Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh: Chúng tôi đang tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài, giá phát hành thường cao hơn, sẽ có lợi cho tất cả cổ đông
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT và ông Jens Lottner - CEO Techcombank
Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết, hiện Techcombank chốt "room" ngoại ở mức 22%. Điều này cho phép Techcombank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho 1 đối tác chiến lược nữa với tỷ lệ 10%.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Techcombank sáng nay (20/4), cổ đông ngân hàng đã đặt nhiều câu hỏi với ban lãnh đạo ngân hàng về việc chia cổ tức, cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, một cổ đông thắc mắc vì sao Techcombank vẫn duy trì "room" nước ngoài ở mức 22% mà không tăng lên tối đa 30% như nhiều ngân hàng khác, chẳng hạn như ACB để nhiều quỹ đầu tư tham gia hơn.
Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết, hiện Techcombank chốt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ("room" ngoại) ở mức 22%. Điều này cho phép Techcombank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho 1 đối tác chiến lược nữa với tỷ lệ 10%. "Chúng tôi đang xem xét tìm đối tác chiến lược, giá phát hành cổ phiếu cũng sẽ cao hơn, điều đó mang lại lợi ích chung cho tất cả cổ đông của Techcombank. Như vậy, đây là lợi thế của ngân hàng", ông Hùng Anh nói. Chủ tịch Techcombank lấy ví dụ, năm ngoái VPBank cũng đã thành công trong việc phát hành cho cổ đông chiến lược SMBC giúp họ có thêm nguồn lực tài chính, Techcombank cũng đang nghiên cứu cơ hội như vậy.
Năm 2024, Techcombank có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu. Ông Hùng Anh cho biết, sau 10 năm không chia cổ tức tiền mặt, đây là năm đầu tiên Techcombank trở lại với hình thức chia thưởng này. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100%. "Sau 10 năm, đặc biệt là 3 năm gần đây chúng ta luôn có lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ USD/năm. Nhờ đó, Techcombank có vốn chủ sở hữu trên 130.000 tỷ đồng, cho phép chúng ta chia cổ tức tiền mặt mà vẫn đảm bảo an toàn".
Đối với kế hoạch chia cổ tức của Techcombank, một cổ đông bày tỏ thắc mắc vì sao Techcombank thường chia cổ tức trong một lần với tỷ lệ rất cao, như năm nay là 100% vì điều này sẽ khiến giá bị pha loãng mạnh, ảnh hưởng giá cổ phiếu. Trong khi đó, những ngân hàng khác thường sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu đều đặn hàng năm với tỷ lệ thấp hơn để giá cổ phiếu không bị pha loãng nhiều.
Trả lời câu hỏi này, ông Jens Lottner, CEO Techcombank cho biết, thực tế việc thưởng cổ phiếu cho cổ đông không ảnh hưởng tới vốn chủ sở hữu, chỉ là chuyển dịch từ phần này sang phần kia. Về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu có thể ảnh hưởng giá cổ phiếu bị pha loãng, khiến giá giảm đôi chút nhưng đây cũng có thể là cơ hội cho nhà đầu tư khác mua vào cổ phiếu TCB với giá phù hợp. Ông cho rằng, nếu Techcombank là ngân hàng tốt và hoạt động hiệu quả, thị trường đánh giá đó là cổ phiếu tốt thì giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng trở lại. Quan trọng là đánh giá về giá trị của doanh nghiệp.
Cũng tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh tiết lộ, hiện việc kinh doanh của ngân hàng vẫn đang theo đúng kế hoạch, lợi nhuận quý 1 rất tốt và vượt kế hoạch đưa ra. Nói về kế hoạch lợi nhuận 27.100 tỷ đồng trong năm 2024, ông cho biết ngân hàng đưa ra kế hoạch thận trọng phù hợp với thị trường nhưng cũng tự tin sẽ đạt và vượt kế hoạch.
An ninh Tiền tệ
Sự kiện: Vận hội mới
Xem tất cả >>- Triển vọng khả quan nửa cuối năm 2024, ngân hàng nào sẽ dẫn dắt xu thế tăng trưởng?
- Ngân hàng vững, bền cổ đông
- Bí mật ít người biết về câu chuyện "Sinh lời tự động" tại Techcombank
- Ba cái “nhất” trong Quý 1/2024, tạo đà bứt phá cho Techcombank
- AI bùng nổ: "Chìa khóa vàng" mở ra 3 chiến lược đột phá cho ngành ngân hàng 2024