MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Việt Nam cần một hệ sinh thái chuẩn mực để doanh nghiệp tham gia vào những 'sân chơi' lớn

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2020 với chủ đề "Doanh nhân Việt Nam - Tổ quốc gọi tên mình" nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Tại đây, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu, lực lượng doanh nhân Việt Nam thời gian gần đây ngày càng lớn mạnh, phát triển liên tục cả về chất lượng và số lượng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phát triển thành thương hiệu lớn, là bạn hàng uy tín đối với các đối tác quốc tế.

Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nói thêm, trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, khi Việt Nam tham gia vào những 'sân chơi' lớn như EVFTA hay CPTPP, vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng thể hiện rõ nét. Do vậy, cần một hệ sinh thái chuẩn mực, một hệ thống thể chế chuẩn mực cho một thế hệ doanh nhân 'chuẩn hóa', nhằm xây dựng và phát triển một đất nước hùng cường.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Tập đoàn Ðèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng nhận định: "Trong bối cảnh hiện nay, để đủ năng lực cạnh tranh và phát triển, doanh nghiệp cần tham gia đóng góp ý kiến để cùng với Nhà nước tạo ra một môi trường đầu tư phù hợp. Ðồng thời, mở rộng liên doanh, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và trách nhiệm, tạo ra các chuỗi cung ứng giảm thiểu chi phí và tối ưu lực lượng sản xuất, nhận diện các yếu kém, xác định hạn chế để dũng cảm thay đổi, khắc phục".

Từ đó, ông Hoàng cho rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay cần nâng cao năng lực quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách bài bản, có trách nhiệm, phát triển bền vững, trong đó bảo đảm kết hợp với cả mục tiêu lợi nhuận gồm kinh tế, xã hội, môi trường, quan tâm đến cộng đồng.

Việt Nam hiện nay đã có nhiều đơn vị đủ tiềm lực như: Viettel, Vingroup, Vinamilk, FPT, Thaco, TH Group... Những doanh nghiệp này đang ngày một lớn dần về cả về quy mô, năng lực cạnh tranh, sản phẩm dịch vụ, quản trị điều hành, công nghệ. Song, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào lọt top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, mới chỉ có những doanh nghiệp lớn về số lượng như tổng tài sản, lao động, doanh thu, lợi nhuận.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn một số điểm yếu cần khắc phục về quy mô (vừa và nhỏ), công nghệ tương đối lạc hậu, năng suất lao động thấp. Ðây đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hiện nay.

Ông Hoàng kết luận, trong bối cảnh hiện nay, để đủ năng lực cạnh tranh và phát triển, Tập đoàn Đèo Cả sẽ tích cực tham gia đóng góp ý kiến để cùng với Nhà nước tạo ra một môi trường đầu tư phù hợp trong tương lai, với những phản ánh khách quan từ hoạt động thực tiễn. Thêm vào đó, doanh nghiệp sẽ liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và trách nhiệm, tạo ra các chuỗi cung ứng giảm thiểu chi phí và tối ưu lực lượng sản xuất, xác định hạn chế của chính mình để thay đổi, khắc phục.

Với chiến lược 'Tăng trưởng tập trung', triển khai các dự án thân thiện môi trường khi đã làm chủ được công nghệ 'Gặp núi đào hầm, gặp thung lũng bắc cầu', từ nay đến cuối năm, Tập đoàn Đèo Cả đang dốc sức hoàn thành hầm Hải Vân 2 đưa vào vận hành, thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tối ưu lực lượng sản xuất để tham gia các dự án như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại Cao Bằng, hai cầu Cửa Lục tại Quảng Ninh, các dự án cao tốc bắc - nam phía đông.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên