Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - người trả lại tên cho cộng đồng doanh nhân Việt
“Ông là Thủ tướng đã chính danh tên gọi doanh nhân Việt Nam ở đất nước này”- tôi vẫn thường khẳng định về cố Thủ tướng Phan Văn Khải như vậy, nhất là mỗi năm lại đến dịp tôn vinh doanh nhân Việt Na...
- 22-05-2017Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Có thể chúng ta không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, nhưng đó sẽ là một bước đệm tốt
- 02-12-2016Ông Vũ Tiến Lộc: Tái cơ cấu DNNN chậm và không thực chất, chỉ 2% số vốn NN được thoái
- 28-07-2016Ông Vũ Tiến Lộc: "Làm thế nào để hàng triệu công chức hành động như Thủ tướng là thách thức lớn"
Năm 2004, sau 4 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999 cùng với tinh thần người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh. Mọi người bắt đầu nghĩ tới một cộng đồng, một lực lượng mới trong nền kinh tế.
Trong ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên năm 2004, TS Vũ Tiến Lộc đã trao tặng Thủ tướng Phan Văn Khải Cúp Thánh Gióng – Cúp doanh nhân tiêu biểu Việt Nam đầu tiên, mở đầu cho các hoạt động tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu sau này.
Khẳng định địa vị của doanh nghiệp, doanh nhân
Thời điểm những năm 2004, cho dù doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu ghi những thành công nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng dường như sự thừa nhận của xã hội, đặc biệt của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa công bằng.
Khi đó, tiêu chí thành đạt vẫn là phải là công chức nhà nước hay chí ít là làm cho doanh nghiệp nhà nước. Hình ảnh doanh nghiệp tư nhân vẫn gắn với buôn gian, bán lận. Thậm chí, chúng tôi còn không tìm thấy từ doanh nhân trong từ điển tiếng Việt.
Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tôi lúc đó với cương vị là Chủ tịch VCCI đã đề nghị Thủ tướng về Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Lúc đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã rất đồng tình. Chính vì vậy, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”.
Việc Thủ tướng Chính phủ quyết đinh lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc – đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã nói rất rõ từng chữ: “Kể từ ngày hôm nay lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày doanh nhân Việt Nam”. Bắt đầu từ ngày này, lực lượng doanh nhân Việt Nam chính thức được gọi tên.
Khi đó, cả hội trường vỡ òa cảm xúc, có những doanh nhân đã không kìm được nước mắt.Nhiều doanh nhân đã nói với tôi: thời khắc đó thực sự là thời khắc trọng đại trong đời "làm kinh doanh". Bởi doanh nhân đã thực sự có địa vị pháp lý "sòng phẳng" và doanh nhân có quyền tự hào về nghề của mình, ngày của mình.
Chúng tôi vẫn nói Thủ tướng Phan Văn Khải đã không chỉ tạo ra khung khổ pháp lý, tạo ra môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động, phát triển, bước chân ra thế giới mà còn trả lại tên cho khu vực doanh nhân tư nhân Việt Nam.
Thủ tướng Phan Văn Khải tặng Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc bức tranh Bác Hồ với giới Công Thương Hà Nội nhân dịp công bố "Ngày Doanh nhân Việt Nam" năm 2004.
Chúng tôi đã làm đúng như lời ông mong muốn, đó là phải tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, ghi nhận những doanh nhân đã đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Hoạt động tôn vinh doanh nhân tiêu biểu đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Kể từ đó, khu vực tư nhân Việt Nam đã thực sự được đặt vào đường ray phát triển mới và hiện tại đã trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Và tạo hành lang pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân
Còn nhớ, vào thời điểm Thủ tướng Phan Văn Khải bắt đầu nhiệm kỳ, năm 1997, cho dù Việt Nam đã có Luật Công ty 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1992, nhưng số doanh nghiệp được thành lập còn rất thấp.
Đến hết tháng 12/1996, số doanh nghiệp tư nhân đăng ký theo Luật Doanh nghiệp tư nhân là khoảng 17.000 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký theo Luật Công ty khoảng gần 7.000, gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.
Điều đáng nói là vị thế, hình ảnh của các doanh nghiệp tư nhân khi đó thực sự rất kém. Phần lớn là những người không còn con đường nào khác, buộc phải kinh doanh để kiếm sống.
Nhưng chính vào thời điểm đó, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định gặp gỡ khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Khi đó, tôi là Tổng thư ký VCCI. Chúng tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho những cuộc gặp đầu tiên mà tôi vẫn nhớ có tên là đối thoại và hợp tác.
Trong một cuộc đối thoại, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói: “quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp là quan hệ hợp tác, cộng đồng trách nhiệm trước yêu cầu chung của sự phát triển đất nước; không có hàng rào ngăn cách giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp theo kiểu kẻ trên, người dưới...”.
Tư tưởng này của Thủ tướng đã được xuyên suốt không chỉ trong các cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp thường niên, mà tôi tin là đã góp phần làm nên cuộc cách mạng mang tên Luật Doanh nghiệp – khung khổ pháp lý quan trọng mở cửa cho sự phát triển của cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Thực ra, cơ chế Thủ tướng gặp doanh nghiệp đã được khởi động từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng không thường xuyên. Đến thời Thủ tướng Phan Văn Khải, cuộc gặp Thủ tướng và doanh nghiệp đã trở thành thường niên, được cộng đồng doanh nghiệp tư nhân chờ đợi.
Trong nhiều cuộc gặp, có nhiều doanh nhân đã khóc. Họ khóc vì những khó khăn trong kinh doanh, những rào cản còn vô lý và khóc bởi sự lắng nghe chân tình của người đứng đầu Chính phủ. Khi đó, với tư cách là Tổng thư ký VCCI, tôi thường được giao việc trình bày báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong các cuộc đối thoại với Thủ tướng.
Tôi đã thấy ông lắng nghe rất chăm chú, sau đó hỏi han nhiều. Tôi tin là những khúc mắc của doanh nghiệp trong kinh doanh mà ông đã lắng nghe, đã cảm nhận được trong các cuộc đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp đã góp phần làm nên những quyết sách mang tính cách mạng của Thủ tướng trong sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 1999 những năm sau.
Tôi tin rằng, chính sự sẵn sàng lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp, để thấy yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh doanh của Thủ tướng Phan Văn Khải đã tạo nên một giai đoạn cải cách mạnh mẽ của Chính phủ trong hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý liên quan đến thị trường, hội nhập và đặc biệt là quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Trí thức trẻ