MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng khẳng định tự mình viết các thông tin trên facebook cá nhân

“Ngành của tôi cần thông tin, quan điểm chính thống từ tôi. Tôi muốn trực tiếp nói ra và không có kênh nào hợp lý hơn mạng xã hội”, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng bật mí.

Chia sẻ trên được ông Nguyễn Duy Hưng đưa tại tọa đàm "Tác động của mạng xã hội đến nền kinh tế" diễn ra chiều ngày 9/3.

Theo đó, ông chủ SSI cho biết lý do đầu tiên khiến ông gia nhập cộng đồng Facebook là bởi tên ông bị nhiều người giả mạo. “Một người em bảo tôi có nhiều Facebook giả lấy tên anh, nên tôi nghĩ phải làm một cái thật để không giả”, ông Hưng nói.

Ông cũng nói thêm “Ngành của tôi cần thông tin, quan điểm chính thống từ tôi. Tôi muốn trực tiếp nói ra. Không có kênh nào hợp lý hơn mạng xã hội để đưa quan điểm”.

Bởi lẽ, đối với chứng khoán, tính kịp thời, chính xác của thông tin rất quan trọng. Do đó, dù rất bận rộn nhưng ông Hưng vẫn duy trì Facebook như kênh phát ngôn chính thống. Ông khẳng định tự mình viết các thông tin đó.

“Mọi thứ trên đời đều vì quyền lợi. Nói đến cùng, tôi muốn nói về thông tin chính thống mà đâu đó người ta dùng cái tên của tôi để nói ở chỗ khác”, ông Hưng cho hay.

Mặt khác, chủ tịch SSI cũng chia sẻ ông thích sự tương tác trên mạng, đối với những lập luận tranh cãi được thì ông trả lời nếu có thời gian.

“Tôi không cấm ai comment trên Facebook của mình. Nhưng có những người dùng facebook có thói quen unfollow những người xung quanh. Lâu dần chúng ta toàn người giống chúng ta”, ông nói.

Trên thực tế, Việt Nam có hơn một nửa dân số sử dụng Internet, trong số đó 9/10 có sử dụng mạng xã hội. Thống kê gần nhất cho thấy, số tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam đã cán mốc trên 40 triệu tài khoản, và trung bình mỗi người dành hơn 2 tiếng đồng hồ để sử dụng mạng xã hội mỗi ngày.

Mạng xã hội không chỉ đơn thuần là nơi chia sẻ các thông tin cá nhân, làm quen, mà giờ đây mạng xã hội đã có tác động to lớn đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Các chia sẻ và tương tác trực tuyến trên mạng xã hội đã khiến người tiêu dùng tiếp cận được nhiều thông tin đa chiều hơn so với kênh báo chí và truyền hình truyền thống trước đây.

Đứng trên góc độ kinh tế, theo dữ liệu của Boomerang, 87% người dùng đã chọn mạng xã hội là nơi liên hệ hoặc phản ánh các vấn đề vì thông tin cá nhân không chịu trách nhiệm trước pháp lý và dễ dàng nhận được nhiều sự ủng hộ từ đám đông.

Nhưng mặt trái của nó, mạng xã hội cũng là nơi bắt nguồn nhiều tin tức tiêu cực, là nơi mọi người bàn tán và chia sẻ tin tức xấu gây nên nhiều vụ khủng hoảng truyền thông cho thương hiệu.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên