Chủ tịch nước quyết định thăng tướng công an cho những trường hợp nào?
Luật sửa đổi lần này bổ sung quy định sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; trường hợp không đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.
Quy định cụ thể 6 vị trí có trần cấp Tướng
Sáng 17/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Công an - thông tin về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân.
Có hiệu lực từ 15/8/2023, Luật Sửa đổi lần này bổ sung quy định sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; trường hợp không đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn; Bộ trưởng Công an quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và vượt cấp đối với sĩ quan công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng cho biết, luật vừa được Quốc hội thông qua bổ sung quy định cụ thể 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong Công an Nhân dân, gồm: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng; 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng; quy định Trung đoàn trưởng ở các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an TP Hà Nội, Công an TPHCM, trưởng phòng tổ chức cán bộ, công tác đảng và công tác chính trị, Trưởng Công an thành phố thuộc Công an TP Hà Nội và TPHCM có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá.
Luật cũng sửa đổi bổ sung theo hướng tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan, riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; đồng thời bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt.
Trong khi đó, hạn tuổi phục vụ cao nhất của nam sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá, cấp tướng, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tá, đại tá thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ Luật lao động.
Luật cũng bổ sung, sửa đổi theo hướng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an: Nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi, thực hiện theo lộ trình của tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định trong Bộ Luật lao động.
Giảm đầu vào, giảm chi phí đào tạo
Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên - Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, Bộ Công an - đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề liên quan.
Về lý do kéo dài hạn tuổi phục vụ với sĩ quan, hạ sĩ quan công an , ông Nguyên lý giải cũng là lực lượng vũ trang nhưng đặc thù công việc của lực lượng quân đội khác với lực lượng công an.
Khảo sát thực trạng trong lực lượng công an, theo xu hướng chung của thế giới, ông Nguyên cho biết, người ta cũng có xu hướng kéo dài độ tuổi lao động, vì sức khoẻ ngày càng được chăm sóc tốt hơn, tuổi thọ được kéo dài hơn.
Nguồn lao động sau khi nghỉ chế độ còn rất dồi dào, khả năng cống hiến cho đất nước, cho xã hội rất lớn. Chủ trương này cũng để tránh lãng phí nguồn nhân lực có chất lượng cao, có kinh nghiệm và giảm chi phí đào tạo, đặc biệt trong một vài quốc gia, họ còn cân đối quỹ lương hưu với chi trả lương.
“Qua rà soát, Bộ Công an đề xuất Chính phủ để tiếp tục sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm nhiều trong đấu tranh phòng chống tội phạm; đồng thời giảm đầu vào, giảm chi phí đào tạo, bồi dưỡng", ông Nguyên nói.
Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính lý giải thêm, đặc thù lao động của lực lượng công an là một lĩnh vực đòi hỏi đào tạo rất bài bản, lâu năm, phải trải qua thực tiễn công tác, tích luỹ nhiều kinh nghiệm thực tiễn nên kéo dài thời hạn phục vụ đối với sĩ quan, hạ sĩ quan trong lực lượng công an là lợi thế, có nhiều điểm tích cực, mang lại lợi ích cho lực lượng công an, cho Chính phủ về mọi mặt”, ông Nguyên lý giải.
Cũng tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, việc nâng thời hạn thị thực từ 30 ngày lên 90 ngày, nâng thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày, với các nước đơn phương miễn thị thực; đồng thời cách thức xin cũng tạo ra cơ chế đặc biệt thông thoáng để thu hút khách du lịch và nhà đầu tư. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ có tác động rất tích cực trong việc phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch bệnh.
tienphong.vn