Chủ tịch MPC: Đang xin vùng nuôi công nghệ cao 10.000 ha, NĐT chiến lược muốn mua 65% vốn
Ông Lê Văn Quang kỳ vọng vùng nuôi công nghệ cao này sẽ được Chính phủ hỗ trợ 100% vốn. Khi có vùng nuôi và có tôm nguyên liệu đáp ứng đủ nhu cầu, giá thành sẽ tương đương giá các nước khác, toàn bộ thị phần sẽ về tay Minh Phú.
Ngày 9/3 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2018 thông qua việc trở lại sàn HOSE và tăng vốn từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.
Không chỉ trở lại sàn sau 3 năm hủy niêm yết (31/3/2015), Minh Phú còn đặt kế hoạch kinh doanh năm 2018 khá tham vọng với giá trị xuất khẩu 800 triệu USD, doanh thu 18.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 990 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 40% so với năm trước.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty để làm rõ hơn định hướng chiến lược của Minh Phú trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Phú
Quy hoạch dự án vùng nuôi công nghệ cao 10.000 ha ở Kiên Giang
- Trong những năm trước, giá nguyên liệu của Việt Nam thường cao hơn các nước Ấn Độ, Indonesia từ 20 – 30%. Hiện tại, mức giá này ra sao và giải pháp của Minh Phú giảm giá thành là gì?
Những năm trước (2015 – 2016), giá nguyên liệu tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực khoảng 30% do nguyên liệu chỉ đáp ứng được 50 - 70% nguyên liệu sản xuất của các nhà máy.Năm 2017, giá nguyên liệu Việt Nam cao hơn Ấn Độ, Indonesia khoảng 20%. Thời điểm này cao hơn khoảng 12%. Để tối đa hóa công suất của mình, Minh Phú phải mua nguyên liệu với giá cao hơn.
Để khắc phục tình trạng này, theo tôi cần khuyến khích người dân nuôi tôm thành công (lời khoảng 30% là họ nuôi mạnh)và nuôi nhiều thì giá nguyên liệu sẽ tương đồng với giá thế giới, lúc đó Minh Phú mới có lợi nhuận cao. Năm 2017, sản lượng nuôi tôm của Việt Nam tăng 20% và năm 2018 có thể vẫn tăng 20%. Tuy nhiên tăng 20% nữa thì nguồn cung cũng chỉ đáp ứng 80% nhu cầu nhà máy.
Ngoài ra, cần khơi thông nguồn tín dụng trong dân. Trong những đợt dịch trước, người dân đã thâm hụt vốn. Giờ cần quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao để nhận được cơ chế ưu đãi của Chính phủ. Hiện tại Chính phủ có thể đầu tư 70% vốn, 30% vốn là của doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi đang xin cơ chế Chính phủ đầu tư 100%. Minh Phú chỉ cần vạch ra dự án thôi, Chính phủ sẽ rót vốn.
Khi giá tôm thành phẩm của Minh Phú bán bằng giá của Ấn Độ, Indonesia thì toàn thị trường sẽ về tay Minh Phú. Để làm được sẽ mất thời gian, nhanh thì 5 năm. Thời điểm này là thời điểm vàng của Minh Phú.
- Vậy Minh Phú đã có dự án quy hoạch nào để nhận ưu đãi từ Chính phủ hay chưa?
Minh Phú đang xin quy hoạch dự án 10.000 ha vùng nuôi công nghệ cao ở Kiên Giang. Bộ NN&PTNT và tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt, Bộ đang giao cho Viện Kinh tế Quy hoạch để khảo sát, quy hoạch, lên dự án để trình Chính phủ phê duyệt. Cố gắng năm nay sẽ xin xong dự án. Minh Phú đang xin cơ chế ưu đãi 100%, khả năng thành công phụ thuộc vào quyết định của Thủ tướng và Quốc hội. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ cũng đã nói sẽ ủng hộ hết sức cho Minh Phú để xin cơ chế tốt nhất.
- Diện tích tự nuôi hiện nay của Minh Phú là bao nhiêu và công ty có muốn nâng diện tích tự nuôi không?
Diện tích nuôi tôm của MPC hiện tại là 300 ha ở Vũng Tàu, 600 ha ở Kiên Giang. Nếu nuôi hết và công nghệ cao thì đáp ứng được 30% nguyên liệu của Minh Phú. Trước mắt, trong 3- 5 năm, Minh Phú sẽ áp dụng hết diện tích tự nuôi thành vùng nuôi công nghệ cao, tăng năng suất 10 tấn/ha/năm lên 150 tấn/ha/năm. Sau đó, Minh Phú mới phát triển thêm diện tích nuôi.
NĐT chiến lược muốn mua 35 - 65% vốn
- Năm 2018, Minh Phú đặt kế hoạch lãi 990 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước. Trong khi đó từ 2015 đến 2017, Minh Phú thường khó hoàn thành kế hoạch, thậm chí lỗ. Như vậy kết quả năm nay có quá tham vọng hay không thưa ông?
Những năm trước, Minh Phú không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp vì giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao quá, người nuôi lỗ. Minh Phú là đơn vị sản xuất tôm lớn nhất Việt Nam, nếu để người nuôi lỗ thì người ta bỏ không nuôi, chuyển sang nghề khác rất nguy hiểm. Cho nên Minh Phú chấp nhận lỗ, mua giá cao để người dân không lỗ.
Nhưng hồi đó tôi mà quyết định là để Minh Phú lời thì năm nay Minh Phú chết rồi, không ai nuôi nữa thì lấy gì ra làm. Mọi người rồi báo chí cứ nói tôi nhưng mà đến bây giờ tôi vẫn thấy quyết định đó hoàn toàn đúng. Người dân lỗ, chuyển qua làm nghề khác. Đến khi người ta không nuôi nữa rồi, kêu người ta nuôi lại là cực kỳ khó. Họ đang nuôi mà mình hướng dẫn quy trình tốt hơn, hiệu quả hơn thì dễ.
- Ông cho rằng Minh Phú có vượt được kế hoạch năm hay không?
Sau hai năm 2015 – 2016, người dân nuôi thất bại thì cũng đã tìm ra cách trị bệnh tôm trắng, sản lượng hiện tại tốt. Năm 2017, sản lượng tăng 20,3%. Cùng với đó ứng dụng công nghệ khiến lợi nhuận tăng cao. Lợi nhuận thấp nhất cũng 50%, còn tốt là hơn 100%/vụ. Lợi nhuận cao kích thích hộ dân mở rộng nuôi tôm.
Dự kiến năm 2018, sản lượng nuôi sẽ tăng thêm 20% nữa như vậy nguồn cung sẽ gần cân bằng nhu cầu thì giá tôm giảm. Giai đoạn 2015 – 2016, giá tôm nguyên liệu cao hơn các nước 30%, năm 2017 còn 20%, 2018 còn 12%. Cuối năm nay có thể chỉ còn 10%. Như vậy giá nguyên liệu giảm từ 20% xuống còn 10% là lợi nhuận của đơn vị chế biến.
- ĐHCĐ năm nay, Minh Phú đưa ra kế hoạch trở lại sàn HOSE, trong khi 2 năm trước rời sàn với những kế hoạch tham vọng và chưa thể thực hiện như tái cấu trúc, chọn cổ đông chiến lược. Mục tiêu của lần trở lại này là gì?
Ba năm trước, chúng tôi tính hủy niêm yết, hủy công ty đại chúng để bán cổ phần cho NĐT chiến lược, họ muốn mua tỷ lệ lớn. Nhưng hai năm không hủy niêm yết được được vì một số cổ đông nhỏ lẻ không bán lại cổ phần, NĐT chiến lược không đợi được đã ra đi. Giờ Minh Phú niêm yết trở lại sàn, bán cổ phần cho các cổ đông có nhu cầu.
- Theo kế hoạch Minh Phú sẽ bán cổ phần cho NĐT chiến lược trong phương án tăng vốn. Ông có thể cho biết mình đã tìm được cổ đông chưa?
Nhiều cổ đông đang muốn mua cổ phần nhưng Minh Phú đang xem xét. Đa số là cổ đông tổ chức nước ngoài, không có cổ đông trong nước. Họ mua và muốn tham gia vào HĐQT. Có một nhà đầu tư đang đòi mua từ 35 - 65% vốn điều lệ.
- Cũng trong kế hoạch, Minh Phú dự kiến tăng vốn từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Công ty có dự kiến mở rộng công suất nhà máy Cà Mau lên 30.000 tấn/năm với tổng vốn 1.000 tỷ đồng. Đây có phải là mục đích của việc tăng vốn?
Thực ra chúng tôi tăng vốn để cơ cấu giảm bớt vay ngân hàng, giúp kinh doanh tốt hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn muốn bổ sung vốn để chuẩn bị cho dự án khu công nghệ cao 10.000 ha tại Kiên Giang mà tôi vừa nhắc tới.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
NDH