Chủ tịch HĐQT iSofH: Khi giá dịch vụ công nghệ y tế không bằng một lượt gửi xe, một phích nước sôi thì càng phải làm tốt hơn nữa để được thừa nhận
“Điểm khác biệt giữa y tế với các ngành khác nằm ở tính nhân văn, liên quan đến tính mạng, sức khoẻ con người. Do đó các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng phải tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp đặc trưng của thị trường này”, Chủ tịch HĐQT Startup công nghệ y tế iSofH Tạ Thị Vân Anh nói.
5 năm khởi nghiệp, chị Tạ Thị Vân Anh – Chủ tịch Startup công nghệ y tế iSofH đã "đốt" cả trăm tỷ để xây dựng hệ thống dịch vụ công nghệ kết nối, quản lý thông tin và dữ liệu liền mạch phục vụ việc vận hành, trải nghiệm khám chữa bệnh an toàn cho người bệnh từ lúc bước chân vào viện tới khi về nhà. Con đường khởi nghiệp rất nhiều chông gai, đến mức đã có lúc chị đặt câu hỏi: Tại sao một startup công nghệ đầu tư hàng trăm tỷ đồng không bằng bỏ ra vài chục tỷ thầu một mảnh đất gửi xe máy? Phát biểu của chị đã khiến rất nhiều người chú ý trong buổi khởi động cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Thế nhưng, hai chữ "bỏ cuộc" chưa bao giờ xuất hiện trong từ điển của chị, dù chị thừa nhận iSofH vẫn đang "tự ăn thịt mình" và "ăn thịt Shark". Chia sẻ với Trí Thức Trẻ, chị nói: "Một khi còn sống sót, thì vẫn phải luôn nhúc nhích tiến lên, không chạy được thì phải đi, không đi được thì phải bò, bất động thì bạn sẽ chết".
Tại sao trong rất nhiều lĩnh vực, chị lại lựa chọn lĩnh vực "khó nhằn" như y tế để khởi nghiệp?
Tôi nghiên cứu về ứng dụng vật lý hạt nhân và vật liệu điện tử trong y dược học và môi trường từ khi còn là sinh viên. Ra trường, tôi được làm đúng ngành: kỹ sư vật lý phân tích - tính toán liều lượng phóng xạ trong các máy gia tốc dùng trong điều trị bệnh ung thư, phần mềm hỗ trợ tính toán tự động liệu xạ trị. Đó là bước đi đầu tiên tôi tiếp cận công nghệ thông tin để hiện thực hóa các nghiên cứu lý thuyết thành thực tế áp dụng trong lĩnh vực y tế.
Ở Việt Nam, đi đôi với kinh tế phát triển và mức sống nâng cao, hệ thống y tế cũng ngày càng được hiện đại hóa. Việt Nam đã đạt gần 100 triệu dân, áp lực quá tải dân số rất cao, nhu cầu khám chữa bệnh rất lớn trong khi chỉ một số ít bệnh viện tuyến trung ương tại các thành phố lớn có khả năng giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh.
Chính điều đó đã thôi thúc tôi vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm của tôi để đóng góp cho ngành y tế.
Tôi thực sự muốn cống hiến công sức để cải thiện mô hình thông tin y tế cũ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để giúp các bệnh viện quản lý hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng điều trị hướng tới mô hình quản lý thông tin y tế hiện đại. Và như thế, iSofH (Innovative Solution For Healthcare) ra đời vào tháng 12/2015, mục tiêu là tối ưu hóa các nghiệp vụ bệnh viện.
Mô hình thông tin trong các bệnh viện hiện tại chưa tối ưu ở chỗ nào?
Thật ra, hầu hết các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay vẫn đang sử dụng hệ thống quản lý bằng giấy và phim, như vậy thì vừa tốn nhiều thời gian, vừa tốn công sức, kinh phí ghi chép. Chưa kể, hồ sơ giấy, phim, hóa chất rửa phim là những thành phần gây ô nhiễm môi trường.
Mỗi bệnh nhân có thể không có, hoặc ngược lại, có quá nhiều sổ khám bệnh cho nhiều bệnh viện khác nhau. Mỗi lần khám và điều trị, bệnh nhân được lập một hồ sơ bệnh án với rất nhiều loại giấy tờ và phim, khiến lượng thông tin ghi chép trùng lặp khá lớn. Các bộ hồ sơ này sẽ được lưu trữ ở kho với sự phân loại theo năm trong thời gian từ 10 năm tới 15 năm, gây khó truy xuất và khai thác thông tin bệnh án. Toàn bộ các hoạt động kể trên đều phải thực hiện tuần tự từng bước, chờ đợi thông điệp giấy, chờ đợi kết quả của nhau, rất mệt mỏi và thiếu linh động.
Vậy một bệnh viện "ít giấy tờ" như iSofH đang hướng đến sẽ thay đổi được những bất cập gì ở thời điểm hiện tại?
Một bệnh viện ít giấy tờ sẽ quản lý tốt, chính xác và đồng bộ hơn những thông tin và dữ liệu trong vận hành và quản lý bệnh viện, tối ưu hoạt động, nâng cao hiệu quả bằng việc coi người bệnh là trung tâm phục vụ. Chuyển đổi số các mô hình quản lý và hoạt động của bệnh viện. Tăng tính liền mạch của thông tin và dữ liệu khi không bị rời rạc bởi "giấy tờ".
Phần lớn người dân cho rằng đi khám ở bệnh viện tư nhân tuy đắt hơn một chút nhưng xử lý rất nhanh gọn, không mất thời gian xếp hàng, chờ đợi như trong bệnh viện công. Liệu iSofH có thể thay đổi điều đó?
iSofH đã và đang nỗ lực rất nhiều để cải thiện hệ thống bệnh viện công tại Việt Nam. Các bạn hoàn toàn có thể khảo sát thực tế tại các địa điểm iSofH đã triển khai sản phẩm như Bệnh viện E, BV phổi TW, ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện 198, Quân Y 110… và các cơ sở khám chữa bệnh khác, để chứng minh chúng tôi đã cung cấp giải pháp công nghệ tối ưu.
Sau 5 năm khởi nghiệp, chị công bố là iSofH đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để "nuôi" hơn 100 kỹ sư. Vậy số tiền mà iSofH thu về được bao nhiêu mà công ty vẫn phải "tự ăn thịt mình" và "ăn thịt Shark"?
50% nguồn đầu tư là thu từ phí dịch vụ SAAS mà nền tảng của ISOFH cung cấp cho hơn 10 Bệnh viện và cơ sở y tế. Đến nay iSofH vẫn liên tục đầu tư vào công nghệ, nhân sự trong lĩnh vực chuyển đổi số ngành y tế. Chúng tôi vẫn đang phải tiếp tục "tự ăn thịt mình và Shark". Tuy nhiên trước những khó khăn và thách thức của ngành, iSofH tiếp tục phải cố gắng và tiến lên.
Là một người trực tiếp tham gia vào nỗ lực số hóa ngành y, theo chị khó khăn lớn nhất các startup y tế đang gặp phải là gì?
Thật ra là khó đủ đường, cả về công nghệ, con người và xã hội.
Về công nghệ, ngành y là ngành có khối lượng dữ liệu lớn, đòi hỏi tốc độ truyền dẫn cao, chính xác, không nhiễu. Hơn nữa, trong một bệnh viện lại tồn tại nhiều hệ thống cùng hoạt động, và cũng chưa thống nhất chuẩn giao tiếp giữa các hệ thống trong bệnh viện.
Con người thì quen quy trình cũ, ngại thay đổi. Nhiều người dùng chưa quen sử dụng máy tính, ngại học tập. Nhân viên y tế thường rất bận nên cũng khó khai thác thông tin và thu thập yêu cầu.
Nói chung, có rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, giá thành dịch vụ luôn thấp, chưa tương xứng và công nợ thường kéo dài, 3 tháng, 6 tháng, thậm chí cả năm mới thanh toán bởi cơ chế thanh toán rất phức tạp.
Nhiều nhân sự giỏi trong ngành CNTT rất thành kiến với hệ thống công, bởi chính những sự bất cập này, nên thuyết phục, giữ được nhân sự đồng hành không dễ dàng.
Với nhà đầu tư, nhìn thấy giá thành, hiệu quả đầu tư, công nợ kéo dài cũng đánh giá về mặt tài chính kém hiệu quả. Các nhà đầu tư hiện tại đều là những nhà đầu tư thiên thần cùng một tâm huyết đóng góp cho hệ thống thông tin y tế.
Đã bao giờ chị có ý định từ bỏ khởi nghiệp hay chuyển sang một lĩnh vực khác rộng mở hơn hay chưa?
Hai chữ "từ bỏ" chưa từng được tôi cân nhắc. Tôi tin rằng, đây là việc khó và xứng đáng để theo đuổi.
Ai đó bảo start-up thất bại là thường tình, tôi xin trả lời: Ai không yêu cũng đừng nói lời cay đắng. Một khi còn sống sót, thì vẫn phải luôn nhúc nhích tiến lên, không chạy được thì phải đi, không đi được thì phải bò, bất động thì bạn sẽ chết.
Trên con đường đầy khó khăn mà một startup y tế phải vượt qua, điều gì sẽ tiếp thêm động lực cho chị?
Ngẫm lại đội ngũ của tôi, startup, lại công nghệ, lại y tế, đã phải luôn đốt lửa và bền bỉ giữ lửa. Khi mà giá của dịch vụ công nghệ kết nối, quản lý thông tin và dữ liệu liền mạch phục vụ việc vận hành, trải nghiệm khám chữa bệnh an toàn cho người bệnh từ lúc bước chân vào viện tới khi về nhà không bằng giá một lượt gửi xe hay một "phích nước sôi" thì lại càng phải làm tốt hơn nữa để được thừa nhận.
Rồi dù không thành công đi chăng nữa, thì tôi cũng nhớ lại lời an ủi của một bác lãnh đạo một bệnh viện lớn: "Thôi, các em cố gắng làm tốt, giúp được nhiều người, đỡ phải đi chùa".
Ngoài ra thì cũng phải nói là chúng tôi may mắn, các nhà đầu tư thiên thần vô cùng kiên nhẫn dù iSofH không lớn nhanh như thổi thì vẫn thổi cho lớn. Tóm lại là vẫn tập trung vào mà làm việc, mà phục vụ khách hàng cho thật tốt, giỏi lên hàng ngày thì rồi mọi việc sẽ có cách, không lo.
iSofH đối mặt với Covid-19 như thế nào?
Hầu hết mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Chúng tôi đã không thể tiếp cận, triển khai các dự án về y tế số như kỳ vọng trong kế hoạch đầu năm.
Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng khắc phục khó khăn, biến tiêu cực thành động lực để phát triển, nâng cao các tính năng sản phẩm, tạo sản phẩm mới đáp ứng thực tế thị trường. Ví dụ sản phẩm iVisitor với 10 nghìn lượt khai báo y tế; ứng dụng iSofHcare đạt 15 nghìn lượt truy cập mỗi ngày với hàng ngàn lượt tư vấn đặt khám online…. để duy trì hoạt động công ty cũng như đảm bảo việc làm, chế độ chính sách cho cán bộ nhân viên công ty, song song đó vẫn có hỗ trợ ngành y.
iSofH có thể chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng y tế ra sao?
Cũng như nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội, từ lúc bắt đầu phát hiện dịch ở Việt Nam cho đến nay, chúng tôi luôn tích cực tham gia vào các hoạt động để đóng góp một phần công sức nhỏ bé của tôi vào cuộc chiến chống dịch.
Hệ thống khai báo điện tử của chúng tôi ra đời vì lẽ đó, để hỗ trợ bệnh viện kiểm soát, sàng lọc những trường hợp nghi nhiễm, thủ tục khai báo nhanh chóng và giúp cơ quan chức năng đưa ra ứng phó kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu nguy cơ.
Chúng tôi cũng phát triển kịp thời các tính năng phục vụ cho sức khỏe cộng đồng mùa dịch như gọi khám trực tuyến – khám bệnh từ xa qua màn hình điện thoại, nhận tư vấn với các chuyên gia hàng đầu từ các bệnh viện trung ương nhiều năm kinh nghiệm, nhận đơn thuốc trực tuyến qua y bạ điện tử và Bản tin Covid-19 cập nhật nhanh các tin tức về dịch bệnh nhanh chóng, chính xác.
Đẩy lùi Covid-19 là cuộc chiến không phải của riêng ai. Startup y tế như chúng tôi luôn luôn sẵn lòng đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào cuộc chiến này.
Chị đánh giá thế nào về cơ hội thị trường cho startup y tế ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại?
Ý tưởng khởi nghiệp về y tế rất nhiều, nhưng không phải tất cả đều mang tính khả thi với nhu cầu xã hội. Từ ý tưởng đến hiện thực phải thể hiện được mối liên hệ chặt chẽ. Do đó, việc đánh giá thực trạng của thị trường y tế trước khi chọn cho tôi một ý tưởng khởi nghiệp phù hợp là một vấn đề đặc biệt quan trọng. Trước hết, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực y tế ở nước ta còn rất hạn chế.
Hiện nay, phần lớn các bệnh viện đã áp dụng phần mềm quản lý bệnh viện nhưng hầu như mới chỉ kết nối trong mạng LAN, chưa kết nối Internet nên không thể chia sẻ thông tin, hội chẩn từ xa.
Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng nhận được sự quan tâm của xã hội. Tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh rất cao, sự tiếp cận internet ngày càng tăng, do đó việc ứng dụng công nghệ, triển khai các giải pháp y tế dựa trên nền tảng mobile health đến từng người dân là rất khả thi. Có thể nói, đây là thị trường đầy sức hấp dẫn nhưng cũng có nhiều thử thách.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!