MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VGTA: Cần đẩy nhanh tiến trình huy động vàng trong dân

26-05-2016 - 14:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, chính phủ cần tiếp tục động 500 tấn vàng nhàn rỗi trong dân; mở lại tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất nữ trang vàng; giảm thuế xuất khẩu vàng nữ trang về 0%; lập Sở giao dịch vàng.

Ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, chính sách quản lý thị trường vàng của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được một số thành công, thị trường vàng đi vào ổn định… theo các đề xuất cũng cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề này.

Vì sao VGTA đưa ra các kiến nghị tái huy động vàng trong dân lúc này, thưa ông?

Kiến nghị của VGTA gửi lên Thủ tướng Chính phủ và NHNN lần này: huy động 500 tấn vàng nhàn rỗi trong dân; mở lại tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất nữ vàng trang; giảm thuế xuất khẩu vàng nữ trang về 0%; lập Sở giao dịch vàng. Trong đó, đối với huy động vốn vàng, sau khi ổn định trạng thái vàng của các NHTM cũng như thị trường vàng theo các đề xuất cũng cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân, nhưng lần này không phải để NHTM kinh doanh mà NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về NHNN trung ương, dĩ nhiên sẽ phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của NHNN và NHTM.

Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Lợi ích rõ ràng là huy động được một nguồn lực tài chánh quan trọng trong dân, nhưng tránh được các phức tạp do huy động, kinh doanh của NHTM như trước đây.

Có nghĩa, một nguồn lực vốn vàng rất lớn đang bị lãng phí cần được khơi thông?

Hiện có một vấn đề liên quan đến nguồn vàng trong dân cư mà chúng ta không thể huy động được nguồn lực này phục vụ cho nền kinh tế. Vấn đề này đã được VGTA kiến nghị lên NHNN để được tái huy động vàng trong dân. Đây được xem là nguồn lực lớn còn lãng phí. Bởi thói quen và nhu cầu về vàng của người dân Việt Nam là không thể chối bỏ. Lượng tiêu thụ vàng của người dân luôn tăng, kể cả khi không còn được gửi tiết kiệm bằng vàng.

Thời gian qua, NHNN cũng đang cân nhắc việc có nên cho các ngân hàng tái huy động vốn bằng vàng, song xem ra đến nay chưa có kết quả. Trong khi, con số khoảng 500 tấn vàng mà các tổ chức trên thế giới đưa ra cũng phần nào cho thấy, mãi lực của người dân vẫn Việt Nam về vàng luôn có và thậm chí ở mức cao. Vì tập quán cũng như thói quen của người Việt Nam luôn xem vàng tài tài sản để dành và tích trữ. Từ bao đời nay, vàng là loại tài sản giá trị lớn, có mặt trong rất nhiều gia đình Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung, với quan niệm vàng đem lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống.

Truyền thống cất trữ vàng được củng cố trong nhiều năm chiến tranh và tiếp theo thời bình do những biến động kinh tế, lạm phát, đồng tiền mất giá... Có cầu thì tất phải có cung. Nhưng kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời đã phần nào hạn chế giao dịch vàng miếng trên thị trường.

Các chính sách để phát triển thị trường nữ trang cần sớm được tháo gỡ, thưa ông?

Một khi hạn chế việc kinh doanh vàng miếng cần thiết đẩy mạnh phát triển thị trường trang sức vàng. Bởi nhu cầu về trang sức của người tiêu dùng Việt Nam dần tăng khi cuộc sống ngày càng thay đổi, trong khi đó thị trường trang sức nội địa khó khăn trăm bề khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này khó có thể trụ vững. Còn hàng ngoại nhập vào thị trường khó có thể kiểm soát được chất lượng, nhưng mẫu mã đa dạng đã thu hút không ít người tiêu dùng quan tâm.

Bài toán về chất lượng nữ trang vẫn khiến người mua đau đầu, song xem ra khó có thể kiểm soát hết. Nhưng nguyên nhân sâu xa cũng do xuất phát từ khó khăn của các doanh nghiệp lĩnh vực này đang gặp phải. Cụ thể đó là các chính sách không thuận lợi khi doanh nghiệp nữ trang không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu và ngân hàng không cho vay vốn để kinh doanh vàng. Trong khi, Nghị định 24/2012/NĐ-CP có một nội dung, cho các xí nghiệp sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu nguyên liệu, nhưng đến nay chưa được thực hiện. Trong khi, nếu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng được nhập khẩu vàng nguyên liệu sẽ thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh vàng.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nữ trang vàng hiện cũng không được vay vốn ngân hàng để hoạt động. Do nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt theo Thông tư 33/2011/TT-NHNN. Cụ thể, TCTD không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc NHNN chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua doanh nghiệp nữ trang vẫn chưa được phép vay tiền để mua vàng nguyên liệu. Bên cạnh đó, VGTA cũng mong muốn thuế suất xuất khẩu vàng nữ trang nên giảm xuống bằng 0%. Vì nhiều nước trên thế giới đánh thuế xuất khẩu vàng nữ trang bằng 0%.

Còn việc thành lập Sàn giao dịch vàng Quốc gia đã từng được VGTA kiến nghị?

Ngoài các kiến nghị trên, VGTA cũng có đề nghị Bộ Tài chính và NHNN cho thành lập Tổ công tác nghiên cứu xây dựng đề án huy động vàng trong dân và thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia. Tổ này bao gồm cả cán bộ quản lý Nhà nước và các chuyên gia kinh tế am hiểu và có kinh nghiệm về lĩnh vực đầu tư và kinh doanh vàng, kể cả mời các chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, mục đích trong kiến nghị của Hiệp hội cũng muốn thành lập Sàn giao dịch vàng Quốc gia để thông qua đó huy động vốn vàng trong dân, khai thác nguồn lực vốn lớn phục vụ cho nên kinh tế, thay vì có sàn giao dịch vàng để mọi người, nhà đầu tư tham gia đầu tư, cơ kinh doanh vàng như trước đây.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thùy Chi

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên