Chủ tịch HĐQT SCB: Thành thật xin lỗi nếu khách hàng không hài lòng!
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cam kết bảo đảm mọi quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Tình hình hoạt động của SCB đã dần ổn định trở lại.
- 16-10-2022'Sức khỏe' của Ngân hàng SCB hiện ra sao?
- 15-10-2022Nhân sự từ VietinBank, BIDV, Vietcombank, Agribank được NHNN chỉ định tham gia quản trị, điều hành SCB là những ai?
- 15-10-2022Kiểm soát đặc biệt SCB
Ngày 17-10, ông Vũ Anh Đức, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã gửi thư ngỏ tới khách hàng, bày tỏ lời cảm ơn vì đã tin tưởng, đồng hành và sử dụng các sản phẩm dịch vụ của SCB trong thời gian vừa qua.
Trong những ngày qua, các tin đồn thất thiệt trên thị trường đã tác động không nhỏ đến hình ảnh thương hiệu của SCB.
"Việc khối lượng giao dịch đột ngột tăng trong thời gian ngắn đã khiến chất lượng dịch vụ trong quá trình phục vụ khách hàng ít nhiều bị ảnh hưởng. SCB thành thật xin lỗi nếu khách hàng cảm thấy không hài lòng, hoặc gặp phải các sự cố bất tiện trong quá trình giao dịch vừa qua" - ông Vũ Anh Đức viết trong thư ngỏ.
Cũng theo thư ngỏ, hiện nay, bằng mọi nguồn lực sẵn có, cùng với đó là sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan, ban ngành - đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, cũng như sự thấu hiểu từ khách hàng, SCB đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Từ ngày 14-10-2022, Ngân hàng Nhà nước triển khai một số biện pháp theo quy định của pháp luật, trong đó bao gồm cả việc cơ cấu lại HĐQT nhằm hỗ trợ SCB nhanh chóng hoạt động ổn định trở lại.
Hoạt động của SCB đã dần ổn định trở lại
Các biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra áp dụng tại SCB trong giai đoạn hiện nay là nhằm tăng cường ổn định hoạt động cho SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung. Sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước cùng sự phối hợp của các Bộ, Ngành liên quan sẽ được thực hiện đồng bộ để mang đến các giải pháp hiệu quả, giúp ngân hàng tiếp tục hoạt động an toàn, lành mạnh.
Về mặt nhân sự, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giúp SCB bổ sung và hoàn thiện bộ máy lãnh đạo với đội ngũ cán bộ nhiều kinh nghiệm, năng lực cao từ các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình quản trị, điều hành tại SCB trong thời gian tới.
Những biện pháp trên sẽ sớm giúp SCB nâng cao hiệu quả quản trị, tăng cường an toàn tài chính và ổn định đội ngũ để tiếp tục phát huy vai trò cung cấp các giải pháp tài chính và chất lượng dịch vụ tối ưu đến khách hàng.
"Chúng tôi biết, những ngày qua khách hàng đã không hài lòng với việc trải nghiệm dịch vụ của SCB. Ngân hàng SCB cam kết luôn bảo đảm mọi quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng" – ông Vũ Anh Đức khẳng định.
Liên quan đến hoạt động của SCB sau khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, khẳng định việc này nhằm ổn định thị trường cũng như tiền gửi của khách hàng tại SCB.
Tiền gửi của khách hàng tại SCB vẫn bình thường, mọi quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được bảo đảm. Đây không chỉ là quy định của pháp luật mà còn là chủ trương, biện pháp của ngành ngân hàng, hành động với thông điệp như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nói: "Các khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp".
Ở góc độ quản lý, kiểm soát đặc biệt chỉ là giải pháp kỹ thuật của Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm cho một tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả. Với ý nghĩa đó, thực hiện giải pháp này nhằm bảo đảm hoạt động của SCB tốt hơn, hoạt động bình thường và phát triển. Vì vậy nếu ở góc độ là khách hàng sử dụng dịch vụ và là nhà đầu tư, gửi tiền để hưởng lãi, thì người dân, khách hàng càng yên tâm hơn khi Ngân hàng Nhà nước tăng cường các biện pháp quản lý và hỗ trợ SCB.
"Tình hình hoạt động của SCB đã dần ổn định trở lại, giao dịch của khách hàng với ngân hàng đã bình thường trở lại. Trong đó khách hàng đã gửi tiền vào ngân hàng, đặc biệt nhiều khách hàng đã tái tục khoản tiền gửi của mình tại SCB. Đây là những diễn biến rất tích cực" – ông Nguyễn Đức Lệnh nói.
Người lao động