Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo giám sát hoạt động và thực trạng tài chính của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Doãn Tấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước; tình hình hoạt động và thực trạng về tài chính của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
- 15-02-2022Vì đâu Nhà máy lọc dầu Nghi sơn lỗ 61.200 tỷ trong 3 năm đầu hoạt động trong khi Dung Quất (BSR) chỉ lỗ hơn 4.000 tỷ
- 10-02-2022Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lỗ hơn 61.000 tỷ sau 3 năm vận hành thương mại
- 10-02-2022Thiếu hụt xăng dầu: Nghi Sơn có kế hoạch chạy đủ 100% công suất từ 15/3, PVOil, Petrolimex tăng nhập khẩu
Ngày 28/2, Văn phòng Quốc hội đã truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi một số cơ quan của Quốc hội yêu cầu giám sát về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Cụ thể, thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan có liên quan thực hiện: Theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước; tình hình hoạt động và thực trạng về tài chính của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.
Trên cơ sở đó, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát trong tháng 3/2022.
Được biết, Nghị quyết số 42/2021/QH15, Quốc hội đã quyết nghị: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và thực hiện dự toán, quyết toán theo quy định; giao Chính phủ tổ chức thực hiện nội dung này đồng bộ với các cam kết khác theo đúng Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ; Chính phủ báo cáo Quốc hội số tiền xử lý bù giá nêu trên khi lập và thực hiện dự toán, quyết toán hằng năm; số liệu xử lý bù giá phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán.
Từ sau Tết Nguyên đán 2022, tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ xảy ra tại một số địa phương, nhất là khu vực phía Nam. Giá bán lẻ trong nước đã có đợt tăng gần 1.000 đồng mỗi lít vào ngày 11/2, lên mức cao nhất 8 năm.
Theo Bộ Công Thương, việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất vì thiếu tiền nhập nguyên liệu là nguyên nhân dẫn đến sự khan hiếm nguồn cung xăng dầu trong nước như thời gian qua.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho hay, để đảm bảo nguồn cung, bộ cũng làm việc với lãnh đạo Lọc dầu Nghi Sơn và một số doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu trong nước. Sau cuộc họp, Bộ Công Thương đã yêu cầu phía Nghi Sơn báo cáo về kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu (dầu thô), kế hoạch sản xuất như đã đăng ký.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng phải báo cáo tiến độ, kế hoạch và tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối xăng dầu, nhằm "tránh chuyện ngừng sản xuất mà không thực hiện hợp đồng, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước".
Với các thương nhân đầu mối xăng dầu khác, Bộ Công Thương yêu cầu có kế hoạch nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung, duy trì xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Trước đó, ngày 22/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có Công điện số 160 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ bổ sung việc thanh tra công tác quản lý nhà nước về xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện các sơ hở, bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng.
Nhà đầu tư