Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sắp thăm chính thức Việt Nam
Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Uỷ ban Quốc vụ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam trong những ngày sắp tới.
- 23-02-2019Hà Nội siết chặt an ninh, xuất hiện xe bọc thép của CSCĐ trước thượng đỉnh Mỹ - Triều
- 22-02-2019Video: Đường phố Hà Nội được chỉnh trang trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
- 22-02-2019Cựu Thứ trưởng Ngoại giao "giải mã" việc chọn Việt Nam tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều
- 20-02-2019Hà Nội tất bật chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ - Triều
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Uỷ ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam trong những ngày sắp tới.
Thông tin trên được Bộ Ngoại giao Việt Nam phát đi vào trưa ngày hôm nay 23-2.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Việt Nam trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội vào ngày 27 và 28-2 sắp tới.
Chủ tịch Kim Jong-un (Kim Châng Ưn) là Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên (từ tháng 5-2016), Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (từ tháng 4-2012), Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ (từ tháng 6-2016), Chủ tịch Quân ủy Trung ương (từ tháng 4-2012), Nguyên soái (từ tháng 7-2012), Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Triều Tiên (từ tháng 12-2011); là con trai thứ 3 của Chủ tịch Kim Châng In (Kim Jong-il), cháu của Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung).
QUAN HỆ VIỆT NAM - TRIỀU TIÊN
1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 31-1-1950
2. Khuôn khổ quan hệ: Quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
3. Giao lưu trao đổi đoàn:
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai bên đã trao đổi hơn 50 đoàn cấp cao (từ Bộ trưởng trở lên).
Các đoàn ta thăm Triều Tiên có: Chủ tịch Hồ Chí Minh (8 đến 12-7-1957), Thủ tướng Phạm Văn Đồng (6-1961), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (9-1988), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (5-1997), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Di Niên (8-2000), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (16 đến 18-10-2007), Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh (10-2008), Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân (10-2011); Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm (9-2012), Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng (7-2013), Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (7-2015); Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (9-2015); Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết (10-2015)...
Các đoàn Triều Tiên thăm ta có: Thủ tướng Kim Nhật Thành (27-11 đến 3-12-1958), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Kim Yong Nam (1-1992), Phó Thủ tướng Công Chin The (4-1997), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pec Nam Sun (3-2000), Chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao Chuê The Bốc sang dự Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam (4-2001), Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam (7-2001, 8-2012), Bộ trưởng Ngoại giao Ri Su Yông (8-2014); Bộ trưởng Kinh tế Đối Ngoại Triều Tiên (10-2015), Bộ trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang Triều Tiên (11-2015), Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Chuê The Bốc thăm Việt Nam (6-2016).
4. Các cơ chế hợp tác quan trọng:
Trao đổi chính sách luân phiên cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Triều Tiên; Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Triều Tiên.
5. Các hiệp định hai nước đã ký kết:
Hai nước đã ký nhiều Hiệp định quan trọng như: Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ (1-10-1956), Hiệp định hợp tác văn hóa (11-1957), hiệp định hợp tác Khoa học kỹ thuật (10-1958), Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và CHDCND Triều Tiên (1961), Hiệp định thương mại và hàng hải (12-1962), Hiệp định hỗ tương y tế (12-1966), Hiệp định hợp tác vận tải hàng không dân dụng (1-1997), Hiệp định vận tải biển (3-6-2002), Hiệp định thương mại (3-5-2002), hiệp định tương trợ tư pháp (3-5-2002), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (3-5-2002), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (3-5-2002).
6. Hợp tác về kinh tế:
- Về thương mại: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên năm 2010 đạt trên 16 triệu USD, năm 2011: 10 triệu USD, năm 2012: 15 triệu USD, năm 2013 đạt khoảng 12,4 triệu USD; kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2014 đạt 8 triệu USD, năm 2015 đạt 11,6 triệu USD (trong đó xuất khẩu sang Triều Tiên: 6,13 triệu USD, nhập khẩu từ Triều Tiên: 5,47 triệu USD), năm 2016 đạt 2,99 triệu USD (toàn bộ là kim ngạch xuất khẩu của ta sang Triều Tiên). Theo thống kê sơ bộ, năm 2017 ta xuất siêu sang Triều Tiên 7,322 triệu USD (chủ yếu là thực phẩm, bánh kẹo) và không có số liệu nhập khẩu từ Triều Tiên. Do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, giao dịch thương mại giữa hai nước chủ yếu được thực hiện thông qua trung gian (Trung Quốc), quy mô giao dịch nhỏ, không ổn định.
- Về hợp tác liên doanh: Giữa năm 1993 khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy ươm tơ tằm (vốn khoảng 3,5 triệu USD) ở Hải Dương, với nguyên liệu do ta cung cấp và máy móc (nhập từ Nhật) do phía Triều Tiên cung cấp. Năm 1994, phía Việt Nam rút khỏi liên doanh, chỉ còn phía Triều Tiên kinh doanh độc lập. Năm 2001 Triều Tiên đã bán Nhà máy cho phía Việt Nam. Việt Nam không có dự án đầu tư tại Triều Tiên.
- Về viện trợ của Việt Nam cho Triều Tiên: Năm 1995: 100 tấn gạo, năm 1997: 13000 tấn gạo, năm 2000: 1000 tấn gạo, năm 2001: 5000 tấn gạo, năm 2002: 5000 tấn gạo, năm 2005: 1000 tấn gạo và 5 tấn cao su nguyên liệu, năm 2007: 50.000 USD (viện trợ khẩn cấp) và 2000 tấn gạo, năm 2009: 3000 tấn gạo, năm 2010: 500 tấn, năm 2011: 200 tấn và năm 2012: 5000 tấn.
7. Hợp tác văn hóa, giáo dục: Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước Triều Tiên đã giúp ta đào tạo hàng trăm sinh viên. Ủy ban Giáo dục Triều Tiên và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang thúc đẩy ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Từ 2013, 2 năm 1 lần, Bộ Văn hóa của Việt Nam đều cử đoàn nghệ thuật sang Triều Tiên dự Liên hoan nghệ thuật mùa xuân tháng 4 tổ chức tại Bình Nhưỡng.
Người lao động