Chưa hết nỗi lo về kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc có thể sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế nếu chính phủ vẫn dựa quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng - một quan chức nước này thừa nhận.
- 13-05-2016Chẳng phải nợ công hay kinh tế Trung Quốc, đây mới là nỗi ám ảnh lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu
- 05-05-2016"Bức tường" 571 tỷ USD sắp đổ sập xuống nền kinh tế Trung Quốc
- 21-04-2016Kinh tế Trung Quốc ổn định trở lại, nhưng đó là "bình yên trước cơn bão"?
Sẽ theo mô hình chữ L?
Ngày 9/5, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cho phát trên trang nhất bài phỏng vấn một “quan chức có trách nhiệm”, được thực hiện theo lối “hỏi-đáp”. Nội dung đề cập đến tình hình kinh tế Đại lục hiện nay, những chính sách sẽ được triển khai trong thời gian tới để giải quyết những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đang phải đối mặt. Đây là lần thứ 3 trong chưa đầy một năm Nhân dân Nhật báo đăng tải bài viết theo hình thức kiểu này. Hai lần trước là vào các ngày 25/5/2015 và 1/4/2016, đều là ngay sau thời điểm thị trường chứng khoán Trung Quốc trải qua các phiên giao dịch “bấn loạn”, gây ra tâm lý lo lắng trong giới đầu tư.
Theo vị quan chức ẩn danh, kinh tế Trung Quốc vẫn giữ được đà tăng trưởng hợp lý, với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,7% trong quý 1/2016. Đã xuất hiện nhiều điểm sáng trên các chỉ số về việc làm, giám sát tài chính, ổn định xã hội, lợi nhuận của doanh nghiệp, đầu tư tài sản cố định, … Tuy nhiên, nhân vật này cũng thừa nhận, những điểm nghẽn mang tính cố hữu vẫn chưa được xử lý triệt để, nhiều vấn đề mới nảy sinh. Đặc biệt, nền tảng “ổn định” chủ yếu dựa vào cách thức cũ, lấy đầu tư làm đòn bẩy, đang gây ra những áp lực đối với hệ thống tài chính - ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng tài chính nếu không kiểm soát tốt.
Dựa trên những đánh giá mang tính toàn cục, kinh tế Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn suy giảm theo hình chữ L (giảm tốc và nằm ở đáy khá dài), chứ không phải là hình chữ U (tụt dốc nhanh, phục hồi chậm) hay chữ V (giảm mạnh nhưng cũng tăng nhanh tương ứng) - nguồn tin giấu tên trên khẳng định. Xu thế này duy trì trong một vài năm tới, bởi rất khó để tạo ra được thay đổi bước ngoặt trong bối cảnh tổng cầu yếu, dư thừa năng lực sản xuất. Vị quan chức chia sẻ trên tờ Nhân dân Nhật báo rằng, để có được đà tăng trưởng cao và bền vững trong dài hạn, Trung Quốc có thể sẽ phải chấp nhận “một bước lùi” để có được “2 bước tiến” mà ở đó không vội mừng trước các chỉ số lạc quan, nhưng cũng không hoảng loạn trước các con số tiêu cực.
Những nhận định, đánh giá trên được đưa ra tại thời điểm lại xuất hiện chỉ dấu mới nhất về yếu kém của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Số liệu mới công bố của Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy xuất khẩu của nước này trong tháng 4 (tính theo giá trị đồng USD) đã giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 173 tỉ USD, trái ngược với mức tăng 11,5% đạt được trong tháng 3 và là lần giảm thứ 9 trong 10 tháng qua. Hoạt động nhập khẩu cũng kém nhộn nhịp hơn với mức giảm gần 10,9%, đạt 127 tỷ USD.
Cải cách để tránh nguy cơ đổ vỡ
Mức tăng GDP 6,7% trong quý 1 vừa qua đã vượt dự báo, kỳ vọng thị trường được đưa ra trước đó. Nhưng ẩn sau con số này là dấu hiệu đáng quan ngại đối với hệ thống tài chính - ngân hàng. Kể từ đầu năm 2016, Chính phủ Trung Quốc đã lại thiên về chính sách nới lỏng tiền tệ, đẩy tốc độ tăng trưởng các khoản vay trong tháng 1 lên 67% và đạt mức tăng 43% trong cả quý 1. Dòng tiền không đứng im, nó có chảy vào các công ty “xác sống” (zombie companies), một phần được dùng cho các hoạt động đầu cơ trên thị trường bất động sản, hàng hóa và trái phiếu. Hệ quả là nợ quốc gia và nợ xấu tiếp tục tích tụ và tăng nhanh.
Theo đánh giá của tờ Bloomberg, tổng nợ của Trung Quốc hiện tăng tới ngưỡng 247% so với GDP, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế đang nổi khác, đưa Trung Quốc trở thành nước có tốc độ tích tụ nợ nhanh nhất trong Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20). Giới phân tích nhận định, “núi” nợ phình to cộng với hiệu quả kinh tế mà mỗi đơn vị tín dụng đem lại giảm sút sẽ có thể đẩy kinh tế Trung Quốc đi vào “vết xe đổ” Nhật Bản gắn với “thập kỉ mất mát”, thậm chí là khủng hoảng tài chính. Đơn cử như việc tín dụng ồ ạt đổ vào bất động sản sẽ làm xuất hiện bong bóng ở ngành này, đẩy hệ thống ngân hàng đối mặt với những khoản lỗ lớn khi giá nhà đất sụt giảm.
Những quan ngại này là có cơ sở, bởi lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc trong thời gian gần đây liên tục sụt giảm. Số liệu chính thức về nợ xấu trên tổng dư nợ được công bố là 1,67%. Thế nhưng tổ chức tín nhiệm Fitch (Mỹ) thì cho rằng con số đó có thể “lớn hơn gấp nhiều lần”, đồng nghĩa với khả năng các ngân hàng có thể sẽ phải đổi khoản thua lỗ lên đến 1.000 tỉ USD. Chỉ dấu này báo hiệu một thời kỳ không mấy tích cực, vì tất cả các nước lớn trên thế giới ghi nhận mức nợ tăng nhanh thì đều phải nếm trải khủng hoảng tài chính, hoặc suy giảm GDP trong thời gian dài - ông Ha Jiming, nhà đầu tư chiến lược trưởng thuộc Goldman Sachs tổng kết.
Nhà điều hành Trung Quốc dường như cũng đã nhận thức được mối nguy này. Trên tờ Nhân dân Nhật báo, vị “quan chức có trách nhiệm” dùng hình ảnh “cây không thể vươn mãi tới trời” để nói rằng đòn bẩy tín dụng cao cuối cùng sẽ đưa đến nguy cơ cao, gây ra khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống, suy giảm tăng trưởng, làm bốc hơi tài sản của từng hộ gia đình… Theo nhân vật này, để tình trạng nợ phình to là “lỗi lầm sơ khởi” và giờ là lúc từ bỏ ảo tưởng tin rằng bung ra các gói kích thích, nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có được ngay tăng trưởng kinh tế. Sức khỏe trong dài hạn của một nền kinh tế không thể dựa vào việc đi vay mãi.
Theo giới chuyên gia tài chính quốc tế, những đánh giá của vị quan chức ẩn danh này đã được “bật đèn xanh” và mang thông điệp rõ ràng của giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Theo đó, chính quyền Bắc Kinh sẽ rất thận trọng trong các chính sách nới lỏng tài chính cùng với các gói kích thích kinh tế. Thay vào đó, tiến trình cải cách sẽ được đẩy nhanh và mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư sẽ dần đi vào hồi kết, thay vào đó là mô hình dựa vào tiêu dùng, dịch vụ - chuyên gia phân tích Yang Zhao thuộc tập đoàn tài chính Nomura nói. Đây cũng chính là một định hướng nổi bật trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 13 mới được Quốc hội Trung Quốc thông qua hôm 16/3 vừa qua.
Báo tin tức