MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân mạng Trung Quốc phẫn nộ vì các công ty Big Tech gọi việc 'sa thải' là 'tốt nghiệp'

30-03-2022 - 10:16 AM | Tài chính quốc tế

Dân mạng Trung Quốc phẫn nộ vì các công ty Big Tech gọi việc 'sa thải' là 'tốt nghiệp'

Bạn sẽ nghĩ sao nếu nhận được quyết định sa thải với thông điệp: "Chúc mừng, bạn đã tốt nghiệp".

Cộng đồng mạng Trung Quốc đang dấy lên những tranh cãi khi thông báo sa thải của một số công ty công nghệ Trung Quốc đã thay thế cụm từ "Xin lỗi, bạn đã bị chấm dứt hợp đồng" bằng "Chúc mừng, bạn đã tốt nghiệp".

Mặc dù về thông lệ, các công ty lớn ở nước này thường mô tả việc phải sa thải nhân sự là để "tối ưu hóa" kinh doanh, tuy nhiên việc sử dụng thuật ngữ "tốt nghiệp" trong phiếu hồng (các thông báo sa thải thường có màu hồng) do một số nhân viên đăng tải trên mạng xã hội mới đây đã gây phẫn nộ. Cuộc tranh cãi đã nổ ra vào thời điểm ngành công nghệ đang liên tục cắt giảm việc làm trên diện rộng.

Chia sẻ từ một nhân viên bị sa thải bởi Jingdong (đơn vị sở hữu trang web thương mại điện tử JDcom) cho thấy lá thư có nội dung "Chúc mừng bạn đã tốt nghiệp thành công" và cung cấp thông tin chi tiết về cách xử lý các vấn đề an sinh xã hội, hồ sơ việc làm và các vấn đề nhân sự khác. Còn lá thư sa thải của Bilibili có tiêu đề "Ngày tốt nghiệp", và cung cấp hướng dẫn về các vấn đề nhân sự tương tự.

 Dân mạng Trung Quốc phẫn nộ vì các công ty Big Tech gọi việc sa thải là tốt nghiệp  - Ảnh 1.

Thư sa thải từ Jingdong và Bilibili gửi cho nhân viên.

Tính xác thực của các bức thư đã được xác nhận bởi cả các nhân viên hiện tại và nhân viên cũ của công ty. Nhưng họ cho biết các cụm từ này là nội dung mặc định áp dụng cho tất cả những người đã rời đi, bao gồm cả những người tự nguyện từ chức.

Việc coi đồng nghiệp làm việc là "bạn cùng trường" là một phần của văn hóa công ty tại nhiều tập đoàn công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng TikTok. Điều này về lý thuyết nhằm tạo ra một hình ảnh tổ chức với ít sự xa cách giữa các cấp quản lý và nhân viên.

Jingdong và Bilibili đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

 Dân mạng Trung Quốc phẫn nộ vì các công ty Big Tech gọi việc sa thải là tốt nghiệp  - Ảnh 2.

Một công nhân chuẩn bị một gói hàng để giao tại trung tâm phân phối của Jingdong. Ảnh: AFP

Việc sa thải tại Jingdong chủ yếu thuộc về công ty con Jingxi, dự kiến sẽ sa thải 10 đến 15% nhân viên của mình, tương đương với khoảng 400 đến 600 người. Một đơn vị kinh doanh khác phụ trách bán sách, sản phẩm cho thú cưng và thương mại điện tử xuyên biên giới trên trang chính của công ty cũng đã lên kế hoạch cắt giảm nhân viên từ 15 đến 20%.

Còn việc sa thải của Bilibili bắt đầu từ cuối năm ngoái và chủ yếu thuộc về mảng kinh doanh trò chơi, nơi có gần 20% nhân viên bị sa thải.

Năm 2021, Jingdong báo cáo lợi nhuận hoạt động là 600 triệu USD, giảm 66,7% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù doanh thu ròng tăng 27,6%. Còn khoản lỗ ròng của Bilibili đã tăng hơn gấp đôi lên 6,8 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái. Còn tổng doanh thu ròng tăng 62%, nhưng doanh thu từ mảng trò chơi di động chỉ tăng 6%.

 Dân mạng Trung Quốc phẫn nộ vì các công ty Big Tech gọi việc sa thải là tốt nghiệp  - Ảnh 3.

Logo Bilibili được nhìn thấy tại Hội nghị và Triển lãm Giải trí Kỹ thuật số Trung Quốc ở Thượng Hải, ngày 30 tháng 7 năm 2021. Ảnh: Reuters

Một số người dùng mạng xã hội đã tức giận khi các công ty này sử dụng thuật ngữ "tốt nghiệp". Một người dùng Weibo có tên Shuaishixiong đã mỉa mai rằng Jingdong "quá nhân từ" vì đã trả tiền cho nhân viên nhưng "không yêu cầu họ đóng học phí". Một người dùng khác có tên Maoxiaogun đã hỏi tại sao việc một nhân viên bị sa thải lại là điều nên chúc mừng.

Tuy nhiên, cũng có những người chấp nhận thuật ngữ này. Một người dùng Weibo nói rằng tất cả những người rời khỏi Jingdong đều được gọi là "tốt nghiệp", bất kể họ bị sa thải hay từ chức. "Kinh nghiệm làm việc mà một người nhận được trước khi nghỉ việc không được tính là sự phát triển bản thân sao?", người này hỏi.

Trên thực tế, việc dùng khái niệm tốt nghiệp để ám chỉ việc sa thải không chỉ giới hạn trong ngành công nghệ của Trung Quốc. Ngay từ năm 2016, một bài báo trên tờ The New York Times đã đề cập đến một nhà phát triển phần mềm tại Mỹ đã sử dụng thuật ngữ tương tự khi sa thải nhân viên.

Chính quyền Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch kéo dài hơn một năm nhằm chỉnh đốn lại lĩnh vực công nghệ. Tất cả các chính sách kiểm soát đều được thực hiện với danh nghĩa nhằm "kiềm chế sự mở rộng vốn bất hợp lý".

Điều này đã gây ra một tổn thất nặng nề cho các tập đoàn lớn và hiện đang phủ bóng đen lên thị trường việc làm. Hai công ty công nghệ lớn nhất của đất nước, Alibaba với hơn 1/4 triệu nhân viên và Tencent với 107.000 nhân viên, được cho là đang trong quá trình cắt giảm hàng nghìn việc làm.

https://cafebiz.vn/chu-tich-thao-tung-chung-khoan-va-cai-ket-thai-tu-samsung-doi-mat-an-tu-giam-1-sai-lam-khien-ca-de-che-lao-dao-20220329210812254.chn

Theo Phương Linh

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên