Chủ tịch Phacogen Group: Công nghệ y tế phải trở thành chiếc “xe đua” tân tiến, đưa bác sỹ tới đích cứu người nhanh nhất
"Trong cuộc chạy đua sinh tử để cứu lấy người bệnh, bác sỹ không khác gì tay đua công thức 1 siêu hạng. Để chữa bệnh cứu người nhanh nhất có thể, họ cần được cung cấp chiếc xe đua hiện đại nhất. Đó chính là giải pháp công nghệ tân tiến mà chúng tôi mang lại", ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch Phacogen Group, chia sẻ.
Cơ duyên nào khiến ông nảy ra ý định làm y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thai sản?
Chúng tôi là khóa đầu tiên học về công nghệ sinh học của Việt Nam, được đào tạo ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường, trong khi nhiều bạn bè sang Đức du học Tiến sĩ, có người làm việc cho công ty nước ngoài về giám định gen, thì tôi trở thành cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Việt Nam. Ở đây, tôi đã thấy được tương lai ứng dụng kỹ thuật di truyền trong xét nghiệm chẩn đoán y học và giám định gen trong điều tra hình sự.
Tuy nhiên, với thị trường lúc bấy giờ, lĩnh vực công nghệ sinh học còn quá mới mẻ, rất khó thuyết phục lãnh đạo đầu tư nhiều tiền bạc vào đó. Bên cạnh đó, chúng tôi chứng kiến nhiều gia đình có vợ sảy thai liên tiếp, bản thân vợ tôi cũng đã sảy thai 2 lần liên tiếp vì thế tôi luôn đau đáu một câu hỏi: "Liệu có giải pháp, kỹ thuật, công nghệ di truyền nào để xét nghiệm tìm ra nguyên nhân của hiện tượng sảy thai liên tiếp đó hay không?". Mỗi năm, ở Việt Nam, ước tính có khoảng 1 triệu phụ nữ mang thai. Làm thế nào để giúp cho chính vợ mình và những người phụ nữ đang và sắp mang thai vơi đi nỗi đau mất mát, tìm kiếm cơ hội có những đứa con khoẻ mạnh?
Vì vậy, tôi và một số bạn bè quyết định thành lập Biomedic, muốn được ứng dụng những kiến thức đã học, tìm mọi cách mang những giải pháp công nghệ sinh học tốt nhất về, ứng dụng cho nền y học Việt Nam.
Khi đưa công nghệ mới về Việt Nam, thị trường có những hoài nghi nào hay không?
Hiện nay, công nghệ sinh học đã trở thành một ngành đóng góp doanh thu cả chục tỷ đô trên thế giới, đồng thời được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Điển hình, là việc tổng hợp insulin trong điều trị đái tháo đường và mới đây, nhờ công nghệ sinh học loài người được giải cứu nhanh chóng khỏi đại dịch Covid-19 bằng vaccine công nghệ tái tổ hợp RNA. Nhưng quay trở lại giai đoạn trước, mọi thứ còn chưa được định hình rõ ràng.
Những giải pháp công nghệ di truyền y học và công nghệ sinh học trong y tế (Biomedical) đều rất mới, chính đội ngũ y bác sỹ còn chưa hiểu hết về giá trị mà công nghệ đó mang lại. Tài liệu chuyên ngành đều được xuất bản bằng tiếng Anh, vô tình càng tạo thêm rào cản cho việc tiếp cận chuyển giao công nghệ hiện đại đó về Việt Nam.
Khi người ta không hiểu, đương nhiên họ sẽ hoài nghi. Không chỉ thị trường, chính những người làm việc chuyên môn cũng như vậy. Đó là một thách thức rất lớn trong phát triển công nghệ y sinh. Điều đó khiến chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư Viện Công nghệ để đào tạo chuyên môn cho các y bác sỹ, chuyên gia trong ngành. Đồng thời, việc tổ chức các khoá đào tạo ở nước ngoài sẽ giúp y bác sỹ có cơ hội tiếp cận với môi trường công nghệ cao, chứng kiến bệnh viện nước ngoài không khác gì khách sạn 5 sao. Như vậy, họ mới khát khao để thay đổi trình độ công nghệ y tế tại Việt Nam.
Đối mặt với nhiều khó khăn như vậy, ông đã từng nghĩ đến 2 chữ "bỏ cuộc"?
Chưa bao giờ! Bản thân chúng tôi là người học sâu về công nghệ di truyền, có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh chóng nên hiểu rất rõ những giá trị có thể mang tới trong tương lai. Nhiều gia đình trước đây không được xét nghiệm di truyền sàng lọc trước sinh, vì thế không kịp thời phát hiện những bất thường về di truyền của gia đình. Những đứa trẻ ra đời không may mang trong mình dị tật bẩm sinh, nhiều em bé đã lớn lên và sống cả cuộc đời trong bệnh viện. Đó không còn là nỗi đau của một người hay một gia đình, mà là gánh nặng của toàn xã hội.
Do đó, phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ di truyền trong xét nghiệm chẩn đoán sớm là điều bắt buộc, để hạn chế được nỗi đau cho gia đình và xã hội, để những em bé được sinh ra đời hoàn toàn khoẻ mạnh. Đó là khát khao không chỉ của đội ngũ Phacogen còn là khát vọng của các y bác sỹ. Nếu được mang những kiến thức, giá trị của mình giúp ích cho xã hội thì có làm hay không? Làm chứ! Nhất định phải làm!
Từ cái tên mới mẻ, ít người biết, ông đã làm thế nào để giúp tên tuổi đạt được sự tin cậy của mọi người?
Khi mới khởi nghiệp, nhóm chúng tôi có 6 người, góp được 800 triệu đồng vừa là vốn kinh doanh, vừa thuê 1 căn hộ chung cư để làm nơi làm việc. Đương nhiên, trong lĩnh vực công nghệ, khoản tiền này "chẳng thấm vào đâu". Sau đó, chúng tôi đã trải qua bao lần thế chấp nhà cửa, đi vay mượn khắp nơi. Thậm chí, tôi còn đem bán cả cặp nhẫn cưới của mình (cười).
Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đầu tư hệ thống máy để demo đào tạo cho y bác sỹ tại Việt Nam. Vì thị trường đang hoài nghi như vậy, nếu không được trực tiếp sử dụng những trang thiết bị hiện đại đó và nhìn thấy kết quả phân tích do chính họ tạo ra, thì ai tin?
Chúng tôi không những mang máy đến bệnh viện, mà còn cử chuyên gia, tặng kit miễn phí cho các y bác sỹ dùng thử nghiệm để củng cố niềm tin vào những kỹ thuật công nghệ mới mà họ hoàn toàn có khả năng làm chủ. Chẳng có cách nào xây dựng và củng cố niềm tin bằng việc thử nghiệm công nghệ thật, kit thật và con người thật. Bản thân các y bác sỹ cũng luôn cập nhật những công nghệ tiên tiến nhằm chẩn đoán được sớm hơn, chính xác hơn mang lại hiệu quả điều trị và chăm sóc sức khoẻ người bệnh. Quả thật, khi thử nghiệm thành công công nghệ mới, mọi người phấn khởi lắm. Họ nhận ra, người Việt cũng có thể tiếp cận và làm chủ những công nghệ đột phá của thế giới.
Sau những quá trình đào tạo và chuyển giao những công nghệ đó, chính đội ngũ y bác sỹ là người áp dụng rộng rãi những kỹ thuật xét nghiệm di truyền tại Việt Nam. Điều này cũng chứng minh được rằng, công nghệ sinh học là hướng đi đúng đắn mà cả thế giới đều đang tập trung phát triển. Nó sẽ giúp chúng ta giải quyết rất nhiều vấn đề khó khăn trong chẩn đoán và phát triển giải pháp chăm sóc sức khoẻ toàn diện. Trong quá trình ấy, thách thức đặt ra cho chính đội ngũ nhân viên của Phacogen là làm sao để chuyển ngữ chính xác nhất, giúp các y bác sỹ hiểu được giá trị công nghệ mang lại.
Trên hành trình nhọc nhằn đó, đâu là thành tựu mang tính bước ngoặt?
Sự ra đời của Viện Công nghệ Phacogen chính là cột mốc mang tính bước ngoặt.
Trước đây, khả năng cập nhật công nghệ của Việt Nam nhìn chung luôn có độ trễ nhất định, so với các cường quốc công nghệ có khả năng tự phát minh như Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Hàn Quốc… Với một chiếc điện thoại, độ trễ này chỉ kéo dài trong vài ngày hoặc vài tháng. Nhưng trong ngành y, con số này trung bình từ 5-7 năm. Trải qua một thời gian dài, độ trễ của công nghệ được rút ngắn còn 3-5 năm.
Lấy ví dụ, một giải pháp xét nghiệm mới ra đời sẽ phải trải qua quá trình tìm hiểu sản phẩm, demo dùng thử, thuyết phục người dùng, rồi rất nhiều khâu từ phê duyệt, đấu thầu, lắp đặt… Như vậy, sớm nhất cũng phải 3 năm sau, giải pháp công nghệ đó mới có mặt tại một số bệnh viện tuyến trung ương.
Muốn thay đổi hiện trạng này, chúng tôi xác định phải đầu tư một cơ sở với đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhất cùng đội ngũ chuyên gia luôn được cập nhật công nghệ tiên tiến trên thế giới. Chúng tôi mong muốn một công nghệ được phát minh tại Mỹ, thì 3 tháng sau được hiện diện tại Việt Nam để triển khai đào tạo ứng dụng những giải pháp đó cho đội ngũ y bác sỹ. Xuất phát từ nhu cầu đó, cộng thêm chính sách ngày càng thông thoáng hơn trong việc thành lập các đơn vị nghiên cứu tư nhân, chúng tôi đã thành lập nên Viện Công nghệ Phacogen.
Công việc nghiên cứu thường bị nói là "đốt tiền", ông làm thế nào để thuyết phục mọi người đầu tư?
Khi mới đưa ra đề xuất, mọi người cũng phản đối lắm. Chưa tính khoản đầu tư hàng chục triệu USD cho trang thiết bị máy móc, công nghệ thì tiền đầu tư ứng dụng các kit xét nghiệm mới cho nghiên cứu và đào tạo cũng ngốn thêm cả triệu USD mỗi năm. Chi phí đầu tư và vận hành lớn khủng khiếp như vậy, cổ đông nào muốn đầu tư?
Nhưng tôi khẳng định rằng: Một công ty công nghệ mà không đầu tư nghiên cứu thì làm sao phát triển và tạo ra công nghệ? Nếu không làm chủ công nghệ, làm sao tạo ra những sản phẩm phù hợp với người Việt? Rõ ràng cơ địa của người nước ngoài đâu có giống người Việt? Chúng ta phải nghiên cứu mới có thể tìm ra sự khác biệt đó, kể cả biết đó là một nơi "đốt tiền".
Từ Biomedic những ngày đầu, phát triển thành Phacogen Group sở hữu cả Viện Công nghệ như hôm nay, là chặng đường có ý nghĩa như thế nào?
Có thể ví von như thế này: Bác sỹ giống như tay đua công thức 1 siêu hạng. Tay đua có giỏi đến đâu mà không có xe đua siêu hạng thì khó mà về đích. Sứ mệnh của chúng tôi là đưa những công nghệ tân tiến nhất - những chiếc xe đua F1 tốt nhất - vào tay người cầm lái giỏi nhất, để họ nhanh chóng "về đích" trên hành trình cứu người.
Lợi thế của việc sở hữu một Viện Công nghệ nằm ở chỗ đó. Chúng tôi có thể cập nhật toàn bộ những công nghệ mới nhanh nhất. Kết hợp với kiến thức uyên bác của các giáo sư ngành y để cập nhật kiến thức, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ y bác sỹ. Qua đó, hiệu quả chăm sóc, khám chữa bệnh sẽ tăng lên rất nhiều.
Ngoài ra, giá trị công nghệ mà Viện Công nghệ Phacogen mang lại là những bộ kit xét nghiệm được nghiên cứu và phát triển bởi đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam, hoàn toàn do nguồn vốn tư nhân đầu tư. Đến nay, những thành quả công nghệ đó đã được chuyển giao cho nhà máy Phacogen nằm trong khu công nghiệp thông minh VSIP - nơi sẽ trực tiếp sản xuất ra chúng. Hiện nay, những sản phẩm do nhà máy sản xuất ra đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và chờ cấp phép của EU (CE-IVD). Chúng tôi tự tin mang sản phẩm của nhà máy Phacogen vươn ra thị trường nước ngoài và đáp ứng cho nhu cầu trong nước.
Đoàn khảo sát do GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội dẫn đầu đến làm việc tại Viện Công nghệ Phacogen
Ông đã liên tục nhắc đến tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ từ những ngày đầu khởi nghiệp. Điều gì khiến ông ý thức được sớm như vậy?
Ban đầu, khi thành lập Biomedic tôi và một số người sáng lập khác đều tích lũy không ít danh tiếng cá nhân. Thế nhưng, Biomedic thì hoàn toàn không có tên tuổi trên thị trường. Nhưng câu hỏi đặt ra lúc đó là: Quá trình chuyển giao công nghệ phức tạp và khó khăn nhiều như vậy, một vài cá nhân làm sao làm xuể?
Chúng tôi xác định, bắt buộc phải gây dựng và đầu tư một đội ngũ chuyên nghiệp. Càng nhiều người tham gia vào quá trình này, sẽ có càng nhiều bệnh viện, cơ sở y tế được tiếp xúc với các giải pháp công nghệ tiên tiến, càng nhiều bệnh nhân được hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, để trở thành một công ty công nghệ hàng đầu, không có cách nào khác ngoài việc đào tạo ra nhân tài.
Đâu là cách ông tìm kiếm nhân tài cốt cán cho đội ngũ của mình?
Ở các trường đại học hiện nay, trong lĩnh vực công nghệ sinh học và đặc biệt là xét nghiệm di truyền, tôi nhận thấy hầu hết sinh viên ra trường đều giỏi về lý thuyết, nhưng yếu trong mảng thực hành. Nguyên nhân khách quan đến từ trang thiết bị và cơ sở vật chất. Ngành này yêu cầu các bạn phải vào phòng lab, phải có mẫu bệnh phẩm, càng phải có kinh phí để thực hiện nghiên cứu. Đây là điều không phải sinh viên nào cũng có thể tiếp cận được.
Chính vì vậy, chúng tôi xác định Viện Công nghệ Phacogen phải thực hiện chức năng đào tạo, kết hợp với các trường để có được những "hạt giống" tiềm năng. Khi được tạo điều kiện như vậy, các bạn phát triển đến đâu là dựa vào sự nỗ lực của chính mình. Đặc biệt, đội ngũ ở Phacogen không có những người quản lý, mà chỉ có những người đồng hành và hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng lớn mạnh hơn.
Đầu tư nhiều tiền bạc để các bạn ấy phát triển xong, ông có lo ngại về vấn đề "chảy máu chất xám"?
Thực ra, chảy máu chất xám thì ở đâu cũng sẽ có. Nhưng trong ngành này, tôi quan niệm rằng: Nếu bạn trưởng thành từ Viện Công nghệ Phacogen, mang năng lực chuyên môn xuất sắc tới các bệnh viện khắp cả nước, dùng kiến thức đã học được để triển khai các giải pháp công nghệ ở đó, thì đấy không gọi là chảy máu chất xám. Đó là lan tỏa và giúp ích cho cộng đồng, ngoài ra, còn là minh chứng cho những giá trị mà tôi đầu tư được thị trường đón nhận như thế nào.
Ở một khía cạnh khác, khi đã hiểu rõ về những tối ưu mà các giải pháp công nghệ mang lại, chính các bạn ấy sẽ có nhu cầu sử dụng. Hoặc khi mình giới thiệu những cải tiến mới, họ cũng dễ tiếp cận, dễ thực hiện chuyển giao công nghệ tốt hơn. Như vậy, họ lại trở thành khách hàng tiềm năng. Mạng lưới thị trường của Phacogen lại càng mở rộng.
Do đó, tôi thường bảo với những cổ đông khác rằng: "Chúng ta cứ tập trung đào tạo, không phải lo ngại những điều khác. Hãy nhìn xa hơn để hướng tới sự phát triển của thị trường trong tương lai".
Chúng tôi không đặt nặng vấn đề chảy máu chất xám mà coi đó là một sứ mệnh. Quá trình đào tạo có thể cung cấp được nguồn nhân sự chất lượng cao cho các bệnh viện, cho chính khách hàng của mình. Tôi cảm thấy bản thân đã đóng góp và phụng sự xã hội thông qua việc đào tạo con người. Chính những chính sách đấy trở thành điểm khác biệt của Phacogen, so với các doanh nghiệp khác trên thị trường.
Và ông đạt được những gì từ sự khác biệt đó?
Là một công ty công nghệ, chúng tôi ý thức việc đầu tư cho Khoa học công nghệ để nghiên cứu phát triển sản phẩm là yếu tố sống còn nên đã quyết tâm đầu tư ra Viện Công nghệ Phacogen. Nhờ đó, những giải pháp công nghệ luôn được hấp thụ nhanh và chuyển đổi để trở nên phù hợp với thị trường Việt Nam. Hiện nay, rất nhiều bệnh viện tư nhân lớn như Tâm Anh, Vinmec, hoặc các đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực sản khoa, ung bướu… đều tin tưởng lựa chọn cái tên Phacogen.
Thời gian vừa qua, Vinmec đầu tư rất nhiều giải pháp xét nghiệm về di truyền từ Phacogen. Đặc biệt, chúng tôi cũng là đơn vị đồng hành để hoàn thành dự án giải mã gen người lớn nhất Việt Nam với 1.000 hệ gen.
Niềm tin càng được củng cố thêm ở thời điểm hiện tại, khi chúng tôi là đơn vị tiên phong cung cấp cho 2 bệnh viện sản khoa đầu ngành - Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hệ thống xét nghiệm NIPT (Non-Invasive prenatal testing - Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn) đạt tiêu chuẩn CE-IVD - tiêu chuẩn cao nhất của châu Âu cho toàn bộ quy trình xét nghiệm.
Chiến lược đào tạo con người, củng cố đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, đã trở thành chìa khóa để tạo ra sự thành công như ngày hôm nay. Khi bản thân đủ tâm huyết với nghề, và truyền được ngọn lửa tâm huyết đó cho các thế hệ kế cận, họ sẽ mang những giá trị tốt đẹp nhất đi lan tỏa khắp nơi.
Mục tiêu, ước mơ của ông đối với Phacogen trong tương lai là gì?
Sau 15 năm với nhiều nỗ lực tự đứng trên đôi chân của mình, đến giờ này, Phacogen Group đã có: Viện Công nghệ Phacogen - nơi đào tạo, nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ; Nhà máy Phacogen được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại của châu Âu và Mỹ (nhà máy đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép EN-ISO 13485) và mạng lưới phân phối rộng khắp của công ty Biomedic.
Với hệ sinh thái như vậy, Phacogen đã và đang đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân cho nghiên cứu phát triển những sản phẩm công nghệ y tế do đội ngũ những nhà khoa học trẻ đầy nhiệt huyết của Viện Công nghệ Phacogen. Chúng tôi đang bắt đầu hành trình mang những bộ kit xét nghiệm, những sản phẩm công nghệ y tế do người Việt nghiên cứu và phát triển (đạt tiêu chuẩn CE-IVD) để đến tới các gian hàng triển lãm quốc tế, đến với các phòng xét nghiệm khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi có niềm tin vào năng lực của đội ngũ những nhà khoa học trẻ Việt Nam, họ sẽ ghi dấu ấn của mình bằng sản phẩm khoa học công nghệ của người Việt.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Tổ Quốc