MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội: Phải siết khâu trung gian để tránh đẩy giá thịt lợn

05-12-2019 - 20:39 PM | Thị trường

"Cần tổ chức theo dõi để điều hòa nguồn thịt lợn, hạn chế trục lợi tại khâu trung gian, chiết khấu cao ở khâu bán lẻ dẫn tới đẩy giá lên bất thường".

Trước tình hình giá thịt lợn biến động mạnh mẽ, BizLIVE đã có trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

Theo ông Phú, thị trường giá cả trong 1-2 tháng gần đây đang gặp phải một số khó khăn nhất định, ngoài thịt lợn thì các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác, các cửa hàng ăn uống dịch vụ có liên quan đến thịt đều có những biến động về giá từ 5-10% tùy theo từng mặt hàng và dịch vụ cụ thể.

Từ nay đến cuối năm, nhất là tháng 12/2019 và tháng 1/2020 trùng vào dịp Tết Dương lịch và Âm lịch, cũng là mùa mua sắm cao điểm của người tiêu dùng đối với một số loại thực phẩm thiết yếu, trong đó có thịt lợn.

Về những giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn, ông Phú cho rằng, cần tổ chức theo dõi để điều hòa nguồn thịt lợn cũng như các thực phẩm thiết yếu khác trên cơ sở quan hệ cung cầu nhằm giảm bớt những đột biến về giá.

"Trong đó, đặc biệt cần hạn chế trục lợi tại khâu trung gian, chiết khấu cao ở khâu bán lẻ dẫn tới đẩy giá lên bất thường. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT cần quan tâm đến hệ thống phân phối nông sản quốc gia, bao gồm chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi,...", ông Phú phân tích.

Trước tình hình giá thịt lợn có thể bị "đội giá, hét giá" trong dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu của người dân tăng cao đột biến thì cần tăng cường chế biến sâu các sản phẩm làm từ thịt lợn như giò chả, có thể cấp đông lợn để bù đắp nguồn thiếu hụt, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đề xuất.

Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội: Phải siết khâu trung gian để tránh đẩy giá thịt lợn  - Ảnh 1.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dịch tả lợn Châu Phi đã giảm mạnh từ tháng 6 đến nay, số lợn buộc tiêu huỷ là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10 và giảm 88% so với tháng 5 là tháng cao điểm. Đã có hơn 60% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó có 14 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.

Từ tháng 1 đến tháng 10, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu là 54.000 tấn, tuy nhiên lượng thiếu hụt thịt lợn từ nay đến cuối năm vẫn ở mức 200.000 tấn, do đó Thứ trưởng Tiến kiến nghị bên cạnh Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và các địa phương cũng cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý.

"Đồng thời có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và đảm bảo hải hoà lợi ích giữa các bên", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Theo Hạ An

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên