Chủ tịch Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR): “Thành tựu mà chúng tôi lặng lẽ triển khai chục năm qua tạo nên sức nóng IPO hôm nay”
Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho rằng, tương lai, BSR sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhờ lực đẩy từ cổ phần hóa và thành quả từ cách mạng công nghiệp 4.0 mà công ty đã gây dựng chục năm qua.
Cuộc đấu giá để IPO Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị chủ quản Nhà máy lọc dầu Dung Quất nóng hơn bao giờ hết khi thu hút hơn 4 nghìn nhà đầu tư đăng ký mua, gấp 2,7 lần lượng cổ phần chào bán. Từ ngày 19/12/2017 đến 9/1/2018, đã có hàng nghìn lượt cổ đông lẻ và tập thể cả trong và ngoài nước đã đăng ký mua cổ phần BSR tại các điểm đăng ký đấu giá tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Và, ngày 17/1 vừa qua, toàn bộ lượng cổ phần đem ra đấu giá đã được mua hết với mức giá đấu thành công đạt hơn 23.000 đồng/cp, cao hơn mức giá khởi điểm đến 30%. Nhà nước thu về hơn 5.566 tỷ đồng.
Trong “cái nóng” của IPO doanh nghiệp “bom tấn” tỷ đô này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty.
Thưa ông, ông nghĩ sao về việc IPO Lọc hóa dầu Bình Sơn?
3 - 5 năm trước, Ban lãnh đạo Nhà máy đã có những phát biểu rất thẳng thắn và mạnh mẽ về tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp, Thời điểm đó, chủ trương của Chính phủ là cho phép cổ phần hóa Nhà máy lọc dầu Dung Quất không quá 49%, thậm chí có thời điểm không quá 35%. Nay thì cao hơn hơn rồi. Chúng tôi đã trả lời nếu có thể cổ phần hóa Nhà máy đến 100%, tức là bán toàn bộ cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài thực sự có bề dày kinh nghiệm, cho các nhà máy lọc hóa dầu thì cũng nên làm.
Tức là cách đây 2 - 3 năm, chúng tôi đã nói rằng nếu có thể cổ phần hóa triệt để nhà máy thì chúng tôi luôn sẵn sàng. Điều kiện là những đối tác vào tiếp quản Nhà máy phải thực sự là những người có tầm, có kinh nghiệm về quản trị, điều hành, có tâm có tầm. Kế thừa được kinh nghiệm, nguồn lực tài chính, định hướng phát triển trong tương lai của họ, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ phát triển lành mạnh hơn qua đó, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, cho đất nước.
Có ý kiến từng lo ngại rằng, cổ phần hóa triệt để có thể khiến nhiều lãnh đạo “mất ghế”, mất quyền lực khi cổ đông bên ngoài tham gia vào. Ông nghĩ sao về điều này?
Cổ phần hóa rồi, Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn đặt trên đất nước chúng ta, nhân lực của nhà máy cũng là người Việt Nam toàn bộ, sản phẩm của nhà máy sản xuất ra phục vụ cho Việt Nam, chúng ta có nguồn lực để đầu tư các nhà máy khác theo mô hình đã thành công, tạo thành chuỗi các dự án lọc hóa dầu. Các công trình tổ hợp các nhà máy đó sẽ mang lại hiệu quả theo cấp số nhân cho nền kinh tế, đất nước thì tại sao chúng ta không làm?
Nếu cứ suy nghĩ hạn hẹp rằng chúng ta phải bảo vệ lợi ích cho một tập thể nhỏ, nhóm nhỏ thì chúng ta sẽ không đạt được hiệu quả theo cấp số nhân cho nền kinh tế. Tôi cho rằng, ý nghĩ chuyển giao cổ phần hóa là mất quyền lực chỉ là của một số ít người, là ý nghĩ mang tính cá nhân chứ không phải mang tính tổng thể cho đất nước.
Ông có thể chia sẻ cho độc giả hiểu thêm vì sao IPO của công ty lại có sức nóng lớn như vậy hay không?
Cách đây 10 - 15 năm, Quảng Ngãi là địa phương luôn đứng ở nhóm cuối về phát triển kinh tế các tỉnh, thành cả nước. Nhưng từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất 2,5 - 3 tỷ USD được vận hành vào năm 2010, kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi đã vượt lên từ top sau cùng nhảy vọt lên top đầu cả nước.
Có những năm Quảng Ngãi lọt vào Top 5, Top 6 tỉnh đóng góp cho ngân sách nhiều nhất, chỉ đứng sau Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, vượt qua cả Đà Nẵng và các tỉnh, thành vốn được coi là phát triển mạnh hơn Quảng Ngãi rất nhiều. Đó là minh chứng, bằng chứng rất cụ thể và thuyết phục để nói với chúng ta rằng công nghiệp nặng nếu phát triển đúng hướng, được giám sát chặt chẽ và được đầu tư đúng mức, được điều hành quản lý bởi một bộ máy cơ chế minh bạch và thực sự có nhiệt huyết, có tâm thì chắc chắn là một động lực lớn để đưa nền kinh tế có những bước nhảy vọt.
Ngày hôm nay, các bạn nhìn thấy được IPO Lọc Dầu Dung Quất nóng như thế nào và các bạn cũng có thể chiêm ngưỡng những thành tựu mà chúng tôi lặng lẽ triển khai trong suốt hàng chục năm qua.
Ngay khi nhận bàn giao từ nhà thầu vào năm 2010, chúng tôi đã âm thầm phát triển mở rộng những thành tố của cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là hệ thống điều khiển tự động hóa của Nhà máy, những hệ thống truyền thông liên lạc, hệ thống máy tính phục vụ cho việc tối ưu hóa Nhà máy, hệ thống phần mềm rất phức tạp, có thể đó là hệ thống trí tuệ nhân tạo phân tích 24/24 nhu cầu thị trường đầu ra, nhu cầu giá cả cũng như nhu cầu thị trường dầu thô đầu vào, phân tích để mà tối ưu hóa từng phút, từng giây, từng công đoạn sản xuất của các thiết bị máy móc trong nhà máy.
Nhờ có sự đổi mới liên tục như vậy mà hôm nay, Lọc dầu Dung Quất đã đạt chỉ số ấn tượng về kinh doanh. Năm 2017, Công ty đạt tổng doanh thu trên 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 8.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 10.000 tỷ đồng.
Bức tranh hiện tại của BSR đang rất tốt. Tính từ khi bắt đầu vận hành Nhà máy vào năm 2010 đến nay, BSR đã đóng góp trên 7 tỷ USD cho ngân sách trên vốn ban đầu 2,5 tỷ USD.
Thế tương lai của BSR thì sao, thưa ông?
Tương lai của BSR chính là việc cổ phần hóa Nhà máy, nâng cấp mở rộng hơn nữa thế nào, tính minh bạch, cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá thành, cạnh tranh thực sự với các đối tác trong nước. Chúng tôi nói với nhà đầu tư rằng, Nhà máy sẽ bước lên tầm cao mới khi có thêm nguồn lực tài chính có thêm trí tuệ có thêm tính phản biện về chiến lược trong Hội đồng quản trị, có nhiều sản phẩm đa dạng hơn, có tính cạnh tranh cao hơn.
Tương lai của BSR cũng nằm ở cách mạng công nghiệp 4.0 mà chúng tôi đã bền bỉ thực hiện suốt chục năm qua. 10 năm trước, chúng tôi bắt đầu đưa nhà máy vào vận hành với muôn vàn khó khăn, vô vàn thử thách, sự cố của một nhà máy quá phức tạp, mới mẻ, quá quy mô. Từ 2010 cho đến nay mọi việc dễ dàng hơn nhiều về vận hành sản xuất kinh doanh nhờ ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, điều hành.
Điều đó không dễ dàng, nhưng chúng tôi đang làm được và chúng tôi tin sẽ tiếp tục duy trì phát triển tốt tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mới manh nha những bước đầu tiên, tôi tưởng chưa thể chạm đến ngành lọc, hóa dầu (cười)… Cơ duyên nào giúp công ty sớm nhận ra tác động to lớn của công nghệ đối với sản xuất kinh doanh và áp dụng cho Lọc Dầu Dung Quất?
Người ta thường nói: “Gốc rễ của mọi vấn đề là con người”, có bắt kịp được xu hướng, tận dụng được cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 hay không, thành hay bại trong cuộc cách mạng này cũng là do yếu tố con người mà thôi.
Với làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại của trí tuệ nhân tạo, của internet vạn vật, của các làn sóng kết nối, tự động hóa công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới được gắn kết với nhau, tạo thành tổng thể thì sức bật tạo ra sẽ vô cùng lớn, tạo ra các nguồn năng lượng, nguồn lực khó có thể tưởng tượng cho việc phát triển. Nếu chúng ta hòa mình được vào cuộc cách mạng đó, tranh thủ nắm bắt được cơ hội thì chúng ta sẽ có những bước phát triển đột phá.
Ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chúng tôi luôn tạo ra môi trường làm việc thoải mái, minh bạch để mỗi cá nhân trong Công ty đều phát huy tối đa sự sáng tạo, trí tuệ của mình. Các nhân sự càng nỗ lực đóng góp càng được coi trọng, được tưởng thưởng xứng đáng.
Chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ rất mạnh, đoàn kết, nhiệt huyết để cùng nhau giữ Nhà máy tuyệt đối an toàn, cùng nhau xây dựng Nhà máy đi đến những thành công hôm nay.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ.