Chưa có doanh thu nhưng tự định giá gần 150 triệu USD, ứng dụng hẹn hò Fika bị Shark Bình chê "ngáo giá nhất trong 5 mùa Shark Tank" giờ ra sao?
Fika hiện có thêm một người anh em mới - mạng xã hội dành riêng cho GenZ mang tên Leka, cũng do CEO Denise Sandquist và nhà đồng sáng lập Oscar Xing Luo sáng lập.
"Đây là một trong những lời đề nghị ngáo giá nhất trong Shark Tank suốt 5 mùa vừa qua", đó là lời nhận xét của Shark Nguyễn Hòa Bình về màn gọi vốn của vị CEO Fika.
Giới thiệu là ứng dụng hẹn hò và kết bạn tập trung vào nữ giới, CEO Denise Sandquist xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam mùa 5, với mục tiêu huy động 3 triệu USD cho 2% cổ phần, tương đương mức định giá lên tới 147 triệu USD. Trước đó, startup này đã gọi được 1,6 triệu USD trong vòng hạt giống.
Theo giới thiệu từ nữ CEO, Fika có nhiệm vụ và mục tiêu trở thành ứng dụng toàn cầu giúp đỡ mọi người tạo dựng và duy trì những mối quan hệ ý nghĩa. Ra mắt từ cuối năm 2020, tại thời điểm gọi vốn, nữ CEO cho biết có 1,5 triệu lượt tải về. Cô cũng khẳng định hiện Fika là ứng dụng hẹn hò đứng thứ 2 tại Việt Nam với gần 100.000 người hoạt động và được xác minh hàng tháng. Đồng thời là ứng dụng hẹn hò miễn phí tốt nhất trên nền tảng Google Play và đứng thứ 4 về ứng dụng đời sống trên nền tảng App Store tại Việt Nam.
Đặc biệt, 100% người dùng thật và được xác thực thủ công . Fika có đội ngũ 40 nhân sự để xác minh người dùng, đảm bảo việc người dùng không thể sử dụng hình ảnh giả mạo hay hình ảnh nhạy cảm. Denise Sandquist cũng lấy ví dụ về thành công của Tinder và Bumble để chứng minh tiềm năng của Fika.
Tuy nhiên, những lập luận của nữ CEO phải đối mặt với sự phản biện gay gắt của các "cá mập".
Shark Hùng Anh cảm thán: " Hiện tại ứng dụng của bạn đang chưa tạo ra doanh thu nhưng bạn muốn gọi 3 triệu USD cho 2% cổ phần, tương đương giá trị 150 triệu USD".
Để thuyết phục các Shark về mức định giá của mình, CEO Fika một lần nữa lấy Tinder, Bumble làm thước đo để so sánh. Tinder và Bumble có bội số hẹn hò từ 50-120. Cô tính toán nếu có 1,5 triệu lượt tải xuống và nhân 100, sẽ trở thành 150 triệu USD.
"Vì vậy 3 triệu USD không đủ ngay cả khi trở thành một công ty trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên với 30 triệu USD cho 20% cổ phần thì tôi có thể biến Fika thành một kỳ lân công nghệ mới của Việt Nam" , nữ CEO lạc quan.
Dẫu vậy, đến cuối cùng, nữ CEO Fika không nhận được cái gật đầu nào từ các nhà đầu tư do định giá cao, mô hình không dễ kiếm tiền.
Hiện nay, sau khoảng 1 năm lên sóng, Fika đã tụt xuống hạng 81 trong bảng xếp hạng ứng dụng Lối sống miễn phí tại Việt Nam trên App Store. Ứng dụng này cũng đã ngừng cập nhật phiên bản, tính năng mới từ 1 năm trước.
Trong khi đó, CEO Denise Sandquist và nhà đồng sáng lập Oscar Xing Luo mới đây lại ra mắt một ứng dụng mạng xã hội khác mang tên Leka. Leka được giới thiệu là nền tảng xã hội dành cho thế hệ GenZ, tạo ra các nhiệm vụ để tăng độ "kết dính" với bạn bè.
“Chúng tôi không muốn trở nên như các mạng xã hội khác, khi người dùng chỉ chăm chăm vào đăng tải các bức hình hoàn hảo. Mong muốn hoàn hảo tạo ra rất nhiều áp lực, chúng tôi chỉ muốn mọi người hạnh phúc và hài lòng hơn với cuộc sống” , Sandquist nói với Tuổi trẻ Online.
Hiện Fika và Leka được điều hành bởi Công ty Skapa, cũng do Denise Sandquist và Oscar Xing Luo đứng đầu. Theo Forbes, các nhà đầu tư của Skapa bao gồm VNV Global và Goodwater; và những người sáng lập kỳ lân từ King (Candycrush), VNG Corporation, Voi và Divvy Homes.
Nhịp sống thị trường