MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch GP.Invest: “Nếu không có công việc đối với tôi là sự tra tấn, công việc là sự đam mê hạnh phúc”

Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest về những chia sẻ của ông trên hành trình suốt 40 năm đứng ở vị trí một lãnh đạo xuất sắc từng được mệnh danh là “cỗ máy in tiền”.

Thưa ông, vốn là Tổng giám đốc Contrexim Holdings, sau khi về hưu ở cái tuổi lục tuần, ông lại có quyết định khá táo bạo là tiếp tục làm tư nhân. Cơ duyên nào đã khiến ông quyết định đầu tư vào lĩnh vực BĐS thay vì lĩnh vực xây dựng ông đã dày dặn kinh nghiệm?

Nếu không có công việc đối với tôi là sự tra tấn, công việc là sự đam mê, hạnh phúc. Vì lẽ đó, khi đã đến tuổi được nghỉ hưu, tôi đã nghĩ ngay đến việc mở công ty không phải để kiếm tiền mà đơn thuần là được làm việc, không cảm thấy lãng phí trí tuệ và kinh nghiệm của mình. Chính vì thế, tôi chỉ nghỉ hưu ở nhà đúng có 2 tuần, ngay sau đó tôi đã cùng với một số bạn bè lập tức lên kế hoạch thành lập GP.Invest.

Chọn hướng đi cho GP.Invest thời điểm bấy giờ là một cuộc cân não đối với tôi. Tôi có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng nhưng thời gian còn lại của tôi không nhiều. Nếu tiếp tục làm xây dựng tôi sợ rằng quỹ thời gian ngắn ngủi của mình không phù hợp, tôi đã hết tuổi có thể lăn lội ở công trường để sát sao công việc cùng anh em.

Sau khi suy nghĩ kỹ tôi thấy rằng nếu làm xây dựng thì cũng chỉ làm công ăn lương mà làm công ăn lương chắc lợi nhuận được 5-6% là giỏi rồi, làm BĐS nếu tính toán tốt lợi nhuận có thể gấp 3 gấp 4 lần. Với tiền vốn cổ đông đóng góp và với suy nghĩ ấy có lẽ làm BĐS là hợp lý nhất. Chính vì thế, tôi đã quyết định lèo lái con thuyền GP.invest sang lĩnh vực đầu tư BĐS.

Cùng thời với ông, rất nhiều các Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc công ty xây dựng nhà nước khi nghỉ hưu cũng tiếp tục làm tư nhân như ông nhưng chưa thấy ai thực sự thành công. GP.Invest từ chỗ chỉ có 10 cổ đông và vốn chỉ có 65 tỷ đồng thì chỉ sau 8 năm GP.Invest đang đầu tư những dự án lớn như Tràng An Complex có vốn đầu tư tới 2.400 tỷ đồng. Ông có được điều đó ra sao?

Khi GP.Invest thành lập vào năm 2007 tôi dường như bắt đầu bằng con số không. Khi ấy tôi đã phải bán nhà đi để có đủ vốn góp 10% vốn ban đầu. Với cái khó khăn như thế, tôi vẫn quyết tâm làm. Vào thời điểm đấy, tôi có một nguồn vốn vô cùng lớn là quan hệ xã hội và anh em bạn bè tin cậy và đặc biệt là có những cổ đông đã rất tin tưởng tôi.

GP-Invest Building 170 Đê La Thành là dự án đầu tiên tôi khởi động ngay khi GP.invest được thành lập. Năm 2008, dự án xong thủ tục và bắt đầu xây dựng và năm 2009. Chỉ sau hơn 1 năm, tòa nhà đã đi vào hoàn thiện đã thể hiện nỗ lực và khí thế của một GP.Invest dù trẻ nhưng hết sức năng động, đã làm là quyết tâm đến cùng.

Sau đó thừa thắng xông lên, dự án thứ 2 của Gp.Invest là Nam Đô complex tiếp tục được xây dựng. Mặc dù được triển khai trong bối cảnh thị trường BĐS vô cùng khó khăn nhưng bằng sự quyết tâm cao độ Nam Đô Complex từng bước hình thành khẳng định uy tín của chủ đầu tư.

Đến dự án Tràng An hiện nay, có thể nói đây là một trong những dự án được chúng tôi dày công tâm huyết. Tôi trực tiếp là người chỉ huy công trường. Từ tiến độ dự án cho đến chất lượng xây dựng đều được thực hiện theo tiêu chuẩn khắt khe.Thậm chí, tôi xem xét từ chiếc công tắc điện trước khi chọn mua cái nào tốt hơn. Đến gỗ lát sàn tôi còn đem về ngâm thử trong nước xem có bị biến dạng hay không. Nhà mẫu dự án phải đập đi làm lại 3 lần tôi mới ưng ý.

Có lẽ vì chỉn chu trong từng chi tiết mà các dự án của GP.Invest luôn được khách hàng tin yêu. Chỉ sau một năm mở bán 95% số căn hộ tại Tràng An Complex đã được khách hàng đặt mua.

Mặc dù đứng đầu một công ty bất động sản đang đầu tư những dự án có vốn hàng nghìn tỷ đồng, ông vẫn chú ý đến từng chi tiết nhỏ như chiếc công tắc điện, màu sơn nhà cho đến sàn gỗ...tại mỗi dự án của mình. Vì sao Chủ tịch công ty lại phải để ý cả đến những “chi tiết vặt” như vậy?

Tôi luôn đặt địa vị mình là người đi mua nhà, khi chắt bóp những đồng tiền mồ hôi công sức để mua nhà, nếu mua phải căn hộ chất lượng tồi tệ thì chắc chắn người đi mua đó sẽ quay lại trách móc chủ đầu tư rất kinh khủng. Vì thế, tôi không cho phép những dự án của mình kém chất lượng.

Người mua nhà sẽ không nhớ nhà thầu là ai, mà chỉ biết do GP.Invest làm chủ đầu tư, hay dân dã hơn là nhà do ông Hiệp xây dựng. Vì thế, uy tín và danh dự của công ty, của cá nhân gắn liền với chất lượng sản phẩm. Đấy chính là lý do tôi luôn khắt khe trong từng sản phẩm, trong từng dự án của mình

Phải chăng sự chỉn chu đó ông bị ảnh hưởng từ ngay chính người mẹ vốn rất giỏi kinh doanh của mình?

Tôi có may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm doanh nghiệp, mẹ tôi từng là một doanh nhân giỏi và bà dạy tôi: Nói lời phải giữ lấy lời. Cụ chỉ học hết lớp 4 nhưng giỏi tiếng Pháp. Cứ thứ Bảy hàng tuần, cụ viết các công việc cần làm trong tuần ra tờ giấy, có 10 việc thì 10 cái gạch đầu dòng, đến cuối tuần việc nào làm được thì gạch đi, việc chưa xong sẽ rà lại vì sao chưa làm được. Cẩn thận, nghiêm túc, chặt chẽ từ cái nhỏ nhất là những đức tính mà tôi đã học được từ nhỏ.

Một ảnh hưởng khác nữa là hồi những năm 90 khi còn làm Phó tổng giám đốc của Tổng công ty Vinaconex, tôi có may mắn được tham gia một khóa học quản lý tại Mỹ. Tôi đã học được văn hóa kinh doanh: Doanh nhân phải nghiêm túc mới tồn tại được trong cơ chế thị trường. Với tôi, đã nói một là một, nếu đã hứa với khách hàng thì dù lỗ tôi cũng phải bỏ tiền ra bù.

Thế còn chuyện ông được đặt biệt danh là “máy in tiền”, ông có thể phổ biến cách “in” đó được không?

Năm 1987, tôi bắt đầu gia nhập Vinaconex và là 1 trong 4 người thành lập nên công ty này. Công tác 10 năm ở cương vị Phó Tổng giám đốc, phụ trách kinh doanh về xuất khẩu lao động, lại sẵn có vốn ngoại ngữ tự học nên tôi là người tiên phong trong giao tiếp nước ngoài để mang nguồn thu về cho công ty. "Máy in tiền" là biệt danh mà các anh em trong công ty đặt cho tôi.

Với uy tín "máy in tiền", tôi được lãnh đạo Bộ Xây dựng "chọn mặt" giao nhiệm vụ vực dậy Công ty Xây dựng và Xuất nhập khẩu Constrexim, một doanh nghiệp chỉ có 4 tỷ đồng tiền vốn nhưng lại có tồn kho tới 28 tỷ đồng và vay nợ gần 20 tỷ… công ty hoạt động đơn thuần trong lĩnh vực thương mại. Tôi đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh doanh tại Constrexim, từ chỗ xin làm nhà thầu phụ Constrexim, rồi học hỏi kinh nghiệm dần để trở thành nhà thầu chính, đến nay Constrexim đã trở thành một trong những doanh nghiệp xây dựng hàng đầu của Bộ.

Còn tại GP.Invest, từ lúc ban đầu chỉ gom được số vốn 65 tỷ đồng của 10 người bạn thì nay tính cả tài sản cùng với tiền mặt công ty có khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Cùng với đó, GP.Invest còn có 2 công ty con, 1 công ty kinh doanh BĐS ở Mỹ và 1 công ty xây dựng ở Việt Nam.

Người ta thấy GP.Invest cứ đi từng dự án một chứ không thấy xuất hiện trên nhiều mặt trận. Ông có bao giờ bị thúc giục phải tấn công nhanh để chớp thời cơ thị trường? Vì sao lại cứ đi từ từ như vậy trong khi nhiều người khác xuất hiện khắp mọi nơi?

Đầu tư khác nhà thầu thi công, chủ đầu tư phải bỏ tiền vốn ra mặt khác lại phải ứng biến với sự lên xuống của thị trường thì sự sụp đổ của nó còn lớn bằng 5 bằng 10. Quan điểm của tôi sức mình gánh được đến đâu thì mình gánh đến đâu. Nếu sức mình 50kg mình chỉ nên gánh 40kg là cùng thì mới làm việc lâu dài được có như thế ko bao giờ sụn xương sống và nếu cố lên gánh 60kg thì cũng chỉ gánh được 1 lần, với quan điểm như thế mình làm dự án phù hợp với năng lực tiền vốn của mình.

Tôi không có quan điểm chỉ dựa vào tiền vốn từ Ngân hàng để triển khai dự án, có thể thiếu đôi chút thì bổ sung thêm chứ không dựa hẳn vào vốn ngân hàng như nhiều nhà đầu tư khác. Cho đến bây giờ GP.invest đứng vững trên đôi chân của mình và có thể nói năng lực tài chính của Gp.Invest làm cho các cổ đông không ai có ý định muốn từ bỏ Gpinvest. Thời kỳ 2007, đóng vốn vào đây những người đóng vốn vào 1 đã thấy đồng vốn của mình gấp 2,7 lần, lợi nhuận chia cổ tức rất nhiều.

Ông đã nghĩ tới chuyện sẽ rút về hậu trường và giao lại cơ nghiệp cho con mình hay chưa? Vì sao?

Tất nhiên không ai làm mãi được và tôi cũng nghĩ như vậy thực ra trong suy nghĩ của cá nhân tôi và bàn với HĐQT là cố gắng tìm ra người điều hành, chắc chắn họ vẫn yêu cầu tôi làm chủ tịch HĐQT để định hướng phát triển của công ty. Tuy nhiên, tôi không bao giờ có suy nghĩ bố là chủ tịch mà cứ thế áp đặt con cái vào vị trí tổng giám đốc kế nhiệm.

Về người điều hành công ty sau này, chắc phải là người có đủ tâm đủ tài, cái đó tôi đang cân nhắc rất nhiều, thậm chí đã từng có ý định mời những người có vị trí rồi nhưng họ chưa nhận vì nhiều lý do trong đó có cả người thân của tôi là con trai tôi.

Vừa nhắc đến con trai và gia đình, gương mặt ông toát lên vẻ tự hào, ông có thể chia sẻ đôi chút về cuộc sống trong một gia đình doanh nhân thành đạt?

Tôi có một cậu con trai 29 tuổi và một cô con gái năm nay 36 tuổi. Hiện các con đều sống ở Mỹ nhưng đã thành nếp tối nào các con cũng gọi điện về cho bố mẹ. Chính vì thế từng công việc ở nhà tôi đang làm các con đều biết và mọi chuyện của các con bên Mỹ bố mẹ cũng hiểu rất rõ.

Đặc biệt trong gia đình, vợ tôi luôn là người mẹ hiền, người vợ đảm. Bà không bao giờ can thiệp vào công việc của chồng nhưng mỗi bước thành công của tôi luôn có bóng dáng của người vợ tảo tần. Đấy là điều tôi nghĩ ít có gia đình nào có được và tôi luôn cảm thấy tự hào về người phụ nữ đã gắn bó cùng mình gần 40 năm qua.

Tôi nghĩ rằng doanh nhân cũng như người lính trên chiến trường, người vợ chính là hậu phương vững chắc để người lính ấy có thể yên tâm chiến đấu và thành công.

Ông có thể chia sẻ lý tưởng hay quan điểm kinh doanh của mình cho những lớp doanh nhân tương lai được không?

Tôi luôn cho rằng, chặt chẽ khắt khe và kiên trì là những tố chất quan trọng của một doanh nhân. Nếu như trong công việc không có sự chặt chẽ mà cũng dễ tính như trong sinh hoạt thì không có gì nghiêm túc cả. Hơn thế nữa, để trở thành một người điều hành doanh nghiệp đầu tiên phải có mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu, khi đã bắt tay vào thực hiện phải cần sự quyết liệt, trong quá trình thực hiện cần có sự sáng tạo.

Bản thân tôi, để có được dự án Tràng An Complex thành công như ngày hôm nay, tôi đã mất 8 năm theo đuổi từ khâu đàm phán xin đất cho đến khi dự án xây dựng đã phải mất gần 5 năm xây dựng. Và ngay sau khi được phép triển khai, tôi đã quyết liệt xây dựng chỉ trong vòng gần 2 năm để kịp bàn giao cho khách hàng. Nếu như không có sự kiên trì và quyết liệt thì có lẽ đã không có một Tràng An Complex kiêu hãnh, đpẹ lung linh giữa trung tâm quận Cầu Giấy như ngày hôm nay.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên