MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: APPF tích cực đóng góp xây dựng tầm nhìn mới của châu Á - Thái Bình Dương

18-01-2018 - 21:49 PM | Tài chính quốc tế

Phát biểu trong phiên khai mạc Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF - 26), Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh những cơ hội và thách thức mới nổi lên trong một thế giới toàn cầu hóa và số hóa đang đòi hỏi APPF phải tiếp tục khẳng định vị thế trong cấu trúc đang định hình.

Tối 18/1, Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF 26) chính thức khai mạc tại trụ sở tòa nhà Quốc hội Việt Nam với chủ đề "Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững".

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh và đánh giá cao những đóng góp của APPF trong việc thúc đẩy châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo, giữ vai trò tiên phong trong việc phát triển các ngành công nghệ, năng lượng mới, các lĩnh vực thương mại, đầu tư thế hệ mới, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề cập tới những cơ hội và thách thức mới nổi lên trong một thế giới toàn cầu hóa và số hóa. Nó đòi hỏi APPF phải tiếp tục khẳng định vị thế trong cấu trúc đang định hình. Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn APPF cần tích cực đóng góp xây dựng tầm nhìn mới của châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác đa phương, phát huy vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong kỷ nguyên số.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: APPF tích cực đóng góp xây dựng tầm nhìn mới của châu Á - Thái Bình Dương, - Ảnh 1.

Ảnh: Đại biểu nhân dân

Phát biểu tại lễ khai mạc APPF 26, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF 26 Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng các đoàn đại biểu nghị viện và quan khách dự APPF 26 đồng thời khẳng định Việt Nam rất vinh dự lần thứ hai được chọn là nước chủ nhà tổ chức APPF - 26, một hội nghị quan trọng đối với nghị sĩ các quốc gia trong khu vực.

“Kể từ thành lập vào năm 1993 đến nay, APPF đã phát triển và trở thành một diễn đàn quy tụ 27 Nghị viện thành viên đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hơn 4,5 tỉ người trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hội nghị APPF-26 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng và phức tạp, thách thức và cơ hội đan xen, khó lường. Kinh tế khu vực và thế giới đang phục hồi, song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trung và dài hạn. Các cuộc xung đột, căng thẳng tiếp tục đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với sự ổn định và hòa bình, an ninh trong toàn khu vực.

“Những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: biến đổi khí hậu, khủng bố, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước... tiếp tục thách thức sự phát triển bền vững của từng quốc gia và chất lượng cuộc sống của mỗi người dân. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tiến bộ về công nghệ đang từng bước thay đổi xã hội cũng như phương thức kết nối của chúng ta. Thương mại, đầu tư đã mang đến cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương sự thịnh vượng cho nhiều quốc gia. Xu hướng liên kết kinh tế tuy có nhiều sự thay đổi, nhưng vẫn tiếp tục là xu hướng chính trong dòng chảy kinh tế thương mại quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo thông tin được Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu công bố chiều 17/1, tham dự diễn đàn năm nay có 21 quốc gia và khoảng 355 khách nước ngoài. Các đoàn có số lượng đại biểu tham dự nhiều nhất là Indonesia (50 đại biểu), Nhật Bản (36 đại biểu), Campuchia và Mexico (26 đại biểu), Malaysia (25 đại biểu), đặc biệt là Canada có 18 đại biểu nhưng có tới 14 nghị sĩ Quốc hội.

Bên cuộc họp của các Nữ nghị sĩ sáng 18/1, APPF 26 sẽ thảo luận 4 vấn đề chính bao gồm Các vấn vấn đề chính trị và an ninh; kinh tế và thương mại; hợp tác phát triển trong khu vực và về APPF.

Trong chủ đề đầu tiên, các đoàn nghị sĩ sẽ thảo luận nhằm thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới cũng như đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia.

Phiên thảo luận thứ 2 sẽ xoay quanh 3 vấn đề gồm Báo cáo về kết quả Hội nghị APEC 2017 2; Vai trò của Nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; An ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững và Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong kỷ nguyên số.

Phiên thảo luận thứ 3 xoay quanh các chủ đề Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu; Các nguồn lực cho phát triển bền vững; Đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực.

Phiên thảo luận thứ 4 về APPF sẽ bàn về Vai trò của APPF trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển bền vững và tăng trưởng cho tất cả ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; Sửa đổi Quy chế hoạt động mới của APPF đối với Hội nghị Nữ Nghị sĩ; Hội nghị APPF-27 4 và Thông qua các Nghị quyết và Tuyên bố chung.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức APPF. Trong sự kiện năm 2005, Việt Nam chọn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh làm nơi đăng cai APPF-13. Tuy nhiên, APPF-26 đặc biệt bởi Hội nghị diễn ra trong bối cảnh APPF tròn 25 năm hình thành và phát triển.

Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) do Cựu Thủ tướng Nhật bản Yasuhiro Nakasone đặt nền móng là một diễn đàn dành cho các nghị sỹ, nghị viện các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm mục tiêu hỗ trợ trực tiếp cho Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

APPF hành động để thúc đẩy sự gắn bó và hợp tác khu vực hơn nữa với trọng tâm được hướng vào: Hợp tác vì sự phát triển hơn nữa của hòa bình, tự do, dân chủ và thịnh vượng; hợp tác mở và đồng đều nhằm mở rộng thương mại tự do và đầu tư, phát triển bền vững và các hoạt động môi trường hợp lý; và hợp tác phi quân sự, là hoạt động sẽ dành sự quan tâm thích hợp đối với các vấn đề liên quan đến an ninh và hòa bình của khu vực.

Hiến chương thành lập của APPF là Tuyên bố Tokyo, văn kiện được ký kết bởi 59 nghị sĩ từ 15 quốc gia, thiết lập cấu trúc cơ bản của tổ chức. APPF được thành lập ngày 15/3/1993 và Quốc hội Việt Nam tham gia APPF từ tháng 1/1995.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên