Chủ tịch EuroCham: “Chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp châu Âu đến Việt Nam”
Chủ tịch EuroCham nhìn nhận: "EVFTA sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ hơn để các doanh nghiệp SME châu Âu đến Việt Nam, bởi đã có một công cụ pháp lý vững chắc hỗ trợ họ khi đến đầu tư".
- 01-07-2019World Bank "đánh động" Việt Nam trong tình cảnh rủi ro bủa vây tứ phía
- 01-07-2019Mở hàng EVFTA, doanh nghiệp Nhật Bản "rót" 8 tỷ USD vào hàng loạt lĩnh vực ở Việt Nam
- 01-07-2019Chủ tịch VCCI: 'Thương mại VN-EU trở lại thời hoàng kim'
Chia sẻ tại hội thảo "Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ( EVFTA và EVIPA): Cơ hội cho các doanh nghiệp" tổ chức sáng 01/7, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, một trong những điểm mạnh nhất của EVFTA là đẩy mạnh hơn sự tham gia của các doanh nghiệp.
"Chúng ta cố gắng đơn giản hoá các thủ tục để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là thu hút được các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) châu Âu đầu tư vào Việt Nam", ông Nicolas Audier nói.
Trước khi ký kết EVFTA, cũng đã có một vài dự án của Uỷ ban châu Âu để hỗ trợ các doanh nghiệp SME châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Do đó, đã có khá nhiều công ty đến từ Ba Lan, Hungary, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…
"Tuy nhiên, EVFTA sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ hơn để các doanh nghiệp SME châu Âu đến Việt Nam. Với việc ký kết chính thức của EVFTA và EVIPA, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp từ châu Âu đến Việt Nam, bởi họ hiểu đã có một công cụ pháp lý vững chắc hỗ trợ họ khi họ đến đầu tư tại Việt Nam", Chủ tịch EuroCham nhìn nhận.
Cũng tại hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, EVFTA và EVIPA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đầu tiên là giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường 500 triệu dân với sức chi trả cao, mang đến giá trị gia tăng cho doanh nhiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).
Nhưng để để đáp ứng nhu cầu của thị trường này, Chủ tịch VCCI cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cấp mình lên cả về công nghệ, quản trị, trách nhiệm xã hội,… Và điều này làm doanh nghiệp trưởng thành lên và phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh đó, EVFTA cũng tạo ra áp lực về cải cách thể chế tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, làm doanh nghiệp Việt Nam lớn lên và quốc tế hoá các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham (bìa trái), ông Vũ Tiến Lộc (thứ 2 bên phải) trao đổi cùng các diễn giả tại Hội thảo
Thách thức từ EVFTA
"Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội này cũng cần vượt qua các thách thức. Thứ nhất, là sự cạnh tranh của hàng hoá EU ngay trên “sân nhà” của chúng ta. Thách thức cạnh tranh là có nhưng không quá nghiêm trọng, tôi tin vào nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam", ông Lộc nói.
"Chúng ta đã mở cửa cho hàng loạt đối thủ mạnh trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Vì vậy, việc mở cửa cho các doanh nghiệp EU cũng tương tự như vậy. Nếu không mở cửa cho châu Âu chúng ta vẫn phải chấp nhận sự cạnh tranh tương tự", ông Lộc nhìn nhận.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, đối với các sản phẩm năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp thì đã có lộ trình. Đoàn đàm phán Hiệp định EVFTA cũng đã tính đến lộ trình để phù hợp với sự vươn lên của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, cũng không có nhiều mặt hàng mà Việt Nam và EU cạnh tranh trực tiếp.
Để vượt qua các thách thức, Chủ tịch VCCI cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng vào việc đảm bảo nguyên tắc xuất xứ, bởi các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, ASEAN. Thêm vào đó, rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ của EU cũng là khắt khe nhất trên thế giới, nên đòi hỏi sự nỗ lực của các doanh nghiệp với sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ và cả sự hỗ trợ từ phía EU.
"EVFTA bao gồm nhiều điều kiện rất cao về lao động, môi trường nên chi phí tuân thủ của doanh nghiệp là lớn. Vậy nên Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về nguồn nhân lực, nâng cao công nghệ,…”, TS. Vũ Tiến Lộc khuyến nghị.
Và cuối cùng là các doanh nghiệp phải hiểu được các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là EVFTA mới đây để có thể đổi mới công nghệ, cơ cấu lại thị trường…
"Nói tổng thể, với EVFTA và CPTPP chúng ta đã “thông” được thị trường, nhưng tiếp theo là cần “thoáng” về thể chế. Thị trường mở ra mà thể chế vẫn bị trói buộc thì khác nào trói tay, trói chân doanh nghiệp mà bắt họ phải xuống biển, xuống đại dương. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp", ông Lộc nhìn nhận.
Bizlive