MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VCCI: Phát triển bền vững không phải là 'phú quý sinh lễ nghĩa', mà là điều quyết định sống còn!

Chủ tịch VCCI: Phát triển bền vững không phải là 'phú quý sinh lễ nghĩa', mà là điều quyết định sống còn!

Ngày 10/12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam 2020 với chủ đề: "Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội" do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức.

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ có thể 'tự lớn'

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, đây là giai đoạn thế giới đang trở nên mong manh hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ trước yêu cầu của sự phát triển bền vững.

Ông Lộc cho biết, Việt Nam đã hoàn thành một số chỉ tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, xếp thứ hạng cao về phát triển bền vững trong khu vực, chỉ đứng sau Thái Lan. "Mặc dù chúng ta còn khoảng cách khá xa so với thế giới về công nghệ, quản trị, vốn liếng, nhưng chúng ta có thể đi đầu, tiên phong trong những nỗ lực đề cao trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đối với quá trình phát triển", Chủ tịch VCCI khẳng định.

Chủ tịch Vũ Tiến Lộc cho hay VCCI sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số về phát triển bền vững nhằm phù hợp với các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là có thể hướng tới áp dụng trong cả khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Ông Lộc nói thêm: "Không thể coi phát triển bền vững chỉ là việc của các doanh nghiệp lớn. Phát triển bền vững không phải là 'phú quý sinh lễ nghĩa', phát triển bền vững phải là điều quyết định sống còn đối với mọi doanh nghiệp ở mọi quy mô".

"Doanh nghiệp nào áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững sẽ đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn, đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người lao động. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, có đến 60% doanh nghiệp cho biết họ đã làm tốt hơn khi thực hiện bộ chỉ số về phát triển bền vững", ông Lộc nhận định.

Liên quan đến vấn đề về chính sách, ông Lộc cho rằng Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần có biện pháp thúc đẩy hộ kinh doanh, có khung pháp lý và chính sách, không để hộ kinh doanh ở ngoài phạm vi áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ của đất nước.

Bên cạnh việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ có thể "tự lớn" và phát triển bền vững, đại diện VCCI đề xuất Chính phủ có chính sách khuyến khích và từng bước thể chế hóa yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp có quy mô lớn.

Cần tích hợp chiến lược phát triển bền vững vào chiến lược chung của doanh nghiệp

Về phía các doanh nghiệp, ông Lộc chỉ ra các hiệp hội doanh nghiệp, cùng các bộ, ban, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững và xây dựng báo cáo phát triển bền vững, tiến tới xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực.

"Đồng thời, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về phát triển bền vững như một vấn đề chiến lược và quản trị nền tảng, áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững một các phổ cập, tiến tới xây dựng được báo cáo bền vững. Đây là hướng đi rất quan trọng đối với các doanh nghiệp", ông Lộc phát biểu.

Cuối cùng, Chủ tịch VCCI kết luận: "Đã đến lúc các doanh nghiệp cần quan tâm, bố trí ngân sách, nhân sự cho công tác quản trị rủi ro, phát triển bền vững, lồng ghép được các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào chương trình sản xuất kinh doanh, tích hợp chiến lược phát triển bền vững vào chiến lược của doanh nghiệp. Chúng ta không thể có chiến lược phát triển trong bối cảnh mới nếu thiếu đi nội hàm phát triển bền vững trong chiến lược này".

Hà Trần

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên