Chủ tịch VietinBank: Các ngân hàng đang rất nỗ lực
Liên quan đến việc Vietcombank đang vượt qua VietinBank về lợi nhuận, người đứng đầu VietinBank cho biết ngân hàng này không đặt nặng vị trí dẫn đầu hay thứ hai vì như vậy là tự tạo ra áp lực cho chính mình một cách không cần thiết.
Mùa báo cáo tài chính quý 3 của các ngân hàng cơ bản đã kết thúc, chỉ còn một vài cái tên chưa công bố chính thức. Trong bức tranh chung ấy, điểm sáng hiện lên ngày càng nhiều, mở ra một triển vọng sáng sủa hơn cho ngành ngân hàng sau giai đoạn tăm tối vừa đi qua.
Trong những điểm sáng ấy, nổi bật nhất là tình hình lợi nhuận đã cải thiện đáng kể. Câu lạc bộ nghìn tỷ 9 tháng điểm danh thêm nhiều cái tên như là HDBank, LienVietPostBank, hay thậm chí ngân hàng phải cần lộ trình tới vài năm để tái cơ cấu là Sacombank cũng bắt đầu tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm với lợi nhuận xấp xỉ nghìn tỷ. Những tên tuổi vốn đã khắc sâu trên thị trường như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, hay những ngôi sao mới nổi vài năm nay là VPBank, Techcombank thì ngày càng khẳng định cho thị trường thấy họ luôn là thách thức với bất kỳ đối thủ nào.
Với những điều tốt đẹp đã mang lại trong 9 tháng qua, chẳng có lý do gì mà không kỳ vọng ở quý cuối cùng và một năm 2017 viên mãn. Nhưng chưa hẳn, thực tế đang xuất hiện vài lo ngại. Chia sẻ với người viết mới đây, người đứng đầu Ngân hàng TMCP Công Thương VN (VietinBank) là ông Nguyễn Văn Thắng đã lưu ý rằng, hai tháng cuối năm sẽ chẳng dễ dàng gì với các ngân hàng, họ phải đối diện với những áp lực như là lợi nhuận bị co hẹp, tăng trưởng tín dụng cao nhưng phải ổn định lạm phát…
Phóng viên: Thưa ông, qua 10 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng mới đi được hơn nửa quãng đường, vậy mục tiêu 21-22% cho cả năm nay có khả thi không? Các ngân hàng sẽ chịu những áp lực gì trong việc đẩy vốn ra thị trường 2 tháng cuối năm?
Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch HĐQT VietinBank: Theo số liệu ước tính, 10 tháng đầu năm tín dụng đã tăng hơn 13%. Trong 2 tháng cuối năm, áp lực về tăng trưởng tín dụng đương nhiên là có. Bởi 2 tháng mà phải giải ngân chừng đó tiền (khoảng hơn 500.000 tỷ đồng trong khi 10 tháng trước mới giải ngân khoảng 700.000 tỷ - P.viên) là rất lớn. Bên cạnh đó, giải ngân lớn nhưng tiền đổ vào đâu để trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không gây ra nguy cơ lạm phát mới là vấn đề.
Trong kết quả tăng trưởng GDP quý III, tôi đánh giá rằng có sự nỗ lực lớn của các ngân hàng bởi đã cung cấp được nguồn vốn đủ phục vụ nhu cầu phát triển. Trong hai tháng cuối năm, hệ thống ngân hàng có thể đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ. Nhưng tôi cho rằng, nguồn tín dụng của ngân hàng giải ngân được đúng các đối tượng như là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt các lĩnh vực ưu tiên tiên theo định hướng chỉ đạo của ngân hàng nhà nước, thì mới thực sự có ý nghĩa đối với mục tiêu GDP.
Áp lực lên nguồn vốn cho vay lớn như vậy thì liệu có ảnh hưởng đến diễn biến lãi suất huy động của các ngân hàng không thưa ông?
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay rất tốt. NHNN thời gian qua cũng có nhiều biện pháp để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. Dù rằng cầu tín dụng lớn nhưng chưa và không có dấu hiệu nào cho thấy áp lực lên lãi suất đầu vào, và tôi tin rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì ổn định như hiện tại.
Thiên tai đang ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, mới đây Thống đốc NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất để hỗ trợ, bên cạnh đó là các chương trình cho vay ưu tiên vẫn tiếp tục triển khai, vậy theo ông điều này có tác động lên lợi nhuận ngân hàng quý cuối năm không?
Chắc chắn NIM (biên lợi nhuận) của các ngân hàng sẽ ảnh hưởng trong quý còn lại. Như ở VietinBank, trong tháng 10 vừa qua NIM đã giảm so với thời gian trước bởi việc giảm lãi suất cho các đối tượng khách hàng gặp khó khăn trong thiên tai địch họa.
Lợi nhuận có thể giảm do tác động từ việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, nhưng việc xử lý nợ xấu ráo riết sau khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được Quốc hội ban hành liệu có làm bớt đi phần nào khó khăn cho ngân hàng không thưa ông?
Nghị quyết 42 là mới ra đời, dù rằng đã tác động tích cực lên hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng nhưng tôi cho rằng chưa thể hỗ trợ được nhiều vào lợi nhuận của ngân hàng trong các tháng cuối năm nay mà phải chờ đến năm sau.
VietinBank những năm trước luôn dẫn đầu về lợi nhuận nhưng gần đây đã bị Vietcombank vượt qua. Là người đứng đầu ngân hàng, ông có suy nghĩ gì hay đặt ra mục tiêu gì để lấy lại vị thế của mình?
Ngân hàng nào cũng có mục tiêu và chúng tôi cũng vậy. VietinBank đặt nguyên tắc căn cứ vào thực tế hoạt động của ngân hàng, vào định hướng lớn để làm sao quản trị ngân hàng đạt mục tiêu cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Mục tiêu ngắn hạn là lợi nhuận tốt, quy mô tăng trưởng cao, chất lượng tín dụng tốt nhất có thể, qua đó đảm bảo cổ tức cho cổ đông cũng như đời sống nhân viên ngân hàng. Mục tiêu dài hạn và lớn nhất là để VietinBank phát triển bền vững và chúng tôi phải cân nhắc lợi ích trước mắt và lâu dài.
Còn về mục tiêu dẫn đầu hay không thì chúng tôi căn cứ vào thực trạng của mình để đưa ra mục tiêu cho mình chứ không quan trọng việc đứng thứ nhất, thứ hai hay thứ ba, bởi như thế là tự tạo áp lực cho mình một cách không cần thiết.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Trí Thức Trẻ