MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Samsung nói gì về việc tăng số người Việt trong ban lãnh đạo Samsung tại Việt Nam?

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhân lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Lee Jae Yong - Chủ tịch Tập đoàn Samsung Điện tử.

Trong các cuộc gặp trước đây với lãnh đạo Samsung, Thủ tướng đều đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm hoàn thành Trung tâm R&D tại Hà Nội trong năm 2022, đồng thời sớm có người Việt Nam tham gia ban lãnh đạo Samsung tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Samsung trong việc hoàn thành Trung tâm R&D, cảm ơn những đóng góp của Samsung với Việt Nam với vai trò là doanh nghiệp FDI lớn nhất, bày tỏ chia sẻ với Samsung về những khó khăn, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, chúc thành công Samsung thành công toàn diện hơn nữa tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Samsung mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhân lực, kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam; tăng tỷ lệ nội địa hóa và giá trị sản xuất nội địa tại Việt Nam, giảm nhập khẩu từ nước ngoài. Việt Nam mong muốn thay đổi tỷ trọng lợi nhuận của Việt Nam theo hướng cân bằng, hài hòa hơn so với tỷ trọng đóng góp vào giá trị sản xuất của Samsung.

Chủ tịch Samsung khẳng định sẽ tích cực triển khai các nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo; cho biết Samsung sẽ đẩy mạnh hoạt động R&D tại Việt Nam, đào tạo, phát triển nhân lực có thể đáp ứng môi trường làm việc toàn cầu, phối hợp với phía Việt Nam để nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa cả phần cứng và phần mềm.

Trước mong muốn của Thủ tướng về việc có nhiều hơn nữa người Việt tham gia ban lãnh đạo Samsung tại Việt Nam, Chủ tịch Samsung cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian.

Ông nhắc tới thực tế là các nhà ăn tại các cơ sở của Samsung ở Hàn Quốc ngày càng có nhiều món ăn Việt Nam hơn, lý do là có rất nhiều kỹ sư Việt Nam làm việc tại đây và đội ngũ này sẽ ngày càng phát triển.

Ông bày tỏ, nếu không có sự nhiệt thành và hỗ trợ của phía Việt Nam, trong đó có sự quan tâm của Thủ tướng thì không thể thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đầu tư tại Việt Nam như thời gian qua.

Bắt đầu với nhà máy sản xuất điện thoại tại tỉnh Bắc Ninh vào năm 2008, Samsung đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thông qua thành lập nhà máy sản xuất điện thoại thứ 2 tại tỉnh Thái Nguyên, khu tổ hợp sản xuất hàng gia dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến cuối năm ngoái, tổng số vốn đầu tư lũy kế của Samsung tại Việt Nam là 18,2 tỷ USD và được dự đoán sẽ vượt quá 20 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Nhã Mi

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên