Chủ tịch Trần Mạnh Hùng nói gì khi VNPT về siêu Ủy ban?
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho rằng, khi chuyển về Ủy ban quản lý để có sự chuyên biệt nên các doanh nghiệp có những thuận lợi vì Ủy ban sẽ tập trung theo dõi phát triển các doanh nghiệp còn Bộ chuyên ngành sẽ tập trung làm chính sách.
- 12-11-2018Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng "tiễn" VNPT, MobiFone về "nhà chồng"
- 12-11-2018Chiều nay sẽ bàn giao VNPT, MobiFone sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
- 26-10-2018Chuẩn bị việc chuyển giao VNPT và Mobifone về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Nhận định về việc VNPT và các doanh nghiệp chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho rằng, khi về tách phần quản lý nhà nước chuyên nghành để chuyển về Ủy ban quản lý sẽ có sự chuyên biệt nên các doanh nghiệp sẽ có những thuận lợi vì Ủy ban sẽ tập trung theo dõi phát triển các doanh nghiệp.
Trách nhiệm của Ủy ban là thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của Ủy ban và ngược lại. Khi các doanh nghiệp ở các bộ quản lý chuyên ngành thì vai trò quản lý chịu trách nhiệm về sự phát triển của doanh nghiệp của các bộ chưa được rõ nét bởi các bộ quản lý nhà nước sẽ quản lý nhiều lĩnh vực và nhiều doanh nghiệp, nên thường là các chủ tịch hội đồng thành viên chịu trách nhiệm về điều đó.
Nhưng khi các doanh nghiệp chuyển về Bộ quản lý nhà nước thường quản lý nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp thì Ủy ban này sẽ phải đánh giá chặt chẽ vốn, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng ra sao. Khi đó, các bộ quản lý nhà nước sẽ chỉ tập trung làm chính sách phát triển thị trường, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Hùng cho rằng, khi chuyển các doanh nghiệp sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng sẽ nảy sinh vấn đề là cần sự phối hợp giữa Ủy ban và các bộ, ngành để đảm bảo thị trường phát triển theo đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo. Nếu trên tinh thần đó thì các doanh nghiệp sẽ không phải băn khoăn gì, nhưng chỉ e những văn bản quản lý chưa được sửa đổi sẽ ảnh hưởng đến vận hành của các doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của ICTnews về vấn đề tăng trưởng của các doanh nghiệp viễn thông trong đó có VNPT đang phải chịu áp lực về suy thoái từ dịch vụ viễn thông truyền thống liệu có ảnh hưởng đến yếu tố tăng trưởng của doanh nghiệp, trong khi đó yêu cầu quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng và hiệu quả nên phải xử lý vấn đề này ra sao? Ông Trần Mạnh Hùng cho rằng, VNPT đã chuyển chiến lược sang VNPT 4.0, đây là thị trường rất lớn cho VNPT phát triển bên cạnh mảng dịch vụ viễn thông truyền thông vẫn tăng trưởng đều.
VNPT đã đầu tư hạ tầng viễn thông tốt và đây là nền tảng cho các dịch vụ CNTT phát triển trong thời gian tới. Việc chiến lược phát triển của các doanh nghiệp cũng là trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm sao hoạch định chiến lược phát triển của các doanh nghiệp mà mình quản lý đi đúng xu hướng 4.0 và chuyển đổi số đang rất mạnh mẽ. Hiện VNPT cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược VNPT 4.0. Các chiến lược này cũng sẽ được cập nhật các mục tiêu cho phù hợp với từng thời kỳ. Đây sẽ là chiến lược mà VNPT sẽ nhắm đến trong thời gian tới. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng sẽ tạo ra các nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp đi theo xu hướng đó.
Trước đó, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho rằng, việc sáp nhập về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là thuận lợi lớn để VNPT trao đổi và học hỏi kinh nghiệm quản trị từ 18 Tập đoàn, Tổng công ty khác. Vì khi các Tập đoàn, Tổng công ty về chung một Ủy ban thì những khó khăn, vướng mắc sẽ được hỗ trợ giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là tổ chức chuyên về giám sát và bảo tồn hoạt động vốn tại doanh nghiệp nên tính chuyên nghiệp sẽ rất cao, vì vậy việc áp dụng các cơ chế, thể chế quản lý nhà nước về doanh nghiệp sẽ thực tế hơn.
Như vậy, khi sáp nhập về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, VNPT cũng như các tổ chức khác sẽ được hỗ trợ tối đa để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, quy trình duyệt và thẩm định các dự án đầu tư cũng nhanh chóng hơn, nắm bắt cơ hội phát triển tốt hơn. Lãnh đạo VNPT cũng kỳ vọng, là thành viên của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, VNPT sẽ ngày càng rút ngắn được thời gian đưa ra thị trường những sản phẩm mới, rút ngắn được quá trình đầu tư công nghệ mới để thực hiện thắng lợi chiến lược VNPT 4.0 trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác. Như vậy, kể từ đầu tháng 10/2018, Ủy ban sẽ trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 7 Tập đoàn và 12 Tổng công ty nhà nước với số vốn lên đến trên 1 triệu tỷ đồng và tổng giá trị tài sản lên đến khoảng 2,3 triệu tỷ đồng. Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định.
ICT News