MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Phan Văn Mãi chỉ đạo khẩn liên quan đến Dự án đường Vành đai 3

Chủ tịch Phan Văn Mãi chỉ đạo khẩn liên quan đến Dự án đường Vành đai 3

Dự án đường Vành đai 3 TP HCM được Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư hồi giữa tháng 6-2022. Theo Nghị quyết, UBND TP HCM chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản khẩn, chấp thuận đề xuất mô hình chỉ đạo thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TP HCM theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải.

Theo đó, thành lập Ban Chỉ đạo dự án của TP HCM về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM (gọi là Ban Chỉ đạo dự án TP HCM).

Ban Chỉ đạo có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết ngay các vấn đề phát sinh cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện các dự án thành phần của thành phố; cơ quan đầu mối, trao đổi, phối hợp với Tổ Công tác Chính phủ giải quyết các vướng mắc chung cho toàn dự án, các vấn đề có tính chất liên tỉnh như kỹ thuật, vật liệu, chính sách bồi thường…

Ban Chỉ đạo họp định kỳ mỗi tháng một lần và xây dựng quy chế làm việc.

Chủ tịch Phan Văn Mãi chỉ đạo khẩn liên quan đến Dự án đường Vành đai 3  - Ảnh 1.

Dự án đường Vành đai 3 đi qua 4 địa phương TP HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai. Đồ họa: Phương Anh

Ngoài ra, thành lập Ban Chỉ huy dự án của thành phố về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM, là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (gọi là Ban Chỉ huy dự án).

Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy dự án là điều hành giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Ban Chỉ huy họp định kỳ 2 tuần/lần.

Bên cạnh đó, Tổ Công tác Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổ Công tác Chính phủ họp (khi cần thiết) theo nội dung yêu cầu công việc cần phối hợp giữa các địa phương hoặc giữa địa phương với bộ, ngành Trung ương theo đề xuất của Ban Chỉ đạo dự án TP HCM (với vai trò đầu mối) hoặc khi có chỉ đạo của Tổ trưởng.

UBND TP HCM giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và các đơn vị liên quan lập Kế hoạch chi tiết hội nghị triển khai Dự án đường Vành đai 3.

Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng Kế hoạch Chi tiết công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ Dự án; hướng dẫn UBND TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…)

Dự án đường Vành đai 3 TP HCM được Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư hồi giữa tháng 6-2022. Theo Nghị quyết, UBND TP HCM chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.

Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư khoảng 76,34km đường Vành đai 3, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7ha, giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã đầu tư.

Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỉ đồng. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt sau đây như về nguồn vốn đầu tư sẽ điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 17.146 tỉ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương để thực hiện dự án, trong đó TP HCM là 10.627 tỉ đồng, Đồng Nai là 856 tỉ đồng, Bình Dương là 4.266 tỉ đồng và Long An là 1.397 tỉ đồng.

Theo Phan Anh

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên