MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch TP.HCM kêu gọi mua trái phiếu đóng góp làm Metro

Chủ tịch TP.HCM kêu gọi người dân tham gia mua trái phiếu để đóng góp vào việc xây dựng tuyến Metro, trong bối cảnh thành phố đang đối mặt với những thách thức.

Ngày 3/10, phiên làm việc thứ 3 của Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP.HCM lần thứ 12, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra phiên đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Tại đại hội, ông Mãi đã giới thiệu đến các đại biểu đề án hệ thống đường sắt đô thị. Đến năm 2035, TP.HCM phải cơ bản hoàn thành 183km đường sắt đô thị và cần 36 tỷ USD để thực hiện.

Theo ông Mãi, TP.HCM sẽ phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án đường sắt đô thị, kêu gọi người dân tham gia mua và đóng góp kinh phí. Cơ quan chức năng sẽ tính toán kỹ lưỡng việc khai thác quỹ đất dọc các tuyến Metro, đồng thời tận dụng tác động tích cực của dự án lên kinh tế và xã hội. Qua đó, thành phố sẽ có nguồn kinh phí bền vững để mang lại lợi ích cho người dân.

Chủ tịch TP.HCM kêu gọi mua trái phiếu đóng góp làm Metro- Ảnh 1.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM.

" Bà con gửi tiền vào ngân hàng, hằng tháng có thể lãi suất cao hơn nhưng mua trái phiếu là cùng đóng góp xây dựng thành phố. Bà con mua trái phiếu đóng góp kinh phí để TP.HCM triển khai" , ông Mãi nói và cho rằng TP.HCM tính toán hiệu quả bằng việc khai thác quỹ đất cộng với các tác động của kinh phí xã hội rất tốt về sau để trả lại lợi ích cho người dân.

Báo cáo tại đại hội, ông Mãi cho biết, TP.HCM đã đề ra 22 chỉ tiêu, trong đó 14 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt, bao gồm tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng số bác sĩ, giường bệnh và phòng học, cùng các chỉ tiêu về nước sạch và tỷ lệ tái chế rác thải.

Tuy nhiên, 3 chỉ tiêu chính là tăng trưởng GRDP, tổng vốn đầu tư xã hội và năng suất lao động xã hội dự kiến không đạt, chủ yếu do tác động của COVID-19 và những hạn chế về hạ tầng, thể chế.

Để khắc phục, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thúc đẩy đầu tư công và giải quyết các khó khăn. Thành phố cũng triển khai quy hoạch tổng thể cho TP.HCM và TP Thủ Đức, đồng thời chuẩn bị trình Quốc hội các đề án quan trọng như tuyến metro, đường Vành đai 4 và trung tâm tài chính quốc tế.

Giai đoạn 2026 - 2030, TP.HCM sẽ tập trung vào ba mục tiêu lớn: trở thành TP toàn cầu, có vị thế trong khu vực và phát triển bền vững, với trọng tâm là kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Tỷ trọng khu vực dịch vụ sẽ chiếm trên 60% GRDP, công nghiệp - xây dựng khoảng 27%, còn nông nghiệp dưới 0,5%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 dự kiến đạt 12.300 - 12.700 USD.

Sau năm 2030, TP sẽ phát triển đô thị đa trung tâm, bao gồm các khu vực đô thị vệ tinh và khu đô thị biển Cần Giờ, nhằm xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật hiện đại. Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm hoàn thiện thể chế, phát triển đô thị thông minh và nâng cao vai trò trên mạng lưới đô thị khu vực.

Theo Hoàng Thọ/VTC News

VTC

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên