Chủ tịch Vietravel Holdings: Hàng triệu người làm du lịch Việt chỉ còn một “căn cứ” cuối cùng!
Chủ tịch Vietravel Holdings (đơn vị du lịch vừa mới mở ra hãng bay lữ hành đầu tiên ở Việt Nam – Vietravel Airlines) Nguyễn Quốc Kỳ bày tỏ lo ngại về việc không chỉ Vietravel phải đóng cửa, mà toàn bộ ngành du lịch sẽ không còn cửa tồn tại, nếu tình hình dịch Covid-19 không được kiểm soát triệt để.
- 06-02-2021Shark Hưng: Tôi nghĩ chính phủ nên dừng các gói cứu trợ cho doanh nghiệp!
- 06-02-2021"Không nên câu nệ độ tuổi của đại biểu Quốc hội"
- 06-02-2021Lên mạng giải cứu hàng tết
Trong cuộc trao đổi nhanh với phóng viên, vị Chủ tịch của đơn vị lữ hành đứng top đầu Việt Nam, quy mô doanh thu hàng nghìn tỷ, tỏ ra không mấy lạc quan, khi nhìn vào bức tranh của toàn ngành du lịch Việt nói chung.
Tôi còn nhớ trước đó, vào hồi tháng 8/ 2020, ông từng nói rằng: Dịch Covid-19 tái bùng phát khiến ông thấy sững sờ! Không biết lần này, khi vừa cất cánh hãng hàng không mới, ông đang đối mặt với dịch bệnh với tâm thế ra sao?
Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục khởi động lại hành trình chống dịch. Cũng giống như những lần trước, Vietravel lại tiếp tục “thu mình” lại! “Thu mình” thật nhỏ, “thu mình” một cách tối đa nhất… để đỡ bị mất “nhiệt”(cười)! Đấy là cách nói hình tượng để tránh chạm vào thực tế không vui vẻ lắm, nên chắc bạn cũng hiểu!
Nói về tâm thế thì chính xác, chúng tôi đang bình tĩnh ngồi chờ Chính phủ dập dịch. Rồi khi hết dịch thì lại mon men tìm cách đứng lên để đi tiếp hành trình của mình.
Dù không muốn nói trực diện vào thực tế không vui thì thực tế vẫn diễn ra như vậy, và mới đây nhất là thêm một điểm du lịch trọng yếu khác của cả nước – Quảng Ninh - lại bị dịch “tấn công”. ông ty ông xoay sở ra sao?
Hồi tháng 8/2020, dịch “tấn công” trực diện vào khu vực Hội An – Đà Nẵng, đến tháng 11 lại “đánh” tiếp vào khu vực TP.HCM. Tất cả những địa điểm ấy đều là thị trường đông dân nhất, hay nói chính xác hơn thì đó là thị trường nguồn của ngành du lịch cả nước. Dịch quét qua một lần, mọi thứ lập tức chao đảo hết!
Đến bây giờ đã gần nửa năm trôi qua, nhưng thị trường du lịch ở Đà Nẵng – Hội An vẫn chưa thể hồi phục được! Mặc dù Đà Nẵng có bao nhiêu câu chuyện, từ cây cầu Vàng nổi tiếng, rồi bãi biển đẹp, bán đảo Sơn Trà, Bà Nà Hill… nhưng cũng không thể gượng dậy ngay được! Bởi vì tâm lý người dân còn lo sợ: sợ bị nhiễm bệnh và sợ bị cách ly, không làm gì được!
Ngay cả Nha Trang từng bị Covid-19 “tấn công” từ đợt đầu tiên, mà tới giờ bao nhiêu thời gian trôi qua, nhưng vẫn còn “ngáp ngoải”. Vậy thì thị trường du lịch ở Quảng Ninh không biết đến bao giờ mới hồi phục lại được?
Xét tình hình cả nước lúc này, ngành du lịch chỉ còn “căn cứ” cuối cùng là hòn đảo Phú Quốc. Bây giờ tôi chỉ nguyện cầu, chúng ta sẽ giữ được Phú Quốc thật tốt. Vì nếu ngay cả hòn đảo này mà cũng bị Covid-19 “công phá”, thì e là toàn ngành du lịch sẽ hết chỗ để đi, hàng triệu lao động trong ngành này chưa biết sẽ ra sao, chứ đừng nói riêng gì Vietravel.
Tức là ông đã nghĩ đến cả tình huống Việt Nam thậm chí không còn ngành du lịch trong một khoảng thời gian?
Đúng vậy, vì toàn bộ thị trường không còn và nguồn nhân lực cũng không còn. Vì người ta không thể ngồi chờ mình hồi phục, mà họ cũng phải đi kiếm sống để lo cho bản thân và gia đình.
Hiện nay, ngành du lịch đâu thể trả lương đủ cho họ! Nếu trả lương 2-3 triệu đồng/ tháng mãi thì ai chịu được? Ví dụ, ngay cả Vietravel cũng không thể đủ lực để trả lương mãi như vậy.
Du lịch gặp khó thì hãng bay mới của các ông đang ra sao?
Cũng đang còn khó khăn! Chúng tôi đang phải điều chỉnh đường bay ít đi, và tần suất bay, khách bay cũng ít đi để chống dịch.
Vậy giả dụ tình huống xấu nhất xảy ra, dịch “công phá” nốt “căn cứ địa” Phú Quốc, các ông sẽ thế nào?
Chẳng còn đường bay nào nữa!
Hoặc nếu Chính phủ yêu cầu lockdown (đóng cửa) thì chúng tôi cũng phải dừng thôi, đó là nguyên tắc mà!
Hồi tháng 4/2020, chúng ta vẫn nói với nhau rằng: Ở nhà là yêu nước, thì bây giờ chúng tôi cũng đang sẵn sàng cho tình huống ấy rồi. Nếu giãn cách toàn quốc như lần đó, chúng tôi sẽ ở nhà và yêu nước, chứ đâu còn có thể làm được gì hơn?
Ông đã nghĩ đến kịch bản cho chính mình chưa? Rằng nếu tình huống tồi tệ như thế thì một người là Nguyễn Quốc Kỳ sẽ ra sao?
Cá nhân ông Kỳ thì câu chuyện đến thế là thế thôi (cười)! Vấn đề tôi quan tâm là toàn bộ những người làm du lịch sẽ ra sao? Họ sẽ đi đâu, về đâu?
Một đơn vị như Vietravel mà cũng không vượt qua được, thì tôi cũng chưa biết các đơn vị khác ra sao. Đến lúc hết lockdown, du lịch có cơ hội hồi phục lại, mà nếu đến Vietravel còn thấy khó, thì tôi nghĩ, các đơn vị khác chắc chắn cũng đâu dễ dàng gì!
Cho nên chúng ta phải nhìn một bức tranh tổng thể! Tức là toàn ngành du lịch lúc này rất mong đợi nhà nước có một vài cơ chế chính sách như thế nào đó, giúp họ có cơ hội tồn tại, chứ đến giờ này chưa thấy cơ chế chính sách nào có thể đỡ được cho ngành cả…
Tôi không nói là Chính phủ phải cứu ông Vietravel hay cứu ông A, ông B… bởi vì vấn đề không phải cứu bằng tiền, mà chúng tôi cần được cứu bằng cơ chế chính sách. Có cơ chế rồi thì tiền chúng tôi sẽ tự làm ra được!
Cụ thể ông mong đợi cơ chế, chính sách gì?
Tôi từng đưa ra sáng kiến lập quỹ hỗ trợ cho khách đi du lịch 2 triệu đồng/ mỗi người. Nhưng rất nhiều người phản đối, thậm chí phản ứng gay gắt vì họ nói: Hàng triệu lao động thất nghiệp cần hỗ trợ, hàng nghìn người lang thang, bán vé số ngoài đường chưa được hỗ trợ thì tôi lại muốn cho mỗi người đi chơi những 2 triệu đồng!
Tôi hỏi lại họ: Tại sao lại không thể làm được, nếu như sự hỗ trợ ấy cứu được cả triệu người trong ngành du lịch? Du lịch là ngành thâm lạm lao động nhất, cứu ngành này cũng là cứu thị trường lao động đấy chứ? Ơ kìa, câu chuyện ở đây không phải người ta đi chơi được nhận tiền, mà là tôi đang tìm cách cứu hàng triệu người khác.
Một resort bao nhiêu người làm, một khách sạn bao nhiêu người làm, một tàu du lịch trở được 2.000 khách du lịch thì có tới 3.000 thủy thủ. Một khách du lịch phải có từ 3-3,5 người lao động xung quanh mình. Vậy thì lực lượng lao động lớn lắm chứ, giúp cho xã hội nhiều lắm chứ.
Khi cơ chế tốt chưa có, dù tôi có muốn bỏ tiền ra làm cũng không được, vì cuối cùng, điều mình làm phải có trong luật, chứ nếu ngoài luật thì dù tâm tôi có tốt đến mấy, chí tôi có thiện thế nào cũng sẽ thành tội nhân!
Nhưng chính ông vừa nói, vì tâm lý lo sợ nên người dân đâu có đi du lịch? Chẳng lẽ phương án cho họ tiền sẽ giúp đập tan hết nỗi sợ?
Thực ra người ta vẫn đi du lịch cuối tuần đó! Các nhóm bạn, rồi các gia đình vẫn tự lái xe đi đấy chứ. Tức là thị trường vẫn có nhu cầu, nhưng ta không có cơ chế để khai thông cái mạch nguồn đó thôi!
Tình hình ngành du lịch bây giờ như ở trên sa mạc vậy. Tuy sa mạc khô cằn, nhưng vẫn còn có nước mát ở ốc đảo. Vấn đề là ta phải có cách nào đó, để đem nước tới làm dịu bớt nơi khô nóng.
Giả dụ nếu có cơ chế đó cho các ông, giả dụ khách đi du lich lại đông đúc, thì ông có chắc chắn đảm bảo an toàn cho họ không?
Chắc chắn làm được chứ.
Phòng chống dịch vẫn là số 1 mà. Chúng tôi làm nghiêm lắm, diệt trùng khử khuẩn rồi chia 5 ca làm việc, rồi cài bluezone, tránh tuyệt đối địa điểm không an toàn… Chúng tôi vẫn gọi đó là du lịch an toàn và chính xác là từ đầu vụ dịch tới giờ, Vietravel chúng tôi chưa từng có ca nhiễm.
Ví dụ, khi dịch bùng lên ở Đà Nẵng, ngay khi nắm được thông tin, chỉ trong vòng 3 ngày, chúng tôi sơ tán 11.000 khách khẩn trương ra khỏi Đà Nẵng. 7.000 người bay về đầu Sài Gòn. 4.000 người bay về đầu Hà Nội. Một con số khủng khiếp như thế, trong thời gian ngắn như vậy, chúng tôi làm việc mệt đừ người như thế, không khác gì đi giải cứu công dân, mà chưa có một ca nhiễm nào từ hành khách đến nhân viên!
Cho nên điều tôi muốn nói nhất là câu chuyện liệu chúng tôi có được tin tưởng, và được tạo cơ chế hợp lý hay không? Tôi vẫn hiểu là tình hình vô cùng khó khăn, nhưng vẫn phải có giải pháp hợp lý chứ!
Tôi nói ra như vậy không phải vì quan tâm bản thân mình, mà thực lòng mong mỏi rằng trong tương lai, ngành du lịch ít ra vẫn còn tồn tại được!
Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị