Chủ tịch Vinamit: “Chưa chuẩn bị được 5 điều này thì đừng khởi nghiệp, nếu không tôi đảm bảo không đi quá 5 năm”
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Vinamit đưa ra 5 lời khuyên “thẳng nhưng thật” cho các bạn trẻ trước khi quyết định mở một startup.
Là người khởi nghiệp thành công với lĩnh vực thực phẩm khô, trái cây sấy… từ những năm 1988, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT, CEO Công ty Vinanamit đúc rút được nhiều kinh nghiệm xương máu trên hành trình đi đến thành công của mình. Chia sẻ với Trí thức trẻ, ông chủ của thương hiệu gắn liền với trái mít đã đưa ra 5 lời khuyên thực tế cho các startup giữa bão khởi nghiệp đang bùng nổ ở Việt Nam.
Muốn khởi nghiệp thì phải thích làm chuyện khó
Theo ông Viên, nếu một bạn trẻ muốn khởi nghiệp thành công thì trước tiên phải biết làm chuyện khó, thích làm chuyện khó. Nếu khả năng làm chuyện khó chưa có thì phải có tư duy rõ ràng, tập làm chuyện khó nhiều năm liền.
"Thực tế, nhiều người rất ngại làm công việc khó, cứ thấy việc khó là né, đùn đẩy cho người khác. Nếu không thích làm chuyện khó thì làm sao có khả năng giải quyết vấn đề khi khởi nghiệp?. Làm chuyện khó là làm cả những việc trong gia đình, ngoài xã hội, ở công ty… bản thân mình phải là người thích làm chuyện khó thì Sếp mới giao những việc mới, việc khó hơn. Khi làm việc khó mới phát triển được tư duy, mở mang kiến thức.
Khi làm chuyện gì mình phải toàn tâm, học được nhiều thì mình sẽ nhuần nhuyễn rồi mới tiến bộ. Còn ý tưởng hay thì ai chả có, 1 đống ý tưởng nhưng làm được hay không đó mới là vấn đề", ông Viên nói.
Hãy tập làm công trước khi làm chủ
Theo ông Viên, yếu tố thứ 2 mà một startup cần có đó là phải săn tìm cơ hội mới. Mỗi người phải tự len lỏi vào xã hội. Săn ý tưởng từ trong nhà, ngoài đường, tìm kiếm các dự án công, dự án tư, sau đó làm gia công, thầu lại các dự án cho họ.
Khi nhận làm công, mỗi người đều phải có trách nhiệm làm đến nơi đến chốn. Nếu làm ẩu sẽ bị trừ tiền, bị bồi thường, bị mắng chửi nhiều thì sẽ dần khôn lên và tích lũy được vô vàn kinh nghiệm quý báu.
Khi thời gian làm công đủ dày thì người đó mới có thể làm chủ chứ không để đùng cái mà nhảy lên làm ông chủ được. Do đó, muốn làm startup thì mỗi người phải tự len lỏi để săn tìm cơ hội mới cho mình.
Tư duy dự phòng với rủi ro
Hành trang thứ ba của một startup là phải biết đề phòng với rủi ro. Theo ông Viên, có nhiều cách để startup đầu cơ phòng tránh rủi ro như mua một cây vàng cũng là đầu cơ, mua một căn nhà, mua đất… để phòng khi thất bại thì còn có cái cứu mình.
"Đầu cơ sinh lãi để cứu mình khi thất bại là điều nên làm. Không nên có bao nhiêu vốn liếng thì đổ hết cho khởi nghiệp. Tất cả doanh nghiệp Việt nếu không dính đến đất thì sụp từ lâu rồi. Kinh doanh là có thất bại, lỗ lãi là chuyện bình thường nên phải tính trước.
Còn có nhiều người mới thành công chút ít đã vội mua nhà, mua xe sang, mua đồ chơi, ăn nhậu… thì đó không phải là tư duy của người kinh doanh thật sự", ông Viên chia sẻ.
Muốn làm chủ thì trước tiên phải học làm CEO
Tư duy thứ 4 trong khởi nghiệp là phải chịu khó học cho thành 1 CEO thực thụ. Người làm CEO mà tài chính không biết, kế toán không biết, kế hoạch không biết, Marketting cũng không biết, R&B không biết, sản xuất cũng phải giao cho người khác toàn bộ… thì khó có thể làm chủ.
Anh chưa làm CEO được thì sẽ không làm chủ được. Bởi nếu anh không biết làm CEO thì khi làm chủ sẽ CEO qua mặt.
Phải có kịch bản khởi nghiệp
Ông Viên cho rằng một startup nếu không biết kịch bản của công ty mình sẽ đi về đâu thì rất nguy. "Startup phải xác định được mình làm doanh nghiệp này ra để làm gì? Để kiếm tiền, để bán hay làm vì đam mê, để lên sàn IPO… hay gì đi chăng nữa thì cũng phải có kịch bản đàng hoàng.
Đằng này nhiều bạn cứ đùng đùng đi làm chứ không có kịch bản, cũng không biết mình đang làm cái gì. Nhiều người nghĩ rằng khởi nghiệp chỉ cần 1 ý tưởng hay là được nhưng khi làm ra rồi thì gặp ngay 1 cái cây to đùng chắn ngay trước ngõ. Khi đó bạn mới nhận ra tất cả những gì mình tưởng tượng người ta đã làm hết rồi và thế là nản chí, bỏ cuộc.
Do đó, người làm khởi nghiệp phải biết nhìn xa trông rộng. Ý tưởng thì nhiều nhưng khi nào ý tưởng của mình bán đi có người mua thì đó mới là ý tưởng hay, còn không ai mua thì chưa chắc đã có gì hay ho.
Tôi lấy ví dụ, có một bạn trẻ hồi mới ra trường đã nhờ tôi tư vấn về một ý tưởng khởi nghiệp với trà đóng gói. Bạn đó nói rằng sẽ nhập công nghệ nước ngoài về đóng gói thật đẹp, sản phẩm đặc sắc chưa ai có ở thị trường Việt Nam và mơ tưởng về một ngày thành công rực rỡ. Tôi hỏi vốn ở đâu thì bạn nói đi mượn. Tôi khuyên bạn nên dừng lại nếu không sẽ có ngày trầm cảm. Cuối cùng bạn không nghe và rồi thất bại, mất sạch…
Câu chuyện đó cho thấy vẫn còn nhiều bạn trẻ chưa hiểu đúng bản chất của khởi nghiệp. Muốn làm cái gì đó thì phải nghiên cứu, tìm hiểu nó cho đàng hoàng chứ không thể cứ đùng đùng đi làm, vay mượn khắp nơi, thế chấp cả nhà của bố mẹ rồi đổ vỡ ra thì ai gánh chịu?", chủ tịch Vinamit phân tích.
Theo ông Viên, đó là 5 yếu tố nền tảng của một startup mà người khởi nghiệp tuyệt đối không được bỏ qua.
"Startup mà không có những tư duy trên thì tôi đảm bảo không đi quá 5 năm chứ đừng nói là 20 năm. Một doanh nghiệp thành công phải đứng vững trên thương trường khoảng 20 thì tôi mới tin là thành công. Còn gọi vốn nhiều không đánh giá được họ có thành công hay không mà còn phải qua cả hành trình dài. Với những người đã có trải nghiệm đủ dày, đủ lớn với 5 yếu tố trên thì tôi tin là họ sẽ thành công, dù là ý tưởng mới hay thậm chí là đi lại con đường mà người khác đã đi…", ông Viên kết lại.