MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Le Group Ventures: Dù biết startup thất bại 100% ở trận đầu tiên, tôi vẫn cho họ quyền tự quyết

29-11-2020 - 07:50 AM | Doanh nghiệp

Bàn về đại dịch Covid-19 tại talkshow Nguy-Cơ, Chủ tịch Le Group Ventures cho biết năm 22 tuổi anh đã bắt đầu kinh doanh phân bón – vốn là ngành cạnh tranh rất khốc liệt nên bản thân đã quen với những áp lực.

Trong talkshow Nguy-Cơ số 12 do VnExpress thực hiện, Lê Đăng Khoa cho biết nhiều người nhầm tưởng anh là một người khởi nghiệp nhưng thực tế anh là nhà đầu tư cho các startup. Doanh nhân sinh năm 1983 này hiện là Chủ tịch quỹ Le Group Ventures, đầu tư vào 14 công ty hoạt động trong nhiều ngành như giáo dục, F&B, công nghệ, dịch vụ, thiết kế xây dựng, nông nghiệp kỹ thuật cao...

Làm lãnh đạo là “có phước cùng hưởng, có họa chịu trước”

Đề cập đến vai trò của người lãnh đạo doanh nghiệp, Lê Đăng Khoa cho rằng lãnh đạo trước hết phải là người có khả năng và cũng chính là người “có phước cùng hưởng, có họa chịu trước” trong công ty. Khi nhân viên làm sai, họ sẽ phải chịu trách nhiệm ở mức độ nào đó, nhưng người đầu tiên chịu trách nhiệm chính là vị sếp lớn nhất.

“Nhân viên có làm sai thì là chuyện nội bộ của công ty. Sếp có quyền kỷ luật, thậm chí sa thải nhân viên đó nhưng sếp vẫn luôn là người phải đứng ra giải quyết vấn đề vì họ là người đại diện cho công ty”, Chủ tịch Le Group Ventures nêu quan điểm tại talkshow.

Lê Đăng Khoa cho biết anh cũng từng nhiều lần thất bại, thậm chí suýt phá sản. Tuy nhiên, “đối với tôi chuyện đầu tư khởi nghiệp hay đến một vùng đất xa lạ đều giống nhau, mình phải đi từ những bước chập chững để trở nên chuyên nghiệp. Mình phải có những lần bỡ ngỡ của chuyến bay đầu hay lần thất bại của kỳ đầu tư đầu rồi mình mới quen thuộc với tất cả”, doanh nhân trẻ nói.

Chủ tịch Le Group Ventures: Dù biết startup thất bại 100% ở trận đầu tiên, tôi vẫn cho họ quyền tự quyết - Ảnh 1.

Chủ tịch Le Group Ventures Lê Đăng Khoa. Ảnh: HTV



Theo người đứng đầu Le Group Ventures, điều đầu tiên của một nhà đầu tư hay một nhà lãnh đạo công ty khởi nghiệp là phải có sự kiên nhẫn. “Câu chuyện một anh làm bánh rất giỏi, một anh kiến trúc sư rất giỏi hay một cô làm nông nghiệp công nghệ cao rất giỏi... trở thành một chủ doanh nghiệp vài chục tỷ, trăm tỷ, nghìn tỷ là một đoạn đường rất dài”, anh chia sẻ.

“Các startup rất dễ mất kiên nhẫn và mình phải thông cảm vì thông thường đó đều là doanh nghiệp đầu tiên của họ. Đôi khi họ muốn đi nhanh hơn sức của mình, đôi khi họ lại thấy bi quan với tầm nhìn của mình. Cả 2 điều đó đều khiến họ dừng lại”, Lê Đăng Khoa giải thích.

Theo nhà đầu tư 8X, mọi người không thể mong một startup đúng từ đầu, nó sẽ sai rất nhiều và sẽ sai những thứ rất cơ bản.

“Đăc biệt với các startup tiềm năng, họ có cái tôi rất cao ở thời điểm đầu. Thời điểm họ chưa bước vào cuộc chạy đua họ sẽ rất tự cao. Và thông thường ở trận đấu đầu tiên dù là họ sẽ sai và sẽ thua 100%, tôi vẫn cho họ quyền tự quyết. Thông thường thua rồi mới dạy được, còn nếu thắng thì tôi quá lãi”, Lê Đăng Khoa nói.

Covid-19 là bất ngờ nhưng không đến mức hoảng loạn

Bàn về đại dịch Covid-19 tại talkshow Nguy-Cơ, Chủ tịch Le Group Ventures cho biết năm 22 tuổi anh đã bắt đầu kinh doanh phân bón – vốn là ngành cạnh tranh rất khốc liệt nên bản thân đã quen với những áp lực.

“Covid-19 với tôi là một bất ngờ nhưng không đến mức hoảng loạn. Bất ngờ ở chỗ mình là một doanh nhân, mình sẽ luôn muốn thứ gì có thể cầm nắm trong tay, những gì dự đoán được, những gì mình thấy được. Rõ ràng là trong diễn biến của năm 2020, Covid-19 là thứ chúng ta không dám dự đoán”, Lê Đăng Khoa bộc bạch.

“Hồi xưa mình nghĩ câu chuyện 2 năm, 3 năm, 5 năm, bây giờ tư duy của mình phải thay đổi, phải nghĩ xem tuần sau sẽ như thế nào, mô hình mình dịch chuyển thế nào để hạn chế được rủi ro và lấy được cơ hội”, anh chia sẻ thêm.

Theo Chủ tịch Le Group Ventures, các startup của anh sống sót được qua Covid vì “ngay từ đầu tôi đều cho họ thời gian 6 tháng để làm mọi giá ra được dòng tiền dương. Sản phẩm có tiềm năng hay không được chứng minh qua dòng tiền dương, rồi mới bắt đầu mở rộng kinh doanh”.

Doanh nhân trẻ khẳng định hướng đầu tư của anh trước và sau Covid-19 không thay đổi. “Tôi thường chọn ngành nghề có giá trị lớn như nông sản, bánh ngọt hoặc sắp tới là trái cây khô, thiết kế thi công xây dựng lớn, công nghệ, giải pháp phần mềm, giáo dục, trường học dạy tiếng Nhật... Tôi nghĩ đó là những thị trường truyền thống rất lớn”, Lê Đăng Khoa nói.

Chủ tịch Le Group Ventures cho rằng vấn đề mà các startup dễ gặp phải là nghĩ startup phải là thứ gì đó chưa xuất hiện.

“Startup là một mô hình kinh doanh mới trong một thị trường cũ. Trong một thị trường nghìn tỷ đó làm sao có một cách bán rất mới, rất sáng tạo để cạnh tranh với các thương hiệu truyền thống”, anh nhấn mạnh.

Theo Linh Lam

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên