Chủ tịch Quốc hội: Chủ đầu tư yếu kém không thực hiện được dự án thì để người khác làm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH
Với loại dự án chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu: "Không thực hiện được thì phải để người khác" vì nếu cứ giữ đất sẽ lãng phí cơ hội đầu tư.
- 14-09-2022VinFast đóng bao nhiêu thuế tiêu thụ đặc biệt cho Hải Phòng 8 tháng đầu năm 2022?
- 14-09-2022Cầu Vĩnh Tuy 2, Metro Bến Thành–Suối Tiên và hàng loạt dự án trọng điểm khác ở Hà Nội và TP.HCM đang có tiến độ ra sao?
TPO - Với loại dự án chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu: "Không thực hiện được thì phải để người khác" vì nếu cứ giữ đất sẽ lãng phí cơ hội đầu tư.
Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016- 2021”.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đây là cuộc giám sát lớn, phạm vi rộng, phức tạp, thông tin số liệu rất nhiều, huy động lực lượng lớn tham gia. Báo cáo giám sát cần nêu đầy đủ những con số này để thể hiện việc "nói có sách, mách có chứng".
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần làm rõ những thành tựu, điển hình về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều nội dung làm vượt chỉ tiêu của T.Ư, là thành tích cực kỳ quan trọng.
Ông Huệ cũng nêu, với các kiến nghị, đề xuất, phải nêu rõ thời gian, như về dự án treo, dự án chậm tiến độ, các dự án BOT đang đầu tư dở dang, dự án BOT đang phải xử lý.
"Tôi nghĩ rằng Chính phủ cũng mong muốn có thời hạn về các kiến nghị để có tính khả thi, phân công các đơn vị làm", ông Huệ nói.
Đi vào một số nội dung cụ thể, ông Huệ nêu, với các dự án điển hình phát hiện qua giám sát, phải nêu cụ thể một số dự án, kèm theo phụ lục cụ thể để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Về dự án "treo", chậm tiến độ, phải có danh mục cụ thể, đưa vào báo cáo. Chính phủ sau đó sẽ rà soát, bổ sung thêm.
Về dự án đang triển khai nhưng chậm tiến độ, theo Chủ tịch Quốc hội, với loại vướng mắc về thời gian, cần xử lý hài hoà lợi ích giữa các bên, gia hạn thời gian để xử lý, chính quyền phối hợp gỡ vướng mắc. Nếu đến hạn nhất định thì phải thu hồi theo luật.
"Với các dự án đang giao nhiệm vụ nghiên cứu thì thu hồi được ngay. Các địa phương cũng rất hoan nghênh. Loại dự án này cần phân loại ra. Bao nhiêu dự án, ở đâu, địa chỉ nào", ông Huệ nói.
Với loại dự án mà chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, ông Huệ cho rằng: "Không thực hiện được thì phải để người khác" vì nếu cứ giữ đất sẽ lãng phí cơ hội đầu tư.
Về dự án vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì phải thể chế hoá chủ trương của T.Ư, hiện Chính phủ đang thực hiện đề án thống kê rà soát. Có những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ.
"Cán bộ sai thì xử lý rồi, nhưng đất đai, tài sản, vốn liếng nằm đấy cả. Chủ trương có rồi, nên thể chế hoá bằng nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý xử lý. Thẩm quyền cấp nào thì cấp đó xử lý", ông Huệ nói thêm.
Ông Huệ cũng đề cập về các dự án BOT, BT. "Dự án BT về mặt luật pháp có điều khoản chuyển tiếp. Nhiều dự án BT được phép tiếp tục triển khai, nhưng theo tôi biết, hiện rất vướng mắc, không chung tay tháo gỡ thì rất khó. Nên có danh mục, thống kê bao nhiêu dự án để xem xét, tháo gỡ, tạo nguồn lực cho địa phương", Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Về vấn đề đất đai, ông Huệ cũng cho rằng, cần có thống kê, kiến nghị cụ thể theo từng loại một, số liệu cụ thể về đất nông lâm trường, đất lúa, đất nông nghiệp bỏ hoang, tình trạng lấn chiếm trái phép...
"Cần có kiến nghị thật sát, thời gian cụ thể, theo tinh thần khả thi, tích cực, từ đó có căn cứ để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, chỉ đạo. Trong đó, có những việc Quốc hội, Thường vụ Quốc hội cũng phải làm", ông Huệ nói thêm.
Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, đây là cuộc giám sát lớn, số liệu rộng, phức tạp. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát.
Sau cuộc làm việc hôm nay, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát liên quan đến số liệu để báo cáo giám sát đạt chất lượng tốt nhất. Ông Khái cũng đề nghị Đoàn giám sát đánh giá thêm những mặt được, tích cực, hài hoà với những tồn tại, hạn chế.
Phó Thủ tướng cũng nói thêm, báo cáo của Đoàn giám sát cần nêu chi tiết, cụ thể, cần có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống, bởi xử lý những vấn đề tồn tại, hạn chế rất khó khăn. Những trường hợp, vụ việc nêu trong báo cáo phải hết sức rõ ràng, kiến nghị phải có tính khả thi, rõ thẩm quyền giải quyết...
Dự thảo báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” đề cập nhiều nội dung như: Việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ và công nghệ thông tin; lĩnh vực y tế; mua sắm tập trung; lĩnh vực đầu tư công; việc quản lý, sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công; sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên; thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước; công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Tiền Phong