MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VCCI: Kinh doanh thời 4.0 nhưng quản lý vẫn thủ công

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, chúng ta vẫn dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới. Kinh doanh thông minh nhưng quản lý nhà nước vẫn thủ công. Còn tình trạng khập khiễng trong tư duy quản lý của các bộ ngành.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần tiếp tục dùng “máy xén” để cắt bỏ nhiều rào cản, điều kiện kinh doanh (ĐKKD), tạo môi trường tốt hơn cho DN hoạt động, tránh những tình trạng quy định chồng chéo, khiến địa phương, DN “chết đứng như Từ Hải”.

Theo ông Lộc, 2018 được coi là năm của cải cách thể chế, khi Chính phủ, các bộ, ngành nỗ lực cắt giảm các ĐKKD và thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành. Bởi, đây là hai điểm nghẽn lớn nhất đối với việc gia nhập thị trường và lưu thông thương mại qua biên giới và cũng là hai rào cản phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập.

“Có tới 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được đơn giản hóa hoặc dỡ bỏ, giúp DN giải phóng khỏi hàng ngàn các thủ tục và chi phí không cần thiết, góp phần thúc đẩy hoạt động của DN, mang lại niềm tin cho giới kinh doanh”- ông Lộc nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng” đó, ông Lộc cũng “lột tả” một bức tranh về pháp luật kinh doanh 2018 với nhiều điểm mờ, cải cách ở nhiều lĩnh vực vẫn còn chậm và chưa thực chất. Chủ tịch VCCI cho rằng, chúng ta vẫn dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới. Kinh doanh thông minh nhưng quản lý nhà nước vẫn thủ công. Còn tình trạng khập khiễng trong tư duy quản lý của các bộ ngành.

“Chẳng hạn, dù đã cắt giảm trên 50% ĐKKD, nhưng vẫn thấy không ít tính hình thức, đối phó. Có nhiều đề xuất chỉ mang tính sửa sang câu chữ, nhiều ĐKKD vướng nhưng vẫn chưa được xem xét, bãi bỏ… Hay trong những văn bản ban hành năm 2018, vẫn còn quy định về thủ tục hành chính bất cập, không có tính cải cách’’, ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng cho biết, các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân vẫn thiên về các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ mà “ngập ngừng” trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi về thể chế.

Cụ thể, đó là quyền tài sản đối với đất đai, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống gian lận, hàng giả hàng nhái, bảo đảm thực thi hợp đồng, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý và tôn trọng quyền tự quyết của DN. “Đích đến của một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi vẫn còn xa”- ông Lộc chia sẻ.

Chủ tịch VCCI cho rằng, sự chồng chéo thiếu nhất quán của hệ thống pháp luật nhiều khi đã đẩy người dân và doanh nghiệp vào tình thế khó. “Tình trạng mỗi bộ, ngành một luật. Theo luật của bà bộ trưởng này thì đúng, còn theo luật của ông bộ trưởng khác thì sai. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhiều khi phải “chết đứng như Từ Hải”- ông Lộc nói ví von.

Cũng theo ông Lộc, các rào cản về môi trường kinh doanh phi lý cần tiếp tục được dỡ bỏ, theo cách “dùng máy xén để cắt”. Sắp tới, VCCI sẽ khởi động lại chỉ số Mei- bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ, ngành qua góc nhìn người dân, DN.

Theo Nam Khánh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên