Chủ tịch Hà Nội, TPHCM và 3 trưởng ngành phải làm rõ vi phạm sử dụng ngân sách
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, TPHCM và các bộ, ngành, địa phương liên quan làm rõ lý do để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài chính công, tài sản công.
- 03-09-20238 tháng, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chuyển biến tích cực
- 30-08-2023Bỏ quy định "có lợi nhất cho ngân sách nhà nước" trong định giá đất
- 30-08-2023Công khai ngân sách địa phương: Còn mang tính đối phó
Chuyển biến sau khi có kế hoạch giải trình
Sáng 8/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, phiên giải trình nhằm tập trung đánh giá tình hình và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị Kiểm toán nhà nước (KTNN) của các bộ, ngành, địa phương đến ngày 31/3/2023.
Qua xem xét và làm việc với một số bộ, ngành, địa phương thì thấy rằng, trong thời gian vừa qua, nhiều nơi đã tích cực trong triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN. Đặc biệt, trong 4 tháng gần đây, sau khi ban hành kế hoạch giải trình, số lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán thực hiện tăng lên đáng kể. Trong đó, nhiều kết luận, kiến nghị tồn đọng nhiều năm cũng được quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, ông Mạnh cũng nêu rõ, do số kết luận, kiến nghị kiểm toán tồn đọng, tích lũy nhiều năm, nên tổng số kết luận, kiến nghị cả về xử lý tài chính, kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đến 31/3/2023 còn rất lớn và tồn tại ở hầu hết các bộ, ngành, địa phương.
Tại phiên giải trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Tổng KTNN, các Bộ trưởng Bộ Tài chính, giao thông vận tải (GTVT), Chủ tịch UBND các thành phố: Hà Nội, TPHCM và một số bộ, ngành, địa phương còn số kết luận, kiến nghị lớn chưa thực hiện hoặc có khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện trực tiếp giải trình các nội dung.
Đối với các bộ, ngành, địa phương còn lại, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp KTNN, các ủy ban của Quốc hội giám sát giải trình bằng văn bản hoặc tổ chức làm việc để làm căn cứ, báo cáo Quốc hội.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, kết quả làm việc bước đầu cho thấy, việc thực hiện kết luận, kiến nghị có sự chuyển biến tích cực sau khi Ủy ban Tài chính - Ngân sách ban hành kế hoạch tổ chức phiên giải trình.
“Đây là lần đầu tiên có cuộc rà soát tổng thể các kết luận, kiến nghị của KTNN chưa thực hiện; phát hiện được nhiều nội dung đã thực hiện, nhiều kiến nghị của các cơ quan nhiều năm chưa được tổng hợp, xử lý...là những kết quả cụ thể và rất đáng khích lệ”, ông Hải nhấn mạnh.
699 kiến nghị chưa được thực hiện
Tuy nhiên, trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công tại một số bộ, ngành, địa phương chưa chuyển biến đáng kể, còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chậm được khắc phục; yêu cầu kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có xu hướng năm sau tăng cao hơn năm trước.
Cụ thể, nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách của KTNN chưa được thực hiện là 699 kiến nghị; nhóm kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với niên độ NSNN năm 2020 và năm 2019 trở về trước là 746 kiến nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng KTNN làm rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; công tác phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp thu thập chứng từ xác nhận kết luận, kiến nghị đã thực hiện; các nguyên nhân do trách nhiệm của KTNN dẫn đến không hoặc chậm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán…
Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TPHCM và các bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung làm rõ lý do để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công.
Cần làm rõ nguyên nhân, lý do chậm trễ trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN là gì; việc chủ động xử lý theo thẩm quyền và đề xuất cấp có thẩm quyền để thực hiện được các kết luận, kiến nghị của KTNN, đặc biệt là các kết luận, kiến nghị kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm chưa được xử lý.
Trên cơ sở đó làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN và việc không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Tiền phong