Chủ tịch Hà Nội thống nhất triển khai con đường gốm sứ từ cửa khẩu An Dương đến cầu Nhật Tân
Ông Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Văn hóa, Thể thao chủ trì, xây dựng đề án báo cáo việc triển khai Con đường gốm sứ Hà Nội đoạn từ cửa khẩu An Dương đến Cầu Nhật Tân.
- 08-06-2020Phá dỡ 600m con đường gốm sứ để mở rộng đường Âu Cơ
- 25-08-2019Nhìn gần con đường gốm sứ sau gần 10 năm nhận kỷ lục Guinness
Ngày 22/7, Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp về thiết kế Con đường gốm sứ Hà Nội.
Theo đó, kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung đã đồng ý, thống nhất về chủ trương triển khai Con đường gốm sứ Hà Nội đoạn từ cửa khẩu An Dương đến cầu Nhật Tân, theo hướng tuyến từ An Dương đến cầu Nhật Tân và việc thực hiện phải được nghiên cứu bài bản, khoa học.
Đoạn đường gốm sứ bị phá dỡ phục vụ làm đường.
Chủ tịch Hà Nội cũng giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan mời các nhà điêu khắc, hội họa, kiến trúc sư... thành lập Hội đồng nghiên cứu đề xuất ý tưởng, chất liệu, lên phương án tổng thể về Con đường gốm sứ Hà Nội theo chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Đồng thời, xây dựng Đề án báo cáo UBND Thành phố trình Thường trực Thành ủy trước ngày 25/7/2020.
Đối với các đoạn cũ đã thực hiện của Con đường gốm sứ Hà Nội, Chủ tịch Chung, giao Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng kế hoạch duy tu và tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ.
Trước đó, từ đầu tháng 6/2020, hàng chục công nhân dựng rào tôn quây quanh khu vực ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu. Máy xúc phá dỡ bức tường bê tông, nơi gắn các bức tranh thuộc con đường gốm sứ, sau đó đào sâu xuống 5m để đổ móng đường.
Các đoạn tranh gốm có chủ đề "mùa xuân", "phố cổ Bùi Xuân Phái", "Hà Nội xưa và nay"... bị đập bỏ toàn bộ, những mảng gốm màu vương vãi ven đường.
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, việc phá dỡ này là bắt buộc, nhằm phục vụ thi công giai đoạn hai của dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên (đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân), tổng chiều dài 3,7 km.
Ông Tuấn nói, đây là dự án đáp ứng nhu cầu giao thông cấp bách, giải tỏa ùn tắc, kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về trung tâm chính trị Ba Đình, được HĐND TP phê duyệt cuối năm 2018.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội, tác giả "con đường gốm sứ" cho hay, 600 m tranh bị phá dỡ ảnh hưởng đến chứng nhận Kỷ lục Guinness trao cho công trình này và một số đơn vị tài trợ thực hiện.
"Con đường gốm sứ" bắt đầu thực hiện năm 2008, có chiều dài gần 4.000 m, diện tích 7.000 m2, từ đường Nghi Tàm đến cửa khẩu Vạn Kiếp.
Bức tranh có 21 trường đoạn với nhiều chủ đề, ghép từ các mảnh gốm lên tường ven đê sông Hồng. Năm 2010, công trình hoàn thiện gắn biển kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; được Tổ chức Guinness thế giới công nhận đây là "bức tranh gốm dài nhất thế giới".
Tổ Quốc