưởng rất mạnh mẽ. Chúng tôi nhanh chóng thu hút được khách hàng mới nhờ công nghệ mở tài khoản eKYC, nhờ sự liên kết mở rộng nền tảng khách hàng với các đối tác như ZaloPay... Doanh thu lớn đến cũng sớm và tăng trưởng nhanh.
DNSE có những khách hàng lớn đầu tiên vào giữa năm 2021, khi chúng tôi đưa ra mô hình freemium, miễn phí giao dịch trọn đời. Người ta tự đến, cứ thế mở tài khoản thôi và mình phát hiện ra khi xem số liệu. Đó là điều mà tôi cảm thấy vui nhất trong khoảng thời gian đó.
Chúng tôi vốn luôn tin con đường mình chọn là chính xác. Tôi nghĩ là chỉ cần một thời gian để chứng minh cho cổ đông cũng như khách hàng rằng đây là một sản phẩm tốt, phù hợp. Khi người ta nhận ra, thành công đến là tất yếu.
Được biết trong quá trình khởi nghiệp với DNSE, ở vị trí Chủ tịch HĐQT, anh đích thân tự ngồi code và cho đến bây giờ vẫn trực tiếp tham gia từng buổi họp hàng ngày để làm sản phẩm. Ở công ty, Chủ tịch HĐQT cũng không có phòng riêng. Tại sao vậy?
Tôi nghĩ rằng đối với một công ty, điều quan trọng nhất là chúng ta phải sâu sát và hiểu được sản phẩm. Định hướng sản phẩm rất quan trọng, việc mình trực tiếp tham gia cùng các bạn nhân viên để làm sản phẩm - đặc biệt khi startup còn thiếu nguồn lực - thì đó là việc rất bình thường.
Văn hoá mà tôi muốn xây dựng ở đây là tất cả mọi người đều không ngại việc, ai cũng sẵn sàng hỗ trợ người khác để hướng tới mục tiêu chung. Việc để cho mọi người ngồi cùng nhau trong một không gian mở, không có phòng làm việc riêng và trên tường luôn có bảng dashboard để nhìn thấy những con số kết quả làm việc, chỉ số kinh doanh nhằm mục đích minh bạch quá trình vận hành của công ty. Tôi muốn mọi người hiểu rằng họ là những người chèo lái chính cho công ty và từ mỗi kết quả nhỏ của mọi người sẽ làm nên thành quả chung.
Anh nổi tiếng khi từng là Tổng Giám đốc trẻ nhất TTCK Việt Nam ở tuổi 24 tại VNDirect, giờ DNSE lại được biết đến là CTCK công nghệ đầu tiên IPO, đồng thời cũng là công ty chứng khoán đầu tiên IPO trong vòng 5 năm trở lại đây. Anh có cảm thấy rằng ‘định mệnh’ của mình là làm những điều đầu tiên? Lần đầu tiên của năm 24 tuổi và lần đầu tiên của năm 38 tuổi khác nhau như thế nào?
Tôi nghĩ là lần đầu tiên ở năm 24 tuổi nó mang tính chất liều lĩnh, vì khi còn trẻ, chưa biết gì mà mình đã nhận làm Tổng Giám đốc một CTCK top đầu thị trường. Ở vị trí Tổng Giám đốc, mình không phải là chủ, mình chỉ quan tâm đến tối ưu công việc điều hành hàng ngày và chưa phải quan tâm đến câu hỏi: "Lấy tiền ở đâu?"
Còn khi 38 tuổi, đó là sự khao khát để làm điều tốt nhất có thể trong bản thân mình. Giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, tôi phải quan tâm mình sẽ huy động vốn như thế nào, tiền từ đâu ra, mình có thể hoạt động trong bao lâu. Sự khác biệt đó khiến mình trưởng thành hơn và áp lực hơn. Thêm vào đó, mọi người cũng có những kỳ vọng vào Chủ tịch, xem tầm nhìn của mình đến đâu, có đủ lớn để họ đi cùng hay không?
Với DNSE, tôi đã cố gắng làm tốt nhất tất cả mọi thứ và không ngại làm việc mới. Có lẽ nên gọi định mệnh của tôi là không ngại làm việc mới và làm việc mới đó một cách tốt nhất. Trong quá trình trưởng thành của một con người cũng như của một công ty, muốn phát triển hơn, thành công hơn thì phải tìm ra con đường riêng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình cũng như sự khác biệt với người khác.
Cụ thể thì khái niệm một CTCK công nghệ là gì?
Trong ngành tài chính chứng khoán, hầu hết các công ty chứng khoán đều ứng dụng công nghệ. Có thể nói là trong vòng 30 - 40 năm trở lại đây thì các cái định chế tài chính là những đơn vị tiên phong sử dụng công nghệ.
Có nhiều định nghĩa về Fintech và CTCK công nghệ. Định nghĩa của tôi về một CTCK công nghệ là khách hàng có thể thực hiện được 100% các yêu cầu của họ trên online, không chỉ là trên hệ thống phần mềm online mà cả ở trong nội bộ CTCK - khi chúng ta vận hành các công việc hàng ngày kể từ kế toán đến việc chuyển tiền… Khi tỷ lệ tự động hoá trong CTCK từ 80-90% thì mới có thể gọi là một CTCK công nghệ.
Từ cách đây 5 – 7 năm, nhiều CTCK đã tuyên bố là đi theo mô hình "không môi giới" nhưng thực tế đến nay thị trường ra sao?
Đã có nhiều CTCK tuyên bố theo mô hình không môi giới, nhưng họ vẫn phải có một đội ngũ mà thay vì gọi là môi giới thì gọi là đội ngũ phát triển khách hàng. Tôi nghĩ chúng ta đang ở giữa một giai đoạn chuyển đổi, chưa có đơn vị nào thực tế 100% công nghệ.
Vấn đề họ gặp phải là gì?
Đối với những công ty chứng khoán đã hoạt động lâu năm, khi thực hiện chuyển đổi số sẽ có rất nhiều rào cản. Rào cản với đội ngũ kinh doanh sẵn có, hoặc là các vấn đề trong hoạt động từ trước đó. Hoặc đơn giản, người chủ của CTCK có những rào cản khi điều chỉnh đội ngũ. Nếu chuyển sang mô hình không có môi giới thì những môi giới cũ sẽ đi đâu?
Đối với DNSE, khi chúng tôi quyết định mua lại giấy phép của CTCK Đại Nam và làm từ con số 0 thì chúng tôi không gặp phải những vấn đề ấy và có thể đi với tốc độ nhanh hơn. Không có những phần doanh thu khiến mình phải tiếc khi cắt bỏ.
Các CTCK truyền thống cũng đang mạnh mẽ chuyển đối số, bên cạnh đó họ lại có nền tảng tốt từ thương hiệu lâu đời và thị phần môi giới, đó sẽ là thách thức cho DNSE?
Mọi người đều nhìn ra vấn đề là phải sử dụng công nghệ trong dịch vụ nhưng thực tế triển khai thì DNSE có lợi thế: Chúng tôi gọn nhẹ nhất. Chúng tôi có tốc độ thay đổi rất nhanh. Chúng tôi xây từ gốc, đội ngũ tập trung làm thật tốt một vấn đề, đó là xây dựng nền tảng chứng khoán dựa trên công nghệ thực sự đơn giản cho người Việt Nam.
Nói đúng hơn, "đơn giản" là tầm nhìn của chúng tôi, nhưng ngày hôm nay chúng ta thấy thế này là đơn giản, nhưng ngày mai có thể phải đơn giản hơn thế nữa.
Những sản phẩm tạo nên sự khác biệt của DNSE với thị trường các "CTCK truyền thống"? Sản phẩm nào của DNSE khiến anh tự hào nhất?
Chúng tôi có một nền tảng gọi là Margin Deal, nghĩa là khi nhà đầu tư mua cổ phiếu, DNSE sẽ tính hạn mức cho vay ký quỹ theo từng lần mua của họ, theo từng mã chứng khoán. Như vậy, NĐT có thể quản trị rủi ro và tính toán lợi nhuận một cách đúng nhất.
Với hình thức cho vay ký quỹ thông thường, CTCK chỉ tính giá vốn của NĐT theo giá thị trường nhưng không tính tới lãi suất Margin đã thu, không tính phí giao dịch, cũng không tính thuế phải trả là bao nhiêu. Margin Deal tính toán và minh bạch tất cả các khoản chi phí đó.
Chúng tôi đưa ra một định hướng nữa, ấy là khi các nhà đầu tư có nhu cầu vay khác biệt, chúng tôi cho phép họ có thể đưa yêu cầu ngay ở trên app và gần như tự thiết kế được một gói vay phù hợp nhất với bản thân mình.
Khi nói đến công nghệ thì có một khái niệm đang rất hot là AI. Anh đánh giá trí tuệ nhân tạo đã ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực tài chính - chứng khoán, đặc biệt cách chúng ta đầu tư và quản lý dòng tiền trong thời đại ngày nay? Tại thị trường tài chính Việt Nam, anh thấy AI đang thể hiện vai trò tốt nhất ở phần nào?
Tôi cho rằng ảnh hưởng của AI đối với thị trường tài chính trong ngắn hạn chưa có nhiều. Nhưng trong dài hạn, tôi đánh giá thị trường tài chính là một thị trường có rất nhiều dữ liệu được hệ thống hoá, AI sẽ hỗ trợ nhà đầu tư rất nhiều trong phân tích, đánh giá và định giá cổ phiếu cũng như tìm kiếm thông tin, báo cáo một cách nhanh chóng.
Nhưng dù thế nào, AI sẽ là công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến NĐT tương lai. Ai có phương pháp và cách sử dụng đúng, sẽ có lợi thế hơn NĐT khác. Còn DNSE là đơn vị đã dành nguồn lực để nghiên cứu ứng dụng công nghệ đó sao cho hỗ trợ nhà đầu tư một cách tốt nhất trong khả năng, năng lực hiện tại của dữ liệu.
Dù sao nó cũng chỉ là một tính năng và đối với các NĐT, chúng tôi sẽ đi theo hướng là hỗ trợ ở bên cạnh. Tôi không nghĩ rằng có một nền tảng AI nào có thể kiếm được tiền cho các bạn, nếu có, người ta đã giữ lại để kiếm tiền cho bản thân họ. Vấn đề quan trọng để kiếm được lợi nhuận tốt trên thị trường tài chính là tư duy và sự hiểu biết của chính bản thân mình. AI và công nghệ là thứ hỗ trợ chúng ta tư duy và hiểu biết nhanh hơn chứ không thể thay thế cho bạn.
Trở lại với sự kiện IPO của DNSE, với mức giá 30.000 đồng/cp tương ứng định giá công ty ở mức 10.000 tỷ đồng, nằm trong top 10 CTCK lớn nhất Việt Nam. Cơ sở của mức giá này cho một CTCK non trẻ như DNSE?
Định giá của một công ty dựa trên tiềm năng của công ty đó. Chúng tôi đánh giá DNSE là một công ty tăng trưởng hơn 10 lần trong vòng ba năm vừa qua và với một thị trường có rất nhiều tiềm năng trong thời gian tới. Đồng thời DNSE là công ty mà chúng tôi dựa trên công nghệ để phát triển 100 % nên chi phí vận hành cũng như biên lợi nhuận cho các nhà đầu tư rất tốt.
Một điểm nữa mà chúng tôi nhìn nhận là trong thời gian tới dư địa phát triển thị trường rất lớn. Bản thân DNSE tập trung 100% vào việc xây dựng nền tảng cho đầu tư chứng khoán trực tuyến cũng như hệ thống kết nối cho các nhà đầu tư tiếp cận trường chứng khoán nên chúng tôi không thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh hay là đóng vai trò trong vấn đề đầu tư có liên quan đến trái phiếu - vấn đề đã ảnh hưởng đến rất nhiều người của công ty chứng khoán trong giai đoạn vừa rồi.
Do đó, định giá của DNSE phản ánh tất cả những giá trị của nó.
DNSE là công ty đầu tiên cho phép nhà đầu tư đăng ký và mua cổ phiếu 100% bằng hình thức trực tuyến (online). Điều này có lợi ích gì? Anh có lường trước đến những nghi ngờ của thị trường cho hình thức mới mẻ này?
Chúng tôi thực hiện IPO theo hình thức online 100% nhằm giúp cho các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng hơn. Nguồn vốn dự kiến huy động được sẽ được dùng để cung cấp dịch vụ cho vay ký quỹ và đầu tư công nghệ để tiếp tục phát triển hướng tới tầm nhìn đơn giản hóa đầu tư cho người Việt.
Bây giờ nhu cầu của các nhà đầu tư cũng khác xưa. Người ta giao dịch online, mở tài khoản online và kể cả các ngân hàng cũng chuyển đổi số để giảm thiểu thời gian cũng như là tăng tiện ích cho khách hàng.
Vì vậy, IPO online là việc tôi nghĩ là bình thường, nhưng nó thể hiện tính tiên phong của một công ty, nhất là khi mà chúng tôi mong muốn đem lại sự đơn giản và tiếp cận các nhà đầu tư một cách nhanh nhất.
Trong một bài phỏng vấn, anh từng chia sẻ rằng luôn mong muốn sao cho đầu tư chứng khoán phải dễ như ăn kẹo. DNSE là "đứa con" nhằm hiện thực hóa tầm nhìn "Đơn giản hoá đầu tư cho người Việt". Giờ đã có ai tâm sự với anh là đầu tư ở DNSE dễ như ăn kẹo chưa?
Có người nói dễ hơn, có người nói khó hơn. Nhưng khi nhìn vào số liệu số lượng khách hàng mới - đặc biệt là đối tượng lần đầu đầu tư - tăng trưởng rất tốt thì tôi nghĩ rằng đó là do họ cảm thấy sự dễ dàng. Như tôi nói, việc dễ như ăn kẹo - có thể lúc này là dễ nhưng lúc sau lại không dễ nữa, nên mình luôn luôn sẽ phải làm nó dễ hơn.
Ví dụ như việc IPO đang diễn ra, đã có nhiều người chia sẻ rằng mua IPO online dễ hơn hẳn ngày xưa, không phải gọi môi giới, không phải di chuyển, ký giấy tờ, chuyển cọc… Giờ chỉ cần quét mã QR và cứ thế mà đi tiền. Tất cả mọi thứ được xem trực tuyến.
Sự dễ dàng này mới thể hiện ở cách nhà đầu tư đến với thị trường và các thao tác thực hiện, còn sự dễ dàng về mặt hiệu quả đầu tư thì như thế nào?
Việc đầu tư có lãi dễ dàng nên nhìn trong dài hạn. Chúng tôi hiện tại tập trung vào những công cụ hỗ trợ cho nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn khi đánh giá cổ phiếu. Nếu nói kiếm lời trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn thì rất khó, tỷ lệ người chiến thắng trên TTCK trong ngắn hạn không cao. Tuy nhiên chúng tôi cũng cung cấp một nền tảng để hỗ trợ cho các nhà đầu tư ngắn hạn dễ dàng hơn bằng cách quản trị rủi ro đơn giản hơn, công cụ đánh giá lợi nhuận tốt hơn để từ đó họ có thể đưa ra các quyết định đầu tư đơn giản và nhanh hơn.
Để lựa chọn cổ phiếu có khả năng có lãi cao lại là một không gian hoàn toàn khác. Chúng tôi có công cụ để hỗ trợ ý tưởng đầu tư, lựa chọn dựa trên thông tin và các chỉ số. Còn nếu muốn một nền tảng có thể "đầu tư vào đâu là lãi đấy" thì hơi… lừa đảo.
Cảm ơn anh về những chia sẻ này!
Nhịp Sống Thị Trường