MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Petrolimex: Nhiều quỹ đầu tư, tổ chức quan tâm tới cổ phiếu PLX

Với thành công của đợt chào bán 12 triệu cổ phiếu quỹ, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư nước ngoài và luôn sẵn sàng cho các cơ hội hợp tác phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Petrolimex.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) vừa công bố bán thành công 12 triệu cổ phiếu quỹ trên sàn chứng khoán TP HCM. Đây là lần thứ 2 Petrolimex bán thành công cổ phiếu quỹ, với tổng số tiền thu về qua 2 đợt ước tính hơn 1.700 tỷ đồng. Người Đồng Hành đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam xung quanh việc nhà đầu tư rất quan tâm đến đợt bán cổ phiếu quỹ vừa qua và kế hoạch sắp tới của PLX.

- Thưa ông, đợt chào bán cổ phiếu quỹ của Petrolimex dự kiến diễn ra từ 27/2 đến 18/3, song ngay từ 13/3, Tập đoàn đã công bố bán xong tổng khối lượng 12 triệu cổ phiếu, thu về hơn 700 tỷ đồng. Ông có thể chia sẻ đôi chút về thành công của đợt bán này?

- Việc bán cổ phiếu quỹ của Tập đoàn đã được chúng tôi lên lộ trình, phương án tính toán và có sự chuẩn bị từ trước đó rất lâu. Trong năm 2018, chúng tôi đã gặp và trao đổi với hơn 100 quỹ đầu tư, tổ chức lớn thông qua các roadshow, hội thảo được tổ chức tại Anh, Scotland, Hong Kong, Singapore… trong đó phải kể đến rất nhiều các tổ chức tài chính lớn hàng đầu trên thế giới như BlackRock, Fidelity, JP Morgan, Temasek…

Tại Việt Nam, hàng tuần, bộ phận Quan hệ nhà đầu tư đều gặp gỡ, đón tiếp các quỹ trong và ngoài nước, chủ động cung cấp kịp thời thông tin liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh hiện tại cũng như triển vọng của doanh nghiệp. Tôi cho rằng việc chủ động gặp gỡ trao đổi, công khai minh bạch trong việc cung cấp thông tin là một trong những lý do giúp chúng tôi bán thành công 12 triệu cổ phiếu quỹ sớm hơn dự kiến.

Chủ tịch Petrolimex: Nhiều quỹ đầu tư, tổ chức quan tâm tới cổ phiếu PLX - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

- Kể từ khi công bố thông tin bán cổ phiếu quỹ ra thị trường, thanh khoản cổ phiếu PLX trong hơn 1 tháng trở lại đây tăng mạnh với tổng lượng giao dịch bình quân trên 2 triệu đơn vị mỗi phiên (khoảng 120 tỷ đồng), trong đó lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt khoảng 7 triệu cổ phiếu. Ông đánh giá thế nào về sự tham gia của NĐTNN đối với cổ phiếu PLX?

- Tôi nghĩ các NĐTNN khi quyết định mua cổ phần của doanh nghiệp nào họ cũng có chiến lược và sự đánh giá, tính toán rất kỹ lưỡng về hoạt động kinh doanh, tiềm năng tăng trưởng và sự kỳ vọng đối với doanh nghiệp đó. Tôi không bất ngờ lắm với thông tin này vì không phải chỉ trong thời gian gần đây, NĐTNN mới quan tâm tới cổ phiếu PLX mà ngay kể từ khi niêm yết năm 2017, PLX cũng đã rất thu hút sự tham gia của khối ngoại.

Hiện nay, trong cơ cấu cổ đông của Petrolimex, đã có hơn 80 quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài tham gia sở hữu hơn 11% vốn điều lệ của PLX (trong đó có cổ đông chiến lược là JXTG NOE nắm giữ 8%). Điều đó cho thấy sự quan tâm của các NĐTNN đối với cổ phiếu của Petrolimex rất lớn và họ sẵn sàng tham gia khi thấy một doanh nghiệp luôn duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, minh bạch, với lợi nhuận bình quân trong những năm qua luôn đạt trên 40%/vốn điều lệ, tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông bình quân luôn ở mức trên 25%/năm.

Chính vì thế khi Petrolimex thông báo chính thức thời gian bán cổ phiếu quỹ, nhiều nhà đầu tư cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để có thể tham gia mua trong đợt vừa qua.

- Như vậy, sau khi kết thúc đợt bán này, Tập đoàn còn lại khoảng 123 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 9,5% vốn điều lệ) và hiện vẫn là một trong những doanh nghiệp có lượng cổ phiếu quỹ lớn nhất trên thị trường. Ông có thể cho biết Tập đoàn sẽ có kế hoạch gì với lượng cổ phiếu quỹ này trong thời gian tới?

- Thực tế, hiện tại có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm và đặt vấn đề mua lại toàn bộ số lượng cổ phiếu quỹ của Petrolimex. Bên cạnh việc đóng góp về tài chính, một số nhà đầu tư còn mong muốn cùng hợp tác triển khai đầu tư, kinh doanh nhằm khai thác, phát huy các lợi thế, tiềm năng sẵn có của Petrolimex như hệ thống phân phối bán lẻ với các vị trí đắc địa phủ khắp 63 tỉnh thành, hay thế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu với thị phần chiếm khoảng 50% thị trường cả nước.

Chúng tôi cũng đang trong giai đoạn xem xét đánh giá để lựa chọn đối tác phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới và tối ưu hóa lợi ích của cổ đông hiện hữu.

- Nếu thực hiện bán toàn bộ số cổ phiếu quỹ này, Tập đoàn đã có định hướng gì trong việc sử dụng số tiền thu về, vì ước tính theo giá thị trường hiện tại, tổng số cổ phiếu quỹ này cũng sẽ mang lại thêm cho Tập đoàn khoảng 7.600 tỷ đồng?

- Chúng tôi sẽ đầu tư mạnh mẽ vào việc áp dụng những thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 trong các quy trình vận hành kinh doanh, ứng dụng công nghệ giải pháp tự động hóa vào các khâu đo bồn bể, xuất, nhập và quản lý xăng dầu; tự động hóa trong bán lẻ xăng dầu để qua đó nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, Tập đoàn cũng sẽ tiến hành đầu tư nâng cấp, phát triển mở rộng mạng lưới bán lẻ xăng dầu; triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng tại hệ thống cửa hàng xăng dầu (cửa hàng tiện ích, đồ ăn nhanh, dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng ôtô…) để khai thác hiệu quả tối đa và gia tăng lợi nhuận cho hệ thống bán lẻ.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng có kế hoạch hợp tác đầu tư vào một số dự án năng lượng mới có tiềm năng lớn, dự kiến mang lại nguồn lợi nhuận ổn định trong tương lai.

Tôi tin rằng các dự án mà Petrolimex dự định triển khai trong thời gian tới là những dự án đã được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng, đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế đồng thời hướng tới sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, và quan trọng, chắc chắn sẽ đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông.

Theo Thu Hằng

Người đồng hành

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên