Chủ tịch Vinamit: Cuộc đời doanh nhân như hình sin, thường có 3 lần rơi xuống vực và 3 lần được thiên thần kéo lên
"Cuộc đời doanh nhân không bao giờ là đường thẳng, chúng ta không được mơ mộng hão huyền về việc đó. Mình phải nhớ rằng cần bình thản khi đang ở đỉnh cao và bình tĩnh khi đang xuống dốc”, ông Nguyễn Lâm Viên nhắn nhủ.
- 19-01-2020Chủ tịch Vinamit: “Chưa chuẩn bị được 5 điều này thì đừng khởi nghiệp, nếu không tôi đảm bảo không đi quá 5 năm”
- 08-12-2019Ông chủ Vinamit và hành trình 13 năm âm thầm giúp đỡ trẻ tự kỷ từ lợi nhuận kinh doanh quán cafe
Chưa khi nào bị ảnh hưởng nặng nề như lần này
Trong hành trình gây dựng Vinamit từ năm 1991 đến nay, vị chủ tịch Nguyễn Lâm Viên đã nhiều lần đối mặt với khủng hoảng, biến cố nhưng chưa khi nào bị ảnh hưởng lớn như đại dịch Covid-19 này.
Trong một talkshow do VnExpress tổ chức, ông cho biết công ty của mình mất gần 30% doanh số, thị trường xuất khẩu tại chỗ bị đóng cửa ngay lập tức, thị trường nội địa cũng giảm sút. Các đối tác, khách hàng không muốn tồn kho nhiều nữa, đồng nghĩa với việc Vinamit đang phải giữ tồn kho cho họ và khiến tốc độ bán chậm đi.
“Khi đại dịch bắt đầu xảy ra thì tôi đã nhìn thấy khủng hoảng rồi. Những người có kinh nghiệm luôn nhìn khủng hoảng không phải một thời gian ngắn như một tháng tháng hay một năm, mà nó phải là 3-5 năm", ông Viên cho biết.
Điểm quan trọng nhất khi xảy ra biến cố là lập tức đề nghị các phòng ban xem lại, điều chỉnh kế hoạch tài chính, chi tiêu theo biến phí thay vì định phí. Điều này có nghĩa rằng mọi chuyện đều phải tùy thuộc vào việc mình bán được thì mới chi tiêu.
Chủ tịch Vinamit - Nguyễn Lâm Viên.
Đối với ông Viên, khi xử lý khủng hoảng, vai trò lãnh đạo là quan trọng nhất. Phải làm sao để có tầm nhìn lường trước được hết, đưa ra những kịch bản dù cần hy sinh. Cần nhìn vào thực tế vấn đề, đừng giấu diếm hay màu mè. Nếu không, vô hình trung bạn sẽ làm ảnh hướng đến tâm lý nhân viên, họ không nhận thức được tình hình khó khăn hiện tại.
Không riêng Vinamit mà cả ngành nông nghiệp còn đứng trước nhiều thách thức và sự chuyển biến. Phương thức mua bán thay đổi, giá nông sản vẫn giảm. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, hệ miễn dịch và có xu hướng sống thuần tự nhiên. Do đó, vị doanh nhân cho rằng nếu người nông dân tiếp tục làm theo cách cũ thì sẽ không phải con đường lý tưởng.
Trong khi đó, nhiều người trẻ đã nhìn thấy tiềm năng và bắt đầu đi tìm con đường cho riêng mình. Ông Viên cũng tin rằng sau đại dịch, ngành thực phẩm sẽ bùng nổ rất nhanh và Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nhà bếp của thế giới.
Cuộc đời doanh nhân như đồ thị hình sin
Ông Lâm Viên cho rằng một doanh nhân thường trải qua 3 lần rơi xuống đáy và 3 lần có vị thiên thần kéo mình lên.
“Cuộc đời của một doanh nhân giống như hình sin, đi lên rồi phải đi xuống. Cuộc đời doanh nhân không bao giờ là đường thẳng, chúng ta không được mơ mộng hão huyền về việc đó. Mình phải nhớ rằng cần bình thản khi đang ở đỉnh cao và bình tĩnh khi đang xuống dốc”, Chủ tịch Vinamit nhắn nhủ.
“Khi đã rớt xuống đáy thì mình phải liều để đi lên. Nếu trong lúc rớt xuống mà còn cố bám víu vì tình cảm, vì danh dự, vì sĩ diện thì sau đó sẽ không còn sức nữa. Nên thừa nhận rủi ro của mình, chấp nhận thất bại, đối mặt với nó, cho nó rớt xuống đúng cái đáy thì khi ấy, dẫu gì đi chăng nữa chúng ta vẫn còn sức để đi lên.
Cũng phải luôn luôn chuẩn bị, dưỡng sức khỏe để cho dù rớt xuống đáy vẫn có sức để đi lên bằng đôi bàn tay, đôi chân của mình. Đó chính là ý chí, sự kiên cường của doanh nhân.”
Vị chủ tịch dành tình cảm trân trọng đối với những bạn trẻ lựa chọn dấn thân vào ngành nông nghiệp. Ông tin rằng nếu có được sự dẫn dắt tốt thì chắc chắn họ sẽ làm được những điều to lớn, công ty của họ thậm chí sẽ lớn hơn cả Vinamit.
“Không có gì lãi bằng nông nghiệp bởi khi bạn làm ra nông trường mà còn không có đầu vào, thì chắc chắn lãi. Nhưng phải có người định hướng. Bởi làm nông nghiệp cần phương pháp, cần kiến thức, trải nghiệm, cần tiền để đầu tư đầy đủ.”
Đồng thời phải có sự kiên trì và bền bỉ với con đường đã chọn.
“Tôi khuyên các bạn rằng phải sống thật. Mình hết tiền thì nói hết tiền, mình phải đối mặt với nó, bền bỉ vượt qua. Sự kiên trì và bền bỉ mới là giá trị của mình. Nếu lì lợm thì sẽ đi vào lối mòn bi quan, tuyệt vọng, mà đó là điều tối kỵ. Bất kỳ khó khăn gì đi nữa thì chúng ta đối mặt vẫn là cơ hội.
Bạn còn sự khát khao đó thì còn có vị thiên thần đưa bạn lên. Trong cuộc đời luôn luôn sẽ có 3 vị thiên thần đưa mình lên khi hoạn nạn nhất, nhưng với điều kiện là phải đủ sự kiên trì và bền bỉ.”
Trí Thức Trẻ