Chủ tịch Hà Nội ký công điện 'hoả tốc' về phòng chống thiên tai, ngập lụt, cây xanh gãy, đổ
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Công điện số 08, yêu cầu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất chủ động di dời, sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
- 21-04-2024Hà Nội: Hơn 400 cây xanh gãy, đổ sau đêm mưa dông
- 27-09-2022Trực tiếp: Nhiều nơi bắt đầu mưa to, nhà cửa tốc mái, cây xanh gãy đổ
- 09-06-2018Cây xanh gãy đổ đè hàng loạt xe máy tại TP HCM
Trong công điện, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn thành phố có nhiều diễn biến bất thường, khó dự báo. Mưa lớn diện rộng sau ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua gây ngập, lụt khu vực đô thị và các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất ; gây thiệt hại về người, tài sản và công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Đặc biệt theo dự báo, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng trong tháng 8/2024, nguy cơ xảy ra bão, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị sẵn sàng triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ"; nhất là tại các vị trí trọng điểm, xung yếu; rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn ven sông, suối, khu vực trũng thấp... Đối với những nơi chưa có điều kiện di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Các đơn vị huy động mọi nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua; chủ động bố trí ngân sách địa phương chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, đảm bảo phương châm tuyệt đối không để người dân thiếu chỗ ở, thiếu đói, thiếu vật dụng thiết yếu ; hạn chế bệnh dịch, ô nhiễm môi trường sau thiên tai và đảm bảo việc học hành của học sinh.
Theo chỉ đạo, Sở NN&PTNT cần tổ chức trực ban 24/7, theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai; chủ động đôn đốc các đơn vị liên quan kịp thời triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; Sở Công Thương phối hợp với Tổng Công ty Điện lực thành phố và các địa phương ưu tiên cấp đủ điện cho các trạm bơm, công trình vận hành tiêu thoát nước, chống úng ngập trên địa bàn, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Sở GTVT được giao nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông khi có tình huống thiên tai; phối hợp, hỗ trợ địa phương kịp thời khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan triển khai công tác phòng chống úng ngập nội thành; phòng chống, khắc phục cây đổ trên các tuyến đường đô thị ; đảm bảo an toàn điện chiếu sáng công cộng, cung cấp nước sạch; rà soát, kiểm tra, thống kê các khu nhà tập thể, nhà chung cư đã xuống cấp, các khu nhà không đảm bảo an toàn, các công trình đang xây dựng để sơ tán người, tài sản ra khỏi những khu vực không đảm bảo an toàn...
Tiền Phong