Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đề nghị xem xét lại cáo buộc lập 1.000 công ty ‘ma’
Bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đề nghị xem xét lại cáo buộc việc thành lập 1.000 công ty “ma” vì các công ty này đều có tài khoản, có số dư và không liên quan đến Vạn Thịnh Phát.
- 13-03-2024Chồng bị cáo Trương Mỹ Lan ký giấy tờ ‘bằng niềm tin’
- 13-03-2024Bà Trương Mỹ Lan còn 13 tài sản chưa bị kê biên, phong tỏa?
- 12-03-2024Bà Trương Mỹ Lan nhắc tới khoản vay 15.000 tỷ đồng của ông Trần Bắc Hà
Sáng 13/3, các luật sư tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Tại phần xét hỏi của các luật sư vào chiều 12/3, bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã cám ơn các cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện cho bà trong suốt thời gian qua và bản thân bà tôn trọng các lời khai của các bị cáo khác, cáo trạng cũng như kết luận điều tra.
Bà Lan trình bày, bà được sinh ra tại TPHCM, mẹ là tiểu thương của chợ Bến Thành từ những ngày mới giải phóng và sau này bà cũng làm tiểu thương tại chợ này. Năm 1992, bà Lan thành lập công ty từ tài sản tích lũy được của gia đình.
Theo bà Lan, hoàn cảnh hợp nhất SCB trong bối cảnh 3 ngân hàng (Ngân hàng TMCP Đệ Nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và SCB cũ) đang bị rút tiền và Nhà nước vận động nhiều doanh nghiệp nhưng không ai dám vào.
Bản thân bà từ chối rất nhiều lần và Ngân hàng Nhà nước đề nghị bà cố gắng mua được 65% để ổn định ngân hàng, kêu gọi đối tác (ưu tiên các đối tác nước ngoài…), cho mượn tài sản. Do thấy trách nhiệm của mình cũng chỉ cho mượn tài sản, tìm kiếm đối tác nên bà Lan đồng ý và cho mượn khách sạn Windsor trị giá hơn 1 tỷ USD.
“Bị cáo khi đó nghĩ cố vấn là chỉ ở vòng ngoài thực hiện 3 việc nêu trên nên đồng ý. Bị cáo phải vay mượn dùng hết toàn bộ tài sản gia đình để thực hiện tái cơ cấu, tài sản bị cáo không đủ và bị cáo phải nhờ sự trợ giúp của bạn bè”, bà Lan trình bày.
Cũng như các phiên tòa trước đó, bà Lan cho rằng, bà mạo hiểm tham gia vì tin với bất động sản của bản thân có thể giúp SCB thực hiện tái cơ cấu thành công và hiểu rõ nếu tái cơ cấu không thành công thì bà sẽ mất hết.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mong HĐXX xem xét lại cáo buộc thâu tóm SCB vì nếu muốn thâu tóm thì bà phải đưa toàn bộ người nhà vào quản lý nhưng bà chỉ thực hiện đúng vai trò nhiệm vụ của mình khi hứa tham gia tái cơ cấu.
Đồng thời, các cổ phần không phải của riêng bà mà còn là của bạn bè và những tài sản mà đưa vào, rút ra chỉ là nhằm tái cơ cấu SCB.
Tại phiên tòa chiều 12/3, bà Trương Mỹ Lan cũng đề nghị xem xét lại cáo buộc việc thành lập 1.000 công ty “ma” vì các công ty đều có tài khoản, có số dư, không liên quan đến Vạn Thịnh Phát.
Bà Lan kính đề nghị HĐXX xem xét lại về số tiền quy buộc là chiếm đoạt, gây thiệt hại; xem xét thật kỹ các tội danh đã quy buộc đối với bà; các cơ quan tiến hành tố tụng có phương án hỗ trợ để bà khắc phục hậu quả.
“Bị cáo vẫn giữ nguyên các cam kết khắc phục hậu quả và đề nghị chuyển 1.000 tỷ đồng của ông Nguyễn Cao Trí cho SCB để khắc phục. Bị cáo đồng ý ủy quyền toàn bộ không hủy ngang các cổ phần của bị cáo, gia đình, bạn bè cho Ngân hàng Nhà nước để tiện quản lý SCB, các tài sản phải định giá đúng giá thị trường…”, bà Lan nói.
Tiền Phong