MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Yeah1 Group nói về ‘cú sập hầm Youtube’ năm 2019: Khi ‘đứng trên vai người khổng lồ’, nếu thấy mình đe dọa vị thế của họ, họ sẽ vứt mình xuống

26-12-2021 - 10:07 AM | Doanh nghiệp

Chủ tịch Yeah1 Group nói về ‘cú sập hầm Youtube’ năm 2019: Khi ‘đứng trên vai người khổng lồ’, nếu thấy mình đe dọa vị thế của họ, họ sẽ vứt mình xuống

"Trải nghiệm khi hợp tác với Youtube là bài học lớn và sâu sắc. Lúc đó, mình không chỉ đứng trên vai người khổng lồ mà còn muốn leo lên đầu người ta. Bây giờ, máu vẫn chảy!", Chủ tịch Yeah1 Group cho hay. Sau 3 năm, ‘cú sập hầm Youtube’ đó vẫn để lại rất nhiều di chứng cho Yeah1 Group: liên tục lỗ vì phải đổ tiền tự xây dựng hệ thống, giá cổ phiếu rơi tự do và đang bị kiểm soát.

NHỮNG RỦI RO CÓ THỂ GẶP PHẢI KHI CHỌN CHIẾN LƯỢC CHUYỂN ĐỔI SỐ BẰNG CÁCH ‘ĐỨNG TRÊN VAI NGƯỜI KHỔNG LỒ’

"Có 2 chiến lược chuyển đổi số mà các doanh nghiệp Việt Nam và cả thế giới hay dùng: tự xây dựng nền tảng hoặc sử dụng những nền tảng đã có sẵn. Việc ứng dụng nền tảng số có sẵn phục vụ cho doanh nghiệp mình phát triển, có thể giúp mình đỡ chi phí đầu tư nền tảng hoặc hợp tác với những đơn vị có phần mềm tương thích để đi lên. Đây là chiến lược mà Yeah1 đã triển khai khá thành công.

Cụ thể hơn: Yeah1 đã hợp tác với những đối tác lớn – ‘đứng trên vai người khổng lồ’, như Google, Youtube. Họ có phần mềm, ứng dụng và cộng đồng kết nối toàn cầu; hợp tác với họ là cơ hội tốt để người phát triển nội dung nhanh chóng phát triển mô hình kinh doanh của mình.

Nói chung, câu chuyện Yeah1 cũng khá buồn cười: chúng tôi xây dựng nền tảng và cộng đồng online dành cho giới trẻ thông qua bên thứ ba, nhưng vì đi nhanh quá nên gặp vấn đề. Hay nói cách khác, chúng tôi đã đi trước 1 bước so với thị trường nên gặp vực thẳm và lọt xuống.

Sau đó Yeah1 tính quay lại truyền hình - kênh offline, song cảm thấy không ổn. Tiếp theo, chúng tôi lại quay về với chuyển đổi số, bởi phải kết hợp cả online và offline mới đi nhanh hơn", ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch Yeah1 Group chia sẻ trong Talkshow "Hạt nhân trong chuyển đổi số doanh nghiệp SME" được tổ chức bởi BIT Group và Saigon Times.

Theo vị Chủ tịch này, nếu Yeah1 chạy bình thường – kiếm tiền bình thường chắc sẽ không sao, nhưng họ đã chạy nhanh quá và kiếm tiền quá nhanh trong lĩnh vực giải trí số…

 Chủ tịch Yeah1 Group nói về ‘cú sập hầm Youtube’ năm 2019: Khi ‘đứng trên vai người khổng lồ’, nếu thấy mình đe dọa vị thế của họ, họ sẽ vứt mình xuống  - Ảnh 1.

Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch Yeah1 Group.

Ông hồi tưởng: Thời điểm trước khi xảy ra sự cố, Yeah1 là đối tác phát triển nội dung số hàng đầu của Youtube – đứng vị trí thứ 3, quản lý mấy chục ngàn kênh trên toàn cầu. Có thể nói, sau khi lên sàn chứng khoán và với nguồn vốn mới dồi dào, Yeah1 đã phát triển cực kỳ nhanh! Thậm chí, họ còn có kế hoạch tiếp theo là trong 3 tháng phải trở thành đối tác lớn nhất của Youtube.

"Kiểu chúng tôi không chỉ đứng trên vai người khổng lồ mà còn muốn leo lên đầu người ta! Lúc đó, Yeah1 rất tự hào về thành tựu của mình, đi tới đâu là chúng tôi càng quét thị trường tới đó.

Khi đứng trên vai người khổng lồ, nếu thấy mình đe doạ vị thế của họ, họ cũng sẽ vứt mình xuống. Trải nghiệm khi hợp tác với Youtube, đó là bài học lớn và sâu sắc. Bây giờ máu vẫn chảy!", anh Nguyễn Ảnh Nhượng Tống bày tỏ.

Vào tháng 6/2018, cổ phiếu Yeah1 với mã YEG đã lập một kỷ lục tại Việt Nam khi giá chào sàn lên đến 250.000 đồng/cp. Sau đó vài tháng, nó còn tăng vọt lên đỉnh với mức khó tưởng – 343.000 đồng/cp.

Nhưng sau ‘cú sập hầm Youtube’ vào gần cuối năm 2019, họ từ đỉnh cao rớt xuống vực sâu, mặc dù đã nhanh chóng khắc phục hậu quả bằng cách bán lại Scalelab với giá vốn cũng như gián tiếp từ bỏ giấc mộng bành trướng thế giới hay Hollywood.

Trong thời gian gần đây, cổ phiếu của Yeah1 tăng nhiều phiên liên tiếp, song cũng chỉ giao động trong khoảng 20.000 đồng/cp đến 23.000 đồng/cp; thậm chí nó vẫn còn nằm trong diện ‘đang bị kiểm soát’.

"Khi gặp phải nan đề, Yeah1 đã chuyển sang chiến lược mới: tự phát triển nền tảng của mình. Tuy nhiên, con đường không đơn giản: mình cứ nghĩ, bỏ ra vài chục ngàn đô sẽ làm được 1 hệ thống hoặc nền tảng xịn xò. Song sự thật không phải vậy.

Tại thị trường Trung Quốc, họ có những cái app đầu tư tới 300 triệu USD. Những gì mình có thể thấy trên cái app đó có thể ví von như ‘phần vi của các mập’, còn hệ thống xử lý phía dưới chính là ‘phần thân của con cá mập’.

Để xử lý giao dịch hoặc hoạt động của hàng triệu thành viên; là một nỗ lực khổng lồ của nhiều phía. Yeah1 nghĩ: mình đã gặp chuyện đau thương như vậy thì phải cố gắng tự làm tốt 1 nền tảng, nhưng thật ra đây không phải là một câu chuyện đơn giản!

Trong 3 năm vừa rồi, bài toán lợi nhuận của Yeah rất kém, chúng tôi vẫn đang lỗ. Mặc dù mảng kinh doanh cốt lõi của Yeah1 là media vẫn rất tốt, nhưng chúng tôi lại đang phải đổ nhiều tiền vào đầu tư platform. Trong tương lai, nếu cảm thấy đầu tư không nổi nữa, thì Yeah1 sẽ đến gặp bên thứ ba như FPT để nhờ làm giúp. Nhưng tôi vẫn tâm niệm, chuyển đổi số là 1 quá trình, mình còn trẻ thì vẫn còn phải cố gắng", Chủ tịch Yeah1 tiết lộ.

 Chủ tịch Yeah1 Group nói về ‘cú sập hầm Youtube’ năm 2019: Khi ‘đứng trên vai người khổng lồ’, nếu thấy mình đe dọa vị thế của họ, họ sẽ vứt mình xuống  - Ảnh 2.

So với đầu năm 2021, số lượng nhân viên của Yeah1 đã giảm 489 người (tính đến cuối tháng 9) khi chỉ còn 359 nhân viên.

Năm 2018, Yeah1 có doanh thu đạt 1.658,2 tỷ đồng, tăng trưởng 97,3% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 118,8%, đạt hơn 180 tỷ đồng. Năm 2021, luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu Yeah1 khoảng 877,7 tỷ đồng – gần bằng với năm 2020, lợi nhuận sau thuế âm 253,5 tỷ đồng. So với đầu năm nay, số lượng nhân viên của Yeah1 đã giảm 489 người (tính đến cuối tháng 9) khi chỉ còn 359 nhân viên.

Bài học đầu tiên của Yeah1: vì mình là con nhà nghèo – thanh niên trẻ khởi nghiệp, phải sử dụng chuyển đổi số, bởi đây là con đường phát triển có chi phí thấp nhất nhưng có khả năng tạo ra hiệu quả cao nhất. Với Yeah1, chuyển đổi số là lựa chọn bức bách trong khởi nghiệp và cũng muốn làm giàu nhanh!

Bài học thứ hai: khi mình hợp tác với các đơn vị nền tảng, nếu mình phát triển nhanh quá, mình sẽ không lường trước được những rủi ro sẽ xuất hiện.

"Khi tham gia chuyển đổi số là chúng ta chấp nhận 1 cuộc chơi mới. Mọi người điều biết rằng: khi mình biết ứng dụng công nghệ đúng hay chuyển đổi số sẽ tạo ra những kết quả kỳ diệu; nhưng mà, đôi khi chúng ta không biết kết quả khi bắt đầu cuộc chơi là sẽ như thế nào.

Đã có rất nhiều doanh nghiệp trong ngành này tạo ra những cuộc cách mạng thành công nhờ chuyển đổi số. Tuy nhiên, anh em giới công nghệ đều biết: đó là bề nổi và chỉ có một vài case thành công, còn vẫn có rất nhiều dự án thất bại thê thảm – xếp lớp hằng hà sa số ở đằng sau, mà chúng ta không biết", anh Nguyễn Ảnh Nhượng Tống khẳng định

TRƯỚC KHI BAY BỔNG THÌ BỤNG PHẢI NO CÁI ĐÃ!

Ở khía cạnh khác, theo vị Chủ tịch này thì trước khi chuyển đổi số, chúng ta phải biết nó chỉ là công cụ để chúng ta phát triển. Nên đầu tiên phải lo cho bao tử trước, rồi mới bước vào cuộc chơi. Lĩnh vực số khá mênh mông và đôi khi nó có tính chất gây nghiện, đôi khi nó làm cho chúng ta xa rời thực tế, đôi khi chúng ta lao vào ảo ảnh hay hào quang thành công lớn, chúng ta sẽ chi quá tay – như anh từng như vậy.

 Chủ tịch Yeah1 Group nói về ‘cú sập hầm Youtube’ năm 2019: Khi ‘đứng trên vai người khổng lồ’, nếu thấy mình đe dọa vị thế của họ, họ sẽ vứt mình xuống  - Ảnh 3.

Yeah1 nay cũng nhảy vào mảng TMĐT với dự án GigaGoods.

"Theo đó, nó sẽ ảnh hưởng xấu tới dòng tiền của công ty và đôi khi về nhà, bà vợ sẽ cằn nhằn, kiểu ‘đầu tư làm gì mà ko mang lại tiền’, rồi mình sẽ trả lời ‘à, cái này hay lắm, anh sắp thành công rồi’.

Chuyển đổi số là chuyện bắt buộc trong khoảng thời gian hiện tại, nhưng chúng ta chỉ nên dành là 1 khoảng ngân sách nhất định và phải kỷ luật với chuyện đó. Không có chuyển đổi số, chưa chắc doanh nghiệp bạn chết, có khi lao vào mới chết!", anh cảnh báo.

Lời khuyên nữa: doanh chủ nên tận dụng tất cả các ứng dụng và hệ thống đã có sẵn trên thị trường để cải thiện tình hình kinh doanh của mình. Đây không phải chuyện nên cân nhắc ‘có thể làm’ hoặc ‘không làm’, mà trong xu thế mới là ‘buộc phải làm’.

Covid-19 không tạo ra ‘bình thường mới’ mà "hoàn toàn mới’. Nhiều cửa hàng hồi xưa thuê chỗ to rộng mặt tiền, sau khi chuyển đổi số lên các app giao nhận thức ăn, họ vào thuê nhà trong hẻm. Hoặc họ nấu nướng trong nhà mình và sử dụng các nền tảng số để giảm chi phí mà vẫn có hiệu quả tốt.

"Tôi nghĩ, trong thế giới hiện tại, chuyển đổi số không chỉ có giá trị về số không mà nó sẽ phát triển bùng nổ. Những doanh nhân trẻ khỏe, ngoài đầu tư cho doanh nghiệp mình, nên bỏ 1 khoảng đầu tư cho doanh nghiệp làm trong ngành công nghệ số hoặc nội dung số.

Trước đây, có một studio game nhỏ kêu gọi chúng tôi đầu tư cho họ 2 triệu USD, tôi đã đồng ý, nhưng một vài chú lớn tuổi trong HĐQT đã phủ quyết, nên thương vụ bất thành. Bây giờ họ vừa phát hành token và đi khắp thế giới. Giờ startup về game đó cũng có giá trị khoảng vài trăm triệu USD. Bây giờ đã không còn là thời đại ‘cá lớn nuốt cá bé’ nữa. Ai dám nghĩ dám làm và đi nhanh sẽ thành công!", anh Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đề nghị.

https://cafebiz.vn/chu-tich-yeah1-group-noi-ve-cu-sap-ham-youtube-nam-2019-khi-dung-tren-vai-nguoi-khong-lo-neu-thay-minh-de-doa-vi-the-cua-ho-ho-se-vut-minh-xuong-20211225224056933.chn

Theo Quỳnh Như

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên