MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Đà Nẵng - Quảng Nam phải là đầu tàu tăng trưởng miền Trung

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Đà Nẵng - Quảng Nam phải là đầu tàu tăng trưởng miền Trung

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vai trò ảnh hưởng của Đà Nẵng - Quảng Nam với miền Trung không khác gì vai trò của Hà Nội và TP.HCM với 2 cực nam, bắc của đất nước. Chính vì vậy, Đà Nẵng - Quảng Nam phải là đầu tàu tăng trưởng miền Trung và là một cực tăng trưởng của cả nước.

Chiều 10/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Đây là buổi làm việc đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại cơ sở trên cương vị mới.

Báo cáo với Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, thu ngân sách thành phố ba tháng đầu năm 2021 ước đạt 5.900 tỉ đồng. Dịch COVID-19 trên địa bàn được kiểm soát, kinh tế - xã hội duy trì ổn định, thu hút đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực như công nghệ cao có nhiều chuyển biến tốt. Đà Nẵng cũng đã tái khởi động nhiều dự án lớn. Đặc biệt, Đà Nẵng vừa được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng tạo đà cho sự phát triển lâu dài của thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong quá trình vượt lên khó khăn, các địa phương cần nhanh hơn và quyết liệt hơn để hồi phục các thế mạnh của Đà Nẵng, Quảng Nam giàu mạnh hơn, to đẹp hơn. Nhất là hậu quả nghiêm trọng của  COVID-19 gây ra, khiến cho năm 2020 Đà Nẵng và Quảng Nam tăng trưởng âm, xuống mức đáy của sự phát triển.

Bước sang năm 2021, Chủ tịch nước đánh giá cao kết quả kinh tế trong quý I/2021, 2 địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam đã phát triển rất tốt, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước. Trước hết là Đà Nẵng đã có những bước phát triển mới như: đầu tư cảng Liên Chiểu quy mô lớn, quy hoạch điều chỉnh mới, chính quyền đô thị Đà Nẵng với mô hình mới. Đặc biệt, thu hút đầu tư vào Đà Nẵng có những chuyển biến rất lớn, trong đó có nhiều dự án lớn. Nổi bật hơn nữa là Đà Nẵng đã cơ bản hoàn tất chủ trương đề xuất xây dựng để trở thành trung tâm tài chính khu vực.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Đà Nẵng - Quảng Nam phải là đầu tàu tăng trưởng miền Trung - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc.

Còn với Quảng Nam, tỉnh đã giải quyết những vấn đề bức xúc trong thiên tai, lũ lụt. Quảng Nam là địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn từ thiên tai, tỉnh đã nỗ lực không để người dân lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất, khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt, Quảng nam cũng đã phát triển nhiều dự án mới.

Theo Chủ tịch nước, thu ngân sách quý I/2021 của Quảng Nam đạt 7.500 tỷ đồng, trong khi Đà Nẵng mới đạt 5.900 tỷ đồng. Chủ tịch nước đề nghị Đà Nẵng tập trung tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo 2 địa phương cần ý thức sâu sắc các giá trị lịch sử, văn hoá của Quảng Nam - Đà Nẵng, để từ đó ứng xử với nhân dân, trong việc phát triển thành phố từ phong cách đến phương thức làm việc. Đặc biệt, phải trọng dân, hiểu dân, gần dân, những điểm này không mới, nhưng không dễ để áp dụng vào một chính quyền cụ thể.

Chủ tịch nước cho rằng, vai trò ảnh hưởng của Đà Nẵng - Quảng Nam với miền Trung không khác gì vai trò của Hà Nội và TP.HCM với 2 cực nam, bắc của đất nước. Chính vì vậy, Đà Nẵng - Quảng Nam phải là đầu tàu tăng trưởng miền Trung và là một cực tăng trưởng của cả nước. Hai địa phương đã có dư địa tăng trưởng và những tiềm lực mới trong thời gian qua, trong nhiệm kỳ 2021-2025 này là thời cơ để phát triển.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Đà Nẵng - Quảng Nam phải là đầu tàu tăng trưởng miền Trung - Ảnh 2.

Chiều 10/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam.

"Việt Nam chúng ta, cụ thể là Đà Nẵng - Quảng Nam cần có khát vọng phát triển trong một Việt Nam hùng cường, có đóng góp quan trọng. Với ý chí mãnh liệt của chính quyền và người dân, Đà Nẵng - Quảng Nam phải là những địa phương phát triển, đặc biệt trong thời điểm hậu COVID-19, trở thành hai thiên đường du lịch an toàn của quốc tế", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch nước, nếu TP. Đà Nẵng là thành phố đáng sống thì Quảng Nam là tỉnh rộng lớn, đặc biệt ở phía đông và tây tập trung xoá đói giảm nghèo với tốc độ cao. Hai địa phương này tuy có đặc điểm khác nhau, nhưng khi ghép vùng phía đông Quảng Nam với Đà Nẵng thì lại giống nhau về cả công nghiệp, du lịch.

"Với những nét độc đáo riêng có của Đà Nẵng và Quảng Nam không nhất thiết phải sao chép hay lặp lại mô hình đô thị đâu đó, mà phải tạo sự khác biệt. Chúng ta đã có sự khác biệt và tiếp tục tạo ra sự khác biệt này. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, chắc chắn chúng ta sẽ vượt lên mạnh mẽ. Nếu như, chúng ta không có khát vọng vươn lên, quyết tâm phấn đấu lên thì 2 địa phương sẽ tụt hậu về quy mô cũng như những tiềm lực mà chúng ta có. Khát vọng đó chính là tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo, của người dân và doanh nghiệp", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị Đà Nẵng xem lại nội hàm thành phố đáng sống, thành phố '4 an' (An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội-PV) để xây dựng thành phố trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam, muốn vậy phải là xây dựng những trường Đại học lớn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước đề nghị Đà Nẵng - Quảng Nam cần làm tốt và làm tấm gương cho cả nước về vấn đề triển khai tiêm vaccine cho các tổ chức nhanh chóng, khoa học, hiệu quả. Đặc biệt, Đà Nẵng cần phổ cập vaccine, đảm bảo cho người dân Đà Nẵng không bị lây nhiễm.

Đồng thời, hai địa phương cần sớm khắc phục yếu kém trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, sớm hoàn thiện bộ máy tổ chức,  tiếp tục nâng cao ý chí sức chiến đấu từ cơ quan tổ chức Đảng đến chính quyền. Trên tinh thần, khát vọng cần tạo ra sinh khí, truyền động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt, khuyến khích nhân tố tích cực, nhân tố mới.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước yêu cầu 2 địa phương thúc đẩy các cải cách còn yếu kém, trì trệ, các đội ngũ cán bộ viên chức, công chức trên tinh thần thay đổi, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng trưng gọn.

Chủ tịch nước cho rằng, qua nhiều thời kỳ, chúng ta có nhiều quyết sách sai, không phù hợp trước đây thì cần phải sửa lại. Trước vấn đề này, Chủ tịch nước yêu cầu 2 địa phương cần cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các bên liên quan, đặc biệt là từ người dân. Trên tinh thần, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, có hại cho dân thì tránh.

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch nước đề nghị 2 địa phương cần phát huy tinh thần dân chủ, dám nghĩ, dám làm trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc phát hiện những sai sót để chấn chỉnh kịp thời; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nhà đầu tư khi vào Đà Nẵng, Quảng Nam thật sự ấn tượng với môi trường làm ăn thuận lợi.

Chủ tịch nước đề nghị 2 địa phương có những giải pháp tham mưu đề xuất với Trung ương những biện pháp khôi phục du lịch, dịch vụ. Đà Nẵng và Quảng Nam tạo sự ổn định trong thu hút đầu tư, bảo vệ nhà đầu tư, tạo không khí tin tưởng của người dân và doanh nghiệp đối với địa phương. Lãnh đạo địa phương cần phát triển toàn diện nhưng cũng cần có nhà đầu tư lớn, tập trung một số mũi nhọn về du lịch dịch vụ, công nghệ cao để tạo động lực phát triển.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai địa phương luôn phải đặt người dân ở vị trí trung tâm. Người dân phải được hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả phát triển. Chính vì vậy mà trong mọi hoạch định về kinh tế xã hội phải chú trọng mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ, đồng thời tạo điều kiện cho người dân khởi nghiệp.

"Tôi đề nghị mỗi cán bộ lãnh đạo cho đến người dân, trước mọi hoạch định chính sách kinh tế chính trị, ngoại giao, trong tâm trí luôn nhớ về một điều hệ trọng thiêng liêng: Đó là huyện đảo Trường Sa, huyện đảo Hoàng Sa. Đó là một phần không thể tách rời Đà Nẵng và tổ quốc chúng ta", Chủ tịch nước nói.

Theo Thành Vân

Theo Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên