MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Hoá chất Đức Giang: Nếu có phong bì to, nhỏ thì để đích thân tôi cầm lên, cho con gái tôi trong sáng thêm vài năm!

"Doanh nghiệp lãi 864 tỷ, chúng tôi không thiếu tiền để phong bì, nhưng thử hỏi cứ như vậy mãi thì sẽ làm hỏng, nhụt chí thế hệ con cháu", ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang tâm tư.

Chia sẻ tại Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia, ở vai trò người điều hành sản xuất, ông Đào Hữu Huyền chỉ ra 2 vấn đề gồm: công nghệ và thể chế. Ông gọi đấy là cốt lõi để nâng cao năng suất lao động.

Về công nghệ, theo ông Huyền, bất cứ ông chủ nào cũng muốn có công nghệ cao, nhà máy xanh sạch đẹp, không có người nhưng thực tế thì không đơn giản.

Ví dụ ở doanh nghiệp mình, ông cho biết Đức Giang có tổ hợp khai thác Apatit ở Lào Cai, doanh số năm 2018 là 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận 864 tỷ đồng với 1.500 lao động. Như vậy, trung bình 1 người lao động làm ra 4 tỷ đồng – cao hơn bình quân năng suất lao động trong nước.

"Sở dĩ có được kết quả này là vì chúng tôi áp dụng công nghệ", ông nói. Tuy nhiên, khi công nghệ khai thác đi vào ổn định, Đức Giang muốn tiến vào công nghệ sâu hơn. "Chúng tôi đi mua công nghệ ở Nhật như của Mitsubishi nhưng họ không bán, rồi chúng tôi tự mày mò làm ra axit phosphoric điện tử".

Theo ông, các doanh nghiệp Nhật Bản thường nhập photpho vàng của Đức Giang về sản xuất axit phosphoric rồi đến axit phosphoric điện tử bán cho Samsung. Biết được quy trình này, ông Huyền cũng thử đánh tiếng, chào mời Samsung mua sản phẩm Đức Giang. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như vậy. Các công ty Hàn Quốc thường sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp vệ tinh nước họ nên các doanh nghiệp Việt rất khó chen chân vào chuỗi.

Do vậy, đến nay 30.000 tấn axit phosphorics của Đức Giang chủ yếu cung cấp cho Ấn Độ. "Chúng ta không tự tay làm ra iPhone, Samsung Galaxy nên vào chuỗi của họ cũng khó", ông nói và bày tỏ hi vọng Chính phủ, các Bộ Ngành sẽ quan tâm, ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp sếu đầu đàn để có thể có được thương hiệu của Việt Nam, góp sức cho đất nước.

"Chúng tôi sang Nhật, Hàn Quốc cảm thấy đau xót lắm - họ cũng đi lên từ chiến tranh nhưng 30-40 năm họ đã khác hẳn. Còn chúng ta không biết bao giờ mới đạt được như họ".

Về thể chế, ông Huyền dùng câu chuyện của thế hệ F2 ở Đức Giang để mào dẫn. Ông cho biết 2 người con của ông đi du học ở Anh về đã tham gia vào điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những rào cản từ các Bộ, ngành, hai đứa người con của ông nhiều lần cảm thấy "nhụt chí, muốn trở lại nước ngoài".

"Có lần tôi lên một cục, tôi bảo, các vị ơi, nếu có cầm phong bì thì tôi sẽ đích thân cầm lên, để cho con gái tôi trong sáng thêm vài năm", ông kể, "Đau xót lắm, nếu chúng ta tiếp tục như vậy sẽ làm mất hết ý chí của thế hệ sau".

"Doanh nghiệp lãi 864 tỷ, chúng tôi không thiếu tiền để cầm phong bì to, phong bì nhỏ, nhưng cứ vậy mãi thì sẽ giết chết thế hệ sau. Rất nguy hiểm nếu chúng ta không giảm biên chế, tăng lương cho cán bộ, viên chức để họ vừa có đức, vừa có tài!", ông nói thêm.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên