MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Masan Consumer: "Dù muốn hay không, 1 ngày nào đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ dẫn đầu ngành tiêu dùng"

25-04-2018 - 08:44 AM | Doanh nghiệp

Đối với những mặt hàng mới, dù tiềm năng đó, có chiến lược đó, nhưng rủi ro cạnh tranh với những "tay chơi đáng gờm" hiện tại không phải dễ dàng!

Tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, MCH) diễn ra chiều ngày 24/4, Chủ tịch Trương Công Thắng cho biết từ năm 2019 trở đi Công ty sẽ tham gia vào các lĩnh vực khác như: Sản phẩm chăm sóc cá nhân, dược phẩm, sữa.

Tuy nhiên, sau một năm 2017 không mấy khả quan, những chiến lược mới của Masan Consumer nhưng với thị trường không hề mới, thậm chí đối thủ cạnh tranh tại thị trường sữa, dược... đã rất nhiều và rất mạnh, đơn cử có Unilever. Liệu Masan Consumer sẽ tồn tại như thế nào?

Trả lời điều này, ông Thắng cho biết MCH hiện đang đứng thứ 2 về thị phần mảng tiêu dùng với mức tăng trưởng ổn định hàng năm, song Công ty chưa bao giờ thấy thỏa mãn. Cùng với đó, một nguyên nhân khiến MCH đẩy mạnh thị trường là do dự báo dư địa tăng trưởng cho doanh nghiệp Việt Nam trên sân nhà còn nhiều. Bởi, "Dù muốn hay không, 1 ngày nào đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ dẫn đầu ngành tiêu dùng. Vì chỉ có công ty Việt Nam mới hiểu rõ được nhu cầu người Việt Nam", người đứng đầu Công ty khẳng định.

Chiến lược để đạt tăng trưởng 25% theo Masan Consumer là… niềm tin!?

Chi tiết từng mảng, đầu tiên về cách thức để thành công trong ngành hàng sữa trước các đối thủ nặng ký như Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu?

Đại diện Masan Consumer nói ngắn gọn: "Không phải vì ngành sữa lớn nhiều doanh nghiệp thành công mà MCH tham gia vào lĩnh vực này. Có 2 yếu tố để MCH chọn kinh doanh một lĩnh vực mới là (1) phù hợp với chiến lược và thế mạnh Công ty, đặc biệt (2) thị trường có cơ hội xây dựng nhãn hiệu rất lớn mà các doanh nghiệp khác chưa phát hiện ra". Và chính điều này, Masan Consumer đã mất đến 4 năm để phát hiện, xây dựng mô hình kinh doanh (bussiness model) và đi tìm kiếm cơ hội.

Tại mảng khá hot là dược phẩm, nhiều đơn vị với hệ thống phân phối và kinh nghiệm quản trị dày dặn đã sớm "tranh phần", Masan Consumer cho biết trước mắt chỉ đi vào phân khúc các sản phẩm OTC không cần kê đơn bác sĩ như dầu gió… Chiến lược của toàn Tập đoàn là M&A, tức nhắm vào đối tác có công nghệ để nhanh chóng dấn thân vào ngành hàng mới.

Tựu trung lại, vấn đáp nhiều thắc mắc về chiến lược Công ty thời gian đến tại các thị trường mới, Chủ tịch Masan Consumer luôn nhấn mạnh rất tin vào con đường đã chọn, đây cũng chính là slogan cho buổi đại hội năm nay!

Quý 1/2018 khởi sắc trở lại nhờ chiến lược bán đến người tiêu dùng

Kết thúc quý 1/2018, Masan Consumer đạt tăng trưởng doanh thu thuần hơn 78% và EBITDA 417%, theo Công ty chiến lược tập trung "bán hàng đến người tiêu dùng" bắt đầu mang lại kết quả.

Cụ thể, doanh thu thuần MCH tăng 78% lên 3.586 tỷ, tỷ lệ tăng cao một phần do kết quả cùng kỳ năm 2017 quá thấp, chỉ đạt 2.011 tỷ đồng. Phần còn lại của tăng trưởng nhờ vào tỷ lệ bán hàng đến người tiêu dùng, được tính bằng doanh thu từ nhà phân phối MCH đến các điểm bán lẻ (sell out), tăng hơn 46% cùng kỳ. Điều này theo MCH thể hiện được nhu cầu người tiêu dùng đối với các sản phẩm thực phẩm và đồ uống có thương hiệu của Masan bắt đầu tăng.

EBITDA tăng hơn 417% từ mức 194 tỷ (quý 1/2017) lên 1.004 tỷ đồng trong quý 1 năm nay, chủ yếu nhờ doanh thu tăng cùng với tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu thuần giảm nhờ chính sách giảm hàng tồn kho. Được biết, hàng tồn kho tại hệ thống phân phối trên toàn quốc đạt khoảng 2 đến 3 tuần bán hàng (so với mức hơn 2 tháng ngày trong quý 4/2016).

Một động lực khác dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận chính là chiến lược quảng cáo của Công ty, được biết trong kỳ chi phí chi cho công tác này ghi nhận tăng so với cùng kỳ.

Đây là tín hiệu tương đối tốt so với năm 2017, khi Masan Consumer ghi nhận doanh thu (13,213 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế (2,132 tỷ đồng) đều sụt giảm lần lượt là 4% và 20%.

Tham vọng với chỉ tiêu tăng đến 59% lợi nhuận 2018

Chủ tịch Masan Consumer: Dù muốn hay không, 1 ngày nào đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ dẫn đầu ngành tiêu dùng - Ảnh 1.

Một số thương hiệu quen thuộc của Masan Consumer.

Năm 2017 khó khăn là vậy, Masan Consumer vẫn tự tin đề mục tiêu doanh thu thuần 2018 tăng trưởng từ 29-40%, tương ứng con số mang về trong khoảng 17.000-18.500 tỷ, lợi nhuận sau thuế từ 3.100-3.400 tỷ đồng, tăng từ 45-59%.

Trong đó, đối với ngành hàng đồ uống, Công ty muốn tăng thêm thị phần với doanh thu dự kiến tăng từ 30-50%; riêng doanh thu các sản phẩm cà phê dự kiến sẽ tăng 15%; mảng nước tăng lực chiếm 12% thị phần vào cuối năm 2018. Ngoài ra, Công ty cho biết sẽ mở rộng ngành nước khoáng và nước với 5% thị phần đồng thời muốn gia nhập thị trường đồ uống châu Á vào quý 4/2018, mục tiêu đạt 130-150 triệu USD (tỷ lệ tăng trưởng 40-50%/năm trong vòng 5 năm tới). Trước mắt, MCH sẽ tham gia vào mảng cà phê rang xay và cà phê lon cao cấp; hoàn tất mô hình cho Café de Nam vào quý 2/2018. Đặc biệt, Công ty sẽ đẩy mạnh các sản phẩm như cà phê hòa tan để chiếm 51% thị phần.

Đối với ngành hàng gia vị, MCH dự kiến tham gia thị trường hạt nêm, xốt dầu hào, mayonnaise, gói gia vị sẵn… với doanh thu dự kiến mang về là 6.000-6.500 tỷ đồng trong năm 2018. Cũng cần nhấn mạnh, năm 2017 ngành hàng này giảm tới 11%. Chưa hết, Công ty cũng mở rộng sản phẩm từ bột mì đến gạo từ quý cuối năm, đẩy mạnh sản phẩm mì sợi cao cấp, xây dựng thêm nhãn hiệu bên cạnh Heo Cao Bồi.

Riêng mảng mì gói, Masan Consumer đang có thị phần ổn định, trong 6 tháng qua ngành hàng này còn ghi nhận tăng từ 20% lên 22%, trong khi doanh nghiệp số 1 của ngành hàng này đã giảm từ 50% xuống 37%. Theo đó, Công ty đặt mục tiêu chiếm 51% thị phần trong ngành mì gói trong vòng 3 năm, con số đến cuối năm nay là 25-30%. Chiến lược dài hơi, Công ty dự chuyển dần sang phân khúc mì cao cấp, dự nửa năm 2018 sẽ tiếp tục cho ra mắt sản phẩm mì gói mới cao cấp hơn.

Tựu trung lại, mặc dù mới chỉ hồi phục trong 3 tháng đầu năm, liệu rằng kết quả 2018 sẽ khả quan như Masan Consumer kỳ vọng. Đồng thời, đối với những mặt hàng mới, dù tiềm năng đó, có chiến lược đó, nhưng rủi ro cạnh tranh với những "tay chơi đáng gờm" hiện tại không phải dễ dàng!

Hiếu Nguyễn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên