MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang thông điệp đặc biệt đến châu Âu

01-05-2024 - 18:16 PM | Tài chính quốc tế

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên sau 5 năm với một thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh mang lại nhiều cơ hội kinh tế cho EU hơn Mỹ.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tới Pháp, Serbia và Hungary vào ngày 5-5. 

Những quốc gia này đang tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc bất chấp hàng loạt cuộc điều tra của EU về chính sách công nghiệp của Bắc Kinh và cảnh báo từ các quan chức ở Washington về những rủi ro.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Theo những nguồn thạo tin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn tăng cường mối quan hệ cá nhân với ông Tập, trong bối cảnh ông kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Họ cho biết ông Macron cũng đặt mục tiêu thu hút đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực pin xe điện (EV) của Pháp.

Theo hãng tin Bloomberg, PGS về khoa học chính trị Chong Ja Ian tại Trường ĐH Quốc gia Singapore nhận định chuyến thăm là nỗ lực nhằm thu hút các khu vực ở châu Âu mà ông Tập cảm thấy có thể đồng cảm hơn với quan điểm của ông.

Ông Macron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng sẽ có cuộc gặp 3 bên với ông Tập trong chuyến thăm của ông.

Chuyến đi của ông Tập diễn ra trong bối cảnh EU đang dần có được tiếng nói thống nhất hơn với Washington về việc phản đối năng lực xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc và những rủi ro về an ninh quốc gia. 

Bà Una Aleksandra Berzina-Cerenkova, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Trường ĐH Riga Stradins, nhận định việc thu hút sự ủng hộ từ các quốc gia thân thiện sẽ giúp Bắc Kinh gửi đi thông điệp rằng châu Âu đứng về phía Trung Quốc, bất kể Brussels nói gì.

Khi ông Tập đến thăm Tây Âu lần cuối vào năm 2019, khi nền kinh tế của Trung Quốc và khu vực đồng Euro có quy mô gần như nhau tính theo USD. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn gần 15% và khoảng cách đó được dự báo sẽ tăng gấp đôi trước cuối thập kỷ này.

Cựu nhà ngoại giao Cui Hongjian, giáo sư tại Trường ĐH Ngoại ngữ Bắc Kinh, cho biết: "Trung Quốc cần đưa ra một thông điệp rõ ràng hơn cho người dân châu Âu rằng họ vẫn là một đối tác đáng tin cậy. Tóm lại là cung cấp các chính sách thuận lợi hơn cho các nước và công ty châu Âu".

Theo Xuân Mai

Người Lao Động

Trở lên trên