MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch huyền thoại của Samsung Electronics qua đời ở tuổi 78

25-10-2020 - 09:39 AM | Tài chính quốc tế

Chính ông là người đã đưa Samsung Electronics từ một doanh nghiệp nhỏ, không sản xuất được cả radio, thành tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới.

Ông Lee Kun-hee, người đã đưa Samsung Electronics từ một công ty sản xuất thiết bị nhỏ của Hàn Quốc thành hãng điện thoại thông minh, tivi và chip nhớ lớn nhất của Hàn Quốc đã qua đời, thọ 78 tuổi, theo cập nhật mới nhất từ Bloomberg.

Theo Bloomberg trích tuyên bố từ Samsung Electronics, ông Lee đã qua đời trong vòng tay của gia đình, tuy nhiên gia đình ông không công bố nguyên nhân cái chết của ông. Ông từng trải qua ca phẫu thuật vào năm 2014 sau khi bị bệnh đau tim. Cuối thập niên 1990, ông có khoảng thời gian điều trị bệnh ung thư phổi.

Ông Lee từng có thời gian giữ ngôi vị người giàu nhất Hàn Quốc. Ông từng có câu nói rất nổi tiếng, ông bảo nhân viên của mình rằng: "Hãy thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con bạn". Theo tính toán của Bloomberg, tài sản của ông ước tính khoảng 20,7 tỷ USD. Samsung hiện là tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Từ khi ông bị bệnh tim đến nay, tập đoàn được quản lý bởi con trai ông.

"Chủ tịch Lee thực sự là một huyền thoại, người đã đưa Samsung trở thành tập đoàn sáng tạo hàng đầu thế giới, tập đoàn công nghiệp đứng đầu. Di sản của ông sẽ còn tồn tại mãi".

Năm 2005, ông Lee từng được tạp chí Time danh tiếng của Mỹ đưa vào danh sách 100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Theo cuốn tiểu sử về ông được xuất bản vào năm 2020, ông từng đặt quyết tâm cực kỳ lớn để thay đổi Samsung khi ông nhìn thấy sản phẩm của Samsung phủ đầy bụi, không ai quan tâm trong gian hàng điện tử tại Los Angeles. Cho đến nay, Samsung được biết đến với việc sản xuất rất nhiều sản phẩm chất lượng tốt, giá rẻ.

Ông Lee Kun Hee là con trai thứ 3 của nhà sáng lập Samsung. Sau khi chủ tịch sáng lập qua đời vào năm 1987, ông đã tiếp quản đế chế này.

Samsung của thập niên 1980 khá trì trệ. Ông đã quyết định bắt đầu thay đổi cách làm việc của Samsung bằng cách không đến công ty, làm việc tại nhà, không nghe điện thoại và không tiếp khách. Ông làm vậy bởi muốn các quản lý cấp dưới của ông phải tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình.

Giai đoạn từ năm 1988 đến năm 1993, giá trị vốn hóa của Samsung tăng gấp 2,5 lần. Tuy nhiên ông Lee Kun Hee không hài lòng. Năm 1993, ông đưa theo toàn bộ lãnh đạo cao cấp của Samsung sang các nước Mỹ và phương Tây để cho họ học hỏi thêm về kinh nghiệm, công nghệ và hiểu được sự yếu kém của các sản phẩm Samsung so với các sản phẩm cùng loại trên thế giới.

Đoàn quản lý cấp cao của Samsung cùng thực hiện chuyến thăm Best Buy, một trong những nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ. Tại đây họ nhận thấy sản phẩm được xếp tồn ngoài sân rất nhiều còn các sản phẩm ở trong khu trưng bày chính bị đặt phía sau, bụi bám đầy. Chính chủ tịch Lee ở thời điểm đó lấy ngón tay của mình quết bụi trên các sản phẩm để cho các giám đốc sản xuất thấy thực tế thế nào, theo lời kể của một quản lý cấp cao tại Samsung.

Tâm lý cải tổ tại Samsung khi đó đã lên cao nhất khi đoàn tới Frankfurt – Đức, ông Lee Kun Hee đã nhận được báo cáo cho thấy rằng chi nhánh của Samsung tại đây có mấy trăm con người nhưng hoạt động vô cùng trì trệ uể oải. Có dây chuyền kiểm tra sản phẩm từng nhận được đầu tư rất lớn nhưng đã không hoạt động suốt nhiều tuần mà không hề có ai quan tâm sửa chữa.

Theo Ngọc Diệp

Nhịp sống doanh nghiệp

Trở lên trên