Chủ tịch Hà Nội: Dữ liệu công nghệ thông tin của thành phố bảo mật an toàn
Về các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) mà thành phố Hà Nội đang thuê các doanh nghiệp bên ngoài thực hiện, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, công tác bảo mật là cực kỳ an toàn. Toàn bộ dữ liệu đều được mã hóa và giám sát bởi Ban Cơ yếu Chính phủ.
Chiều 9/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đăng đàn để thông tin thêm và làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND thành phố.
Theo ông Chung, những năm qua, Hà Nội đã phát huy kết quả sau 30 năm đổi mới, kinh tế thành phố đều tăng trưởng tốt. Trong 4 năm từ 2015 đến nay, thu ngân sách của địa phương đã tăng gần gấp 2 lần trong đó trên 90 % là thu nội địa chứng tỏ hướng đi đúng đắn bền vững.
Song song với việc tập trung phát triển kinh tế, thành phố cũng đã đầu tư thích đáng để đảm bảo an sinh xã hội như xây dựng, sửa chữa cho người nghèo, người có công. Các thiết chế thể thao văn hóa được quan tâm. Đến năm 2020, thành phố sẽ dành hơn 1.300 tỷ đồng đầu tư xây dựng, đảm bảo tất cả các xã đều có nhà văn hóa…
Khẳng định quan điểm không đánh đổi để phát triển kinh tế, ông Chung cho biết, Hà Nội đã đầu tư các công nghệ mới để làm sạch sông hồ, giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng như xử lý rác thải.
Về các ứng dụng CNTT của thành phố, hiện đang có 83 doanh nghiệp CNTT cung cấp 170 dịch vụ, phần mềm cho Hà Nội.
Thành phố đã triển khai hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến, họp trực tuyến của thành phố cuối năm 2019 sẽ đến tất cả các xã. Các quận huyện cũng đang được lắp đặt camera để phục vụ giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
Đặc biệt, năm nay là năm thứ 4 triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp, trên 85% gia đình có con em có thể ngồi nhà đăng ký cho con đi học, giảm ùn tắc giao thông, chống tiêu cực. Năm 2019, không có sự cố nào xảy ra với hệ thống tuyển sinh đầu cấp.
Ông Chung khẳng định: Thuê dịch vụ CNTT là đúng với tinh thần với các Nghị quyết của Chính phủ bởi nếu đầu tư bộ máy để vận hành hệ thống này rất tốn kém, không hiệu quả.
UBND thành phố cũng đã hợp đồng với Ban Cơ yếu Chính phủ làm công tác bảo mật. Máy tính muốn truy cập dữ liệu phải kết nối với hệ thống theo các vị trí IP, GPS theo địa chỉ cụ thể. “Nếu máy tính được cài đặt IP ở 61 Đinh Tiên Hoàng nhưng lại mang sang 63 Đinh Tiên Hoàng sử dụng thì cũng không hoạt động được”, ông Chung nêu ví dụ. Bên cạnh đó, tài khoản người dùng được cấp theo yêu cầu theo đúng vị trí việc làm, được phân quyền theo từng cấp độ.
Tất cả dữ liệu đều được mã hóa, không thể khôi phục, sử dụng ở máy tính khác. Đặc biệt tất cả các máy chủ kết nối với máy chủ giám sát của Ban Cơ yếu Chính phủ, mọi hoạt động đều có thể truy vết…
Tiền Phong