MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Hiệp hội lúa gạo nói về 'món nợ' lớn nhất với nông dân

04-01-2024 - 08:49 AM | Thị trường

Theo PGS-TS Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ngành lúa gạo nước ta hiện còn “2 điều nợ”. Thứ nhất là còn nợ nông dân vì thu nhập thấp, thứ hai là nợ môi trường vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây phát thải khí nhà kính. Giải quyết được 2 lời nguyền này sẽ bảo vệ cho thế hệ hiện tại và con cháu mai sau.

Chiều 3/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 triển khai kế hoạch năm 2024. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo một số bộ, ngành, hiệp hội, đồng thời được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố.

Chủ tịch Hiệp hội lúa gạo nói về 'món nợ' lớn nhất với nông dân - Ảnh 1.

Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo Bộ NN&PTNT, năm nay xuất khẩu gạo trở thành ngôi sao sáng khi sản lượng lúa cả nước đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022. Giá trị xuất khẩu gạo đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.

Chia sẻ tại hội nghị, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam - khẳng định, ngành lúa gạo Việt Nam đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực trong nước và thế giới.

Trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam vừa đảm bảo đủ nguồn cung và nhu cầu trong nước vừa xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, giúp giảm bớt sức ép cho thị trường lương thực thế giới. Đặc biệt, trong suốt 30 năm qua, Việt Nam xuất khẩu gạo năm sau hơn năm trước, bình quân từ 5-8 triệu tấn.

Theo ông Bùi Bá Bổng, Việt Nam vừa thông qua Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao , phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh, đây là sáng kiến mới của Việt Nam và đến nay là nước duy nhất có đề án này.

“Tương ứng với đề án là 1 triệu nông dân. Vừa rồi, tôi đi hội nghị lúa gạo quốc tế, cảm nhận được sự ủng hộ rất lớn và đánh giá cao của bạn bè thế giới”, ông Bổng nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho rằng, ngành lúa gạo còn “2 điều nợ”. Thứ nhất là còn nợ nông dân vì thu nhập thấp, thứ hai là nợ môi trường vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây phát thải khí nhà kính. Giải quyết được 2 lời nguyền này sẽ bảo vệ cho thế hệ hiện tại và con cháu mai sau.

Chủ tịch Hiệp hội lúa gạo nói về 'món nợ' lớn nhất với nông dân - Ảnh 2.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Ông Bùi Bá Bổng tin tưởng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ thành công. Điều này xuất phát từ việc Việt Nam có thế mạnh về khoa học công nghệ, cùng bộ giống lúa tốt. Cụ thể là bộ giống lúa ở ĐBSCL hiện xuất khẩu tốt. Trình độ sản xuất lúa, năng suất lúa của Việt Nam cũng tiên tiến, đạt mức cao nhất thế giới.

Cùng với đó, hạ tầng thủy lợi của Việt Nam cũng rất tốt so với mặt bằng chung so với các nước. Rất ít quốc gia làm được thủy lợi tốt như Việt Nam.

"Chính sách của Nhà nước từ xưa đến nay cũng rất nhiều ưu đãi cho lúa gạo. 3 năm trước,Việt Nam cũng đã xác định lúa gạo là trụ cột an ninh lương thực quốc gia. Còn trước đó, chúng ta cũng xác định rõ việc sử dụng hiệu quả diện tích đất trồng lúa”, ông Bùi Bá Bổng nói.

Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng cho rằng để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa, cần giải quyết ngay mắt xích yếu nhất là sự liên kết, giữ nông dân với nông dân, và nông dân với doanh nghiệp. Đồng thời, ông Bổng kiến nghị Thủ tướng cần thí điểm bán tín chỉ carbon trong hoạt động sản xuất lúa giảm khí phát thải. "Nếu làm được điều này, thu nhập của người nông dân sẽ tăng lên, người dân sẽ có động lực sản xuất xanh, đồng thời giải quyết được bài toán về môi trường", ông Bổng chia sẻ.

Chia sẻ về mục tiêu năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54-55 tỷ USD…

Để đạt được những mục tiêu cho năm tiếp theo, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Hai là, định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ba là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu...

Theo Dương Hưng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên