Chưa đầy 1 tháng nữa, Việt Nam sẽ có 2 thành phố trực thuộc Trung ương giáp ranh nhau
Sáng ngày 30/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
- 29-11-2024Nghệ An sắp đón dự án FDI 14.700 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15.000 lao động
- 28-11-2024Quận nhỏ nhất, có mật độ dân số cao nhất Việt Nam giảm còn 10 phường
- 27-11-2024TP. Hồ Chí Minh sẽ thành lập 3 phường trong cùng 1 quận
Sáng ngày 30/11, với 458/461 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,62% tổng số đại biểu, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Theo Nghị quyết, thành lập thành phố Huế là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là hơn 4.947km2 và quy mô dân số gần 1,24 triệu người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về ý kiến chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tán thành với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và cho rằng, việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước.
Có những ý kiến còn băn khoăn về tỷ lệ số đơn vị hành chính đô thị trực thuộc thành phố Huế và chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước còn thấp.
UBTVQH cho rằng, thành phố Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận nên về nguyên tắc sẽ không nhấn mạnh yêu cầu về tỷ lệ đô thị hóa mà chú trọng nhiều hơn cho việc bảo đảm chất lượng và tính bền vững trong phát triển đô thị.
Việc thành lập thành phố Huế sẽ là động lực để Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt, có phương hướng và kế hoạch đầu tư, phát triển cụ thể nhằm tăng cường chất lượng đô thị, phát triển nhanh, mạnh và bền vững kinh tế đô thị, từ đó từng bước nâng cao thu nhập bình quân đầu người và các chỉ tiêu phát triển khác trên địa bàn thành phố Huế.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Theo đó, từ năm 2025, Việt Nam có 6 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Thành phố Huế giáp thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị; nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Biển Đông. Như vậy, Đà Nẵng và Huế sẽ là 2 thành phố trực thuộc Trung ương giáp ranh nhau đầu tiên của Việt Nam.
Theo Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn cả nước về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước…
Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9-10%/năm. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5-4%/năm; công nghiệp xây dựng tăng 10-11%/năm; khu vực dịch vụ tăng 11,5-12,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD.
Địa phương phần đầu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%; thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số chuyển đổi số (DTI)...
Theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, mục tiêu đến năm 2030 xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistic, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…
Kinh tế đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,5-10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt khoảng 8.000-8.500 USD, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%.
Nhịp sống thị trường