MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch FED sắp phải trình diện Quốc hội Mỹ: Hé lộ nhiệm vụ “siêu khó” đón chờ ông Powell

07-03-2023 - 14:00 PM | Tài chính quốc tế

Chủ tịch FED sắp phải trình diện Quốc hội Mỹ: Hé lộ nhiệm vụ “siêu khó” đón chờ ông Powell

Chủ tịch cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell sẽ phải xuất hiện trước Quốc hội với một nhiệm vụ khó nhằn: Thuyết phục các nhà lập pháp tin rằng những chính sách tiền tệ có thể làm giảm lạm phát nhưng không kéo phần còn lại của nền kinh tế đi xuống.

Các nhà đầu tư đang lo lắng tự hỏi liệu ông Powell có thành công hay không. Tâm lý thị trường đã trở nên lạc quan hơn những ngày gần đây nhưng gió có thể đổi chiều nếu nhà lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Mỹ “vấp ngã” trong phiên điều trần nửa năm một lần của Quốc hội Mỹ về chính sách tiền tệ của cơ quan này.

Robert Teeter, trưởng bộ phận chính sách và chiến lược đầu tư của Silvercrest Asset Management, cho biết: “Ông Powell phải đồng thời truyền tải được 2 thông điệp, chế ngự lạm phát nhưng sẽ giúp nền kinh tế hạ cánh mềm”.

Trong những phát biểu gần đây, ông Powell luôn cho rằng FED sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao cho đến khi kiểm soát được lạm phát. Tuy nhiên, lập trường này sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép, đầu tiên là từ Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ vào ngày 7/3, tiếp sau đó là Ủy ban các Dịch vụ tài chính của Hạ viện vào 8/3.

Các nhà lập pháp của đảng Dân chủ thì lo ngại rằng FED có thể kéo lùi nền kinh tế với quyết tâm chống lạm phát của mình.

Chỉ trong 1 năm qua, FED đã 8 lần nâng lãi suất. Lần nâng gần nhất là 0,25%, đưa lãi suất lên 4,5 đến 4,75%. Ngoài ra, thị trường cũng mâu thuẫn giữa việc mong muốn FED giảm lạm phát nhưng lo sợ chính sách của họ sẽ đi quá đà, gây ra suy thoái.

Sự khởi đầu chậm chạp của Ngân hàng trung ương trong việc giải quyết việc chi phí sinh hoạt gia tăng đã làm nhiều nhà đầu tư lo sợ rằng hầu như không có cách nào để đưa lạm phát về mức mục tiêu mà không gây ra một cuộc suy thoái ở mức độ vừa phải.

“Lạm phát là một vấn đề nguy hiểm”, Komal Sri-Kumar, chủ tịch của Sri-Kumar Global Strategies, cho biết. “Sở dĩ lạm phát trở nên tồi tệ hơn là bởi Fed không công nhận nó vào năm 2021. Trong trường hợp FED hành động sớm và mạnh mẽ hơn, lạm phát có sẽ đã sớm được ghìm cương”.

Vị chuyên gia này cũng tin rằng FED cần phải tăng lãi suất lên tầm 6% trước khi lạm phát có thể hạ nhiệt và điều này sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế.

“Tôi không tin vào kịch bản không hạ cánh”, Komal Sri-Kumar nói về giả thuyết được nhắc tới gần đây khi cho rằng nền kinh tế Mỹ không “hạ cánh mềm” mà cũng chẳng “hạ cánh cứng”.

Về phần mình, ông Powell sẽ phải tìm điểm cân bằng giữa những bất đồng. Báo cáo chính sách tiền tệ của Quốc hội do FED công bố vào cuối tuần trước đóng vai trò như phần mở đầu cho phiên điều trần của ông Powell. Ngôn ngữ thường được sử dụng lặp đi lặp lại là kỳ vọng lãi suất sẽ “tiếp tục tăng”.

Ông Powell nhiều khả năng sẽ phải lưu ý tới “khả năng phục hồi của nền kinh tế thực” trong khi tiếp tục cảnh báo rằng dữ liệu lạm phát đã tăng cao hơn và con đường để chế ngự nó sẽ “dài và gập ghềnh”.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích không tin rằng FED sẽ tăng lãi suất 0,5% trong lần điều chỉnh chính sách tiền tệ cuối tháng 3 này.

Tham khảo: CNBC

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Từ Khóa:
Trở lên trên